Chuyện tình của “Người lái đò” Trường Sa

(PLO) - Một trong những người lính Trường Sa được nhiều người đi thăm Trường Sa biết đến là thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Tống Văn Tùng, chủ trang facebook Tống Tùng, trước kia là "Người lái đò".
Thượng úy QNCN Tống Tùng và Ðoàn Ngọc, tác giả tập thơ “Ngược Sóng” viết về Trường Sa, trên tàu 996 đi thăm Trường Sa, tháng 5/2015.
Thượng úy QNCN Tống Tùng và Ðoàn Ngọc, tác giả tập thơ “Ngược Sóng” viết về Trường Sa, trên tàu 996 đi thăm Trường Sa, tháng 5/2015.
Sau gần 5 năm làm nhiệm vụ ở các đảo Sơn Ca, Ðá Tây A và Len Ðao, Tùng được chuyển về tàu khách 996 của Vùng 4 Hải quân, đã tham gia vài chục chuyến đưa khách thăm Trường Sa và khu vực DK1.
Anh đã chụp được nhiều ảnh độc đáo về các đảo ở Trường Sa, về cảnh khách lên thăm nhà giàn DK1 bằng cách đu dây, ảnh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa…
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tôi đi công tác ở Trường Sa trên tàu 996. Ðó cũng là chuyến đi biển đầu tiên của Tống Tùng, khi vừa cưới vợ được 3 tháng. “Chúng em nên duyên như là trời định”, chàng trai Tĩnh Gia, Thanh Hóa kể.  
Năm 2007, sau hai năm ở đảo Sơn Ca, Tùng về quê nghỉ phép, bố mẹ giục anh lấy vợ. Nhỏ dại gì cho cam, đã 28 tuổi rồi. Nhưng chưa kịp tìm người yêu, Tùng đã phải trở lại đơn vị để tiếp tục đi đảo. Không ngờ, đó là lần nghỉ phép cuối cùng Tùng được gặp bố mẹ, anh không kịp báo hiếu song thân khi họ còn sống.
Rẽ sóng ở Trường Sa, một tấm ảnh của tay máy "người lái đò" Tống Tùng.
 Rẽ sóng ở Trường Sa, một tấm ảnh của tay máy "người lái đò" Tống Tùng.
Tháng 9/2008, bố mẹ Tùng vào Ðắc Nông làm đám cưới cho em gái anh, trên đường về đến Nghệ An thì gặp tai nạn. Ðang ở đảo Ðá Tây A, Tùng được cho vào bờ chịu tang bố mẹ. Anh gặp lại Thanh Thương vào dịp đó.  
Năm 1998, Tùng từ quê ra phố, ở trọ tại nhà Thanh Thương để ôn thi đại học. Ngay ngày đầu tiên ở trọ, Tùng bị sốt, được mẹ Thanh Thương tận tình chăm sóc. Suốt thời gian ở trọ, Tùng được bà chăm nuôi như con trong nhà. Bởi vậy, sau này mỗi lần về phép Tùng đều ra thăm bà.
“Không phải kiếm cớ thăm con gái bả đâu nhé. Hồi em trọ học cô ấy mới 10 tuổi, em cũng chưa biết gì”. Tùng kể.
Về chịu tang bố mẹ, Tùng ra thăm bà chủ nhà trọ ngày xưa, gặp lại Thanh Thương, lúc đó vừa học hết năm thứ nhất đại học. Tháng 4/2009 Tùng vừa ngỏ lời yêu thì lại nhận nhiệm vụ ra đảo Len Ðao, đến tháng 9/2011 họ mới làm đám cưới.
Bây giờ, vợ chồng Tùng đã có cậu con trai hơn 3 tuổi và một căn nhà nhỏ gần Bệnh viện Ða khoa thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi Thanh Thương làm việc.
Khi bài báo này lên trang, “Người lái đò” lại đang đưa hàng Tết ra với đồng đội ở Trường Sa.     
Tàu 996 từ từ rời bến, một chàng trung úy trẻ trên tàu và một cô gái trên bến cảng vừa vẫy tay tạm biệt, vừa nói với nhau qua điện thoại. Cô gái miệng cười mà mắt nhòa lệ.

Đọc thêm