Chuyện tình đẹp như mơ của “Đôi song ca miền thùy dương”

(PLVN) - Vào thập niên 50, 60, cặp đôi danh ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết là một trong những “ngôi sao” của làng tân nhạc Việt Nam. Gần 60 năm bên nhau, cặp đôi Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết không chỉ ghi dấu trong lòng người hâm mộ bằng những câu hát rung động lòng người, mà còn bằng mối tình sắt son, thủy chung của cả hai.
Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết được biết đến với mối tình thủy chung. (Nguồn: Thegioigiaitri)

Cặp đôi tài năng của làng tân nhạc

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, có ba cặp đôi song ca nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn. Cả ba đôi đều nên duyên vợ chồng và đến từ xứ Huế mộng mơ. Trong đó, Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết được công chúng nhớ đến nhiều nhất. Mỗi bài hát của cặp đôi đều như dòng tình ca mềm mại, uyển chuyển, ngọt ngào khiến người nghe mê mẩn, đắm say.

Được biết, nữ ca sĩ Ngọc Cẩm tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, sinh năm 1930 tại Phú Vang, Huế. Bà có giọng ca thánh thót, ngọt ngào, khuôn mặt yêu kiều, thu hút mọi ánh nhìn. Năm 1946, nữ ca sĩ bắt đầu đi hát, nhanh chóng nhận được sự chú ý của công chúng. Tên tuổi của bà gắn liền với các ca khúc như: “Trăng rụng xuống cầu”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Lời người ra đi”,...

Vài năm sau đó, nữ ca sĩ đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết. Ông sinh năm 1927 tại Phan Thiết (quê gốc Triệu Phong, Quảng Trị). Từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát, nên khi theo học bậc trung học ở Huế và được bà giáo sư âm nhạc người Pháp tận tình dạy bảo ông rất vững về nhạc lý. Mặc dù được học nhạc lý phương Tây từ rất sớm, nhưng các nhạc phẩm của ông mang đậm màu sắc quê hương. Một số sáng tác của ông được yêu thích là “Chàng là ai”, “Anh đi chiều thu ấy”, “Ai đi ngoài sương gió...

Trong tờ nhạc của Tinh Hoa Huế phát hành năm 1954, đã có đôi lời giới thiệu về cặp đôi như sau: “Với giọng ca trầm hùng của bạn Nguyễn Hữu Thiết, trong thanh của cô Ngọc Cẩm - đôi danh ca xứ Huế đã từng biểu diễn qua các tỉnh miền Nam Trung Việt rất được hoan nghênh về những nhạc phẩm loại dân ca.

Khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, Nguyễn Hữu Thiết đang theo học ban Tú tài, ông bỏ học ôm đàn cùng bạn bè (Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Bùi Công Kỳ…) tham gia phong trào văn nghệ yêu nước ở Huế. Sau đó, ông đến Tuyên Hóa và gặp gỡ nữ ca sĩ Ngọc Cẩm. Hai người sớm “hòa nhịp” con tim nhờ có chung niềm đam mê ca nhạc. Đến năm 1948, hai người kết hôn với nhau, khi đó nữ ca sĩ Ngọc Cẩm vừa tròn 17 tuổi.

Do có vấn đề về sức khỏe, nữ ca sĩ Ngọc Cẩm và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết trở về Huế vào năm 1954, tại đây hai người vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát, được công chúng yêu mến. Trong thời gian ở Huế, cả hai đã liên tục khổ luyện để tạo ra những bản song ca hay nhất. Thời gian này, bên cạnh những bản tình ca ngọt ngào, da diết, họ còn sáng tác những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước, núi non tươi đẹp.

Tuy nhiên, mảnh đất Huế không giữ chân được cặp đôi ca sĩ, nhạc sĩ tài năng này. Họ đã cùng nhau đến Sài Gòn (TP HCM), tại đây, tên tuổi của Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết ngày càng vang xa và được khán giả nhiệt tình đón nhận. Cặp đôi thường được công chúng yêu mến gọi bằng những cái tên như “Đôi song ca miền thùy dương”, “Đôi danh ca miền Trung”.

