(PLO) - Tiếp bước truyền thống cha anh, từ nhiều đời nay, lớp lớp con cháu Phúc Thọ vẫn một lòng hướng về Trường Sa khi tham gia bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mảnh đất “tiền tiêu Tổ quốc”
Hàng năm, cứ đến giáp Tết Nguyên đán người dân xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lại chộn rộn chờ tin con, cháu, chồng… đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Dù thế, nhưng không ai nói ra vì một lẽ sợ ảnh hưởng đến công tác…
Với địa thế mặt hướng ta biển Đông và có thể quan sát vùng cửa sông Lam từ bên bờ Bắc sang tận phía Nam địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nên hơn 900 năm qua, Phúc Thọ luôn được chọn làm nơi đồn trú của lực lượng thủy quân. Vị trí địa lý và lịch sử quê hương đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây rằng hướng ra biển, đến Trường Sa như một tiếng gọi thiêng liêng đối với mỗi người.
Trung tá Nguyễn Văn Biên (SN 1957, trú ở xóm 2 xã Phúc Thọ) một trong những người con của Phúc Thọ mới trở về quê hương sau gần 40 năm chiến đấu, công tác tại Trường Sa, từ bé đã làm bạn với con sóng nên sớm có một khát vọng được trở thành người lính biển. Tốt nghiệp trung học năm 1975 khi vừa 18 tuổi, Nguyễn Văn Biên đăng ký đi nghĩa vụ tại Trường Sa.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo sỹ quan tại Trường Quân chính thuộc Quân khu V (Đà Nẵng), người chiến sĩ trẻ được cử ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Sau nhiều năm công tác, trải qua nhiều vị trí, nhiều hòn đảo lớn bé như Trường Sa lớn, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài, Đảo trưởng đảo Đá Tây, An Bang... nay ông trở về quê hương nghỉ hưu.
Những ký ức về những năm tháng khó khăn, những giây phút chiến đấu hùng cường hay những ngày ăn tết trên đảo và nỗi nhớ quê hương… vẫn in sâu trong ký ức. Ông bảo, dù khó khăn, hiểm nguy hay dù vất vả nhưng ông và các đồng đội vẫn chắc tay súng, vững vàng kiên trung bảo vệ biển đảo.
Đến giờ, đã 27 năm trôi qua nhưng ông chưa quên sự kiện ngày 14/3/1988 khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam và sát hại 64 chiến sỹ. Thời điểm đó, Trung tá Nguyễn Văn Biên là Đảo trưởng đảo Đá Tây, dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng ông và đồng đội luôn trong trạng thái trực chiến, nếu địch vào sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…
Ở Phúc Thọ, cùng thế hệ với ông Biên còn có Trung tá Trương Bá Sơn, Đại tá Nguyễn Bá Lan, Đại tá Phan Thế Sự… Họ đã về nghỉ hưu nhưng luôn động viên, nhắc nhở và giáo dục con cháu về một truyền thống tốt đẹp, đó là luôn hướng về biển đảo của
Tổ quốc. luôn hướng về Trường Sa
Tiếp nối truyền thống, tiếp bước cha anh đã về hưu sau thời gian công tác tại Trường Sa, lớp lớp thanh niên thế hệ con cháu vẫn hồ hởi lên đường tòng quân, ngày đêm lặng lẽ cùng đồng đội giữ vững bờ cõi biển đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi đến gia đình ông Trần Nguyên Ty (SN 1950, trú tại xóm 2, xã Phúc Thọ, thương binh 1/4) khi vợ ông - bà Doãn Thị Oanh đang giúp ông mặc cái áo khoác cho khỏi lạnh - chiếc áo là quà của con trai Trần Nguyên Hồng gửi về tặng bố mấy năm nay nhưng ông bà giữ vẫn còn mới. Là gia đình giàu truyền thống cách mạng nhiều đời, anh Trần Nguyên Hồng học hết cấp 3 liền đăng ký làm nghĩa vụ tại quần đảo Trường Sa.
Vết thương chiến tranh khiến ông Ty giờ đây yếu lắm. Dù nhớ và thương con nhưng ông bà không dám gọi điện báo vì biết con đang làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao. Ông Ty chậm rãi:“Nhớ con, nhớ cháu lắm. Hồng đi đảo cũng 18 năm rồi, vài ba năm về thăm tui với bà ấy một lần. Nhiều tết muốn gọi điện bảo con đưa vợ con về để cả nhà gặp nhau nhưng nghĩ con đang làm nhiệm vụ cao cả khi biển Đông đang dậy sóng nên thôi…”, ông Ty gạt nước mắt.
|
Ông Trần Nguyên Ty xúc động khi nhắc về con trai |
Đỡ lời chồng, bà Oanh tâm sự: “Ông nhà tôi giờ già yếu rồi, ba năm nay Hồng chưa về ăn tết. Mới rồi gọi điện thoại về nói nếu biển đảo bình yên, con xin nghỉ phép về ăn tết thăm bố mẹ. Dù muốn con về lắm nhưng hai vợ chồng bàn nhau nên để cháu chủ động vì ngày tết ngoài đó lại cần phải cẩn thận, không được chủ quan”.
Cách đó vài trăm mét là nhà ông Trần Nguyên Hoan (SN 1938) - bố của anh Trần Nguyên Hàn đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Ông Hoan nguyên là Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn 234, chiến đấu tại nhiều chiến trường như Quảng Trị, Đà Nẵng, Campuchia. Là con trai thứ hai, năm 2000 sau khi tốt nghiệp cấp 3, cũng như nhiều thanh niên trong xã, Hàn xung phong đi nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa. Thấm thoắt đã 15 năm, để tiện công tác Hàn đã đưa vợ vào Cam Ranh sinh sống.
|
Ông Trần Nguyên Hoan và vợ mong muốn con khỏe mạnh để chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương |
“Ba năm nay Hàn không về được, vợ nó mới sinh đứa con thứ hai được 4 tháng, năm ni nghe nói được nghỉ phép nhưng cháu còn nhỏ chắc cũng không về thăm gia đình được. Cũng nhớ con, nhớ cháu lắm, nhưng vì nhiệm vụ nên đành gạt buồn, nhớ. May là có điện thoại nên trao đổi, hỏi thăm con cháu cũng tiện. Tết đến, chỉ mong con khỏe mạnh, công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ là bố mẹ yên lòng…”, ông Hoan nói.
Theo thống kê, hiện toàn xã Phúc Thọ có 19 người là quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại quần đảo Trường Sa, gần 10 người là sỹ quan, chiến sỹ đã nghỉ hưu. Ngoài ra còn rất nhiều người đã và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Công Trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thọ cho biết, truyền thống từ xưa để lại, bây giờ thanh niên địa phương đều tiếp nối các thế hệ đi trước. “Để giáo dục truyền thống cũng như động viên các gia đình có con em, người thân công tác tại quần đảo Trường Sa, hàng năm các tổ chức hội của xã, huyện tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên cũng như trò chuyện với các thế hệ thanh niên trẻ để họ không quên bề dày lịch sử của xã nhà”, ông Trị nói.
Dù là thời chiến hay thời bình, mảnh đất này luôn sinh ra những người con không sợ gian khó. Thế hệ ông Biên, ông Sự, ông Lan rồi sau này là anh Hồng, anh Hàn… và các thế hệ sau này nữa vẫn luôn hướng về biển đảo của Tổ quốc, quyết bảo vệ từng tấc đất bờ cõi thiêng liêng….