Ngất ngây say rượu ngô ở chợ phiên Bắc Hà

(PLO) - Chợ phiên luôn chứa đựng nét văn hóa sống động theo năm tháng của đồng bào vùng cao. Chợ phiên Bắc Hà với rượu ngô thơm nồng nàn sẽ khiến du khách ngất ngây và say hơi men của hương vị đất trời Tây Bắc.

Ngất ngây say rượu ngô ở chợ phiên Bắc Hà
Đậm đà bản sắc chợ phiên 

Nằm cách thành phố Lào Cai 60km về hướng Đông Bắc, chợ phiên Bắc Hà từ lâu đã được biết đến như là một trong những phiên chợ đặc sắc nhất, với đầy đủ những nét văn hóa và màu sắc cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc. Đây là chợ phiên thuộc loại lớn nhất ở Lào Cai còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Không họp thường xuyên như các phiên chợ miền xuôi, chợ Bắc Hà chỉ họp vào ngày chủ nhật cuối tuần. Những ngày họp chợ, từ 5 giờ sáng, khi các bản làng còn chìm trong màn sương, khắp các con đường dẫn về thị trấn, những bà mẹ tay dắt con trẻ, người gùi, kẻ vác hàng hóa đổ về chợ. Những ngày cận tết, chợ phiên đông đúc, nhộn nhịp hơn, có cả đàn ông, trai tráng cùng về, những chú ngựa cồng kềnh hàng hóa hòa vào dòng người đi về phía chợ. 

Những gian hàng bán váy áo đông đúc người những ngày gần Tết.
Những gian hàng bán váy áo đông đúc người những ngày gần Tết. 

Với đồng bào nơi đây, họ đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là chỗ gặp gỡ, giao lưu bạn bè, người thân, bởi vậy ai cũng mặc bộ trang phục đẹp nhất xuống chợ. Mỗi dân tộc một ngôn ngữ, họ đến với chợ thông qua cái gật và nụ cười để trao đổi hàng hóa. Những sản phẩm từ cuộc sống lao động nhọc nhằn trên những khoảnh đất rừng núi xa xôi: những củ khoai, bao gạo, lon nếp nương, bó cải mèo,... đều được mang tới chợ. 

“Ở đây không như chợ miền xuôi đâu, cứ thong thả. Bán mua xong, chưa uống chén rượu ngô là coi như đi chưa tròn phiên chợ” - cô bán gạo nhanh nhảu nói với chúng tôi. 

Theo người dân vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố - món ăn đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc. Anh Vàng A Duối hồ hởi cho biết: “ Người vùng cao xứ mình cứ đến phiên là cả nhà cùng đi chợ, có khi về chợ chỉ để uống cốc rượu ngô, kể với bà con dăm ba câu chuyện núi rừng nhưng không đi thì nhớ lắm. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng qua phiên chợ”. 

Tại những phiên chợ, bà con cùng truyền nhau kinh nghiệm chăn nuôi, trồng ngô, trồng rừng, họ cùng chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm làm ăn, thậm chí họ sẵn sàng truyền bí quyết nấu những nồi rượu ngon cho nhau cùng học tập.

Phiên chợ là dịp bà con vùng cao giao lưu buôn bán và tụ tập, quây quần bên những món ăn truyền thống hay những chén rượu .
Phiên chợ là dịp bà con vùng cao giao lưu buôn bán và  tụ tập, quây quần bên những món ăn truyền thống hay những chén rượu . 
Nồng nàn men say rượu Bản Phố
Khi những cành hoa mận bắt đầu bung trắng trên tấm thảm xanh của núi, hoa đào e ấp gieo hơi ấm vào sự trầm mặc của những nếp nhà nơi thung lũng thì người dân Bắc Hà lại tất bật thu hoạch ngô để chuẩn bị vào một mùa rượu mới. Theo ông Sùng Seo Sống, người Mông ở Bản Phố, Bắc Hà (Lào Cai), nghề nấu rượu ở Bắc Hà có từ rất lâu đời, từ khi tổ tiên của người Mông về đây sinh sống nó đã được mang theo. Cùng với thời gian, nghề được truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ. 
Theo những người dân nấu rượu lâu đời ở Bản Phố, tuy có nhiều bản làng đều nấu rượu nhưng rượu ngô Bản Phố đã trở thành thương hiệu vì rượu ngô được nấu từ ngô, men hồng mi, nước từ núi đá và tình cảm của người Bản Phố cùng hòa lẫn, quyện chặt vào từng giọt rượu. Ngô là nguyên liệu chính được trồng ngay trong vùng rồi khi chín thì đem luộc đến khi hạt ngô chớm bung, sau đó để nguội và ủ  men.

 Một năm, đồng bào chỉ trồng được một vụ duy nhất, năng suất loại cây ngô này không cao, hạt mềm, bùi và rất giàu dinh dưỡng. Sau khi thu hoạch, ngô được giữ nguyên bắp, phơi khô và bảo quản để nấu rượu dần. Bên cạnh ngô, cây men cũng là một “bí quyết” để tạo nên sự khác biệt của rượu Bản Phố người Mông với các loại  rượu khác, có tên gọi hồng mi, có hạt li ti màu đen tựa như hạt kê. 

Ăn tết xong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng ba gieo hạt, đến gần cuối thu tầm tháng 8, tháng 9 người Mông gặt hồng mi đem về phơi khô, treo lên gác bếp cho nỏ, chọn lấy hạt rồi đem xay nhuyễn. Sau đó, bột hồng mi được đổ ra một chiếc mẹt rồi lọc lấy bột tinh khiết. Khi làm bột men, người nấu sẽ căn cứ vào yêu cầu của mẻ rượu để tính toán số lượng hạt cho phù hợp.

Ông Sùng Seo Sống, một người nổi tiếng nấu rượu ngô ngon nhất trong vùng, cho biết: “Kinh nghiệm làm men của người Mông ở Bản Phố là trước khi đổ nước vào bột, lấy chai rượu đầu của mẻ trước hoà lẫn với bột đến vừa độ ẩm. Khi đổ rượu phải dùng tay để nhào đều bột sau đó cho nước sôi vừa nguội vào bột. Điều khó nhất của việc nhào bột, là không được để bột bị nhão hoặc quá khô”.

Để có một mẻ rượu ngon, sau khi ngô được luộc chín sẽ trộn đều với bột men, đã được giã và say mịn, theo một tỷ lệ nhất định cùng với khoảng 1lít rượu đầu được giữ lại của lần nấu trước và ủ trong thời gian 5 ngày. Sau thời gian ủ, men được cho vào nồi bắt đầu công đoạn nấu rượu. Một mẻ nấu có thể cho 15-20 lít rượu, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết. 

Theo ông Sống, mùa đông, nhiệt độ dưới 15 độ C thì chỉ được 15 lít rượu, ngược lại mùa hè nhiệt độ cao thì lượng rượu có thể được 20 lít. Tuy nhiên, rượu nấu về mùa đông thường có hương vị thơm ngon hơn, đặc biệt nếu được ủ lâu thì sẽ có hương vị thơm dịu. 

Người dân Bắc Hà thường nhắc khách đến chơi rằng: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/ Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Rượu ngô đã thành thức uống mang được cả phong vị của núi rừng miền cao nguyên trắng đến với du khách gần xa. Những phiên chợ, những chén rượu ngô chứa đựng niềm vui, tình cảm gắn kết, niềm hy vọng vụ mùa mới bội thu của bà con dân tộc nơi đây. 

Đọc thêm