Những năm tháng đó, Nguyễn Hữu Thiết ghi dấu trong lòng khán giả bằng hình ảnh với thân hình cao dong dỏng, phong độ, lịch lãm và giọng hát sâu lắng. Ông sánh đôi bên cạnh người vợ Ngọc Cẩm của mình. Ngọc Cẩm sở hữu vẻ đẹp dịu dàng, cổ điển của người con gái Huế. Giọng hát như mơ, như mộng của bà hòa quyện vào câu hát trầm ấm, tiếng đàn bay bổng của Nguyễn Hữu Thiết. Đi đến bất kỳ sân khấu nào, đôi danh ca khiến khán giả chìm đắm vào bài hát của mình.

Thời bấy giờ, báo chí ở Sài Gòn hầu như ngày nào cũng viết bài, đăng ảnh của đôi uyên ương này. Rồi những hãng đĩa ghi âm vào cuộc. Chỉ tính 2 ca khúc “Gạo trắng trăng thanh” và “Trăng rụng xuống cầu” do hãng đĩa Asia phát hành trên khắp Đông Dương đã bán được hàng triệu đĩa (con số này vẫn là kỷ lục cho đến nay). Đến nỗi một hãng ghi âm khác đã đề nghị tặng Nguyễn Hữu Thiết chiếc xe hơi Consul mới tinh để ông chuyển qua ghi âm cho hãng này.

Mối tình sắt son, thủy chung

Từng có thời, Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, cùng hai cặp đôi ca sĩ, nhạc sĩ nữa là Châu Kỳ - Mộc Lan, Mạnh Phát - Minh Diệu được rất nhiều người biết đến. Nhưng nhắc đến “đôi uyên ương” được công chúng dành trọn tình cảm có lẽ chính là Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết. Họ đã để lại nhiều ký ức trong lòng người yêu nhạc vàng với các ca khúc bất hủ như “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn), “Bà mẹ quê”, “Bà mẹ Gio Linh” (Phạm Duy), “Có một đàn chim” (Phan Huỳnh Điểu), “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu” (Hoàng Thi Thơ)… Đặc biệt, cặp đôi không chỉ có tài năng âm nhạc mà còn giữ được tình cảm vợ chồng hạnh phúc.

Nhắc đến cặp đôi Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, có lẽ phải kể đến mối tình thủy chung của hai ông bà. Từ thuở còn xuân sắc, khi cả hai người mới mười tám, đôi mươi, hai ông bà đã đứng chung với nhau trên sân khấu, cùng đàn ca hòa quyện giọng hát ngọt ngào, êm ái. Cho đến lúc khi đã tóc đã bạc màu, làn da đồi mồi, nhăn nheo, họ vẫn cùng nhau đứng trên sân khấu, trao tặng ánh mắt trìu mến, tình cảm dạt dào cho đối phương.

Khác với những cặp đôi nghệ sĩ cùng thời, thường xảy ra những đổ vỡ, tai tiếng trong hôn nhân, gia đình, gần 60 năm sống bên nhau, nữ ca sĩ Ngọc Cẩm và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết không bao giờ xảy ra bất kỳ một tai tiếng nào. Họ luôn sóng đôi và đi bên cạnh nhau như đôi uyên ương. Từ Tuyên Hóa, đến Huế, vào Sài Gòn, dường như đi đâu họ cũng có nhau. Âm nhạc trở thành sợi dây nối kết bền chặt cho gia đình của cặp đôi nghệ sĩ.

Trong một chương trình truyền hình phát sóng năm 2018, ca sĩ Hồng Hạnh từng chia sẻ mẹ chị (tức ca sĩ Ngọc Cẩm), thời trẻ là một cô gái đẹp của vùng. Khi cha mẹ của Hồng Hạnh chưa gặp nhau, nhạc sĩ Phạm Duy thường sang nhà Ngọc Cẩm đàn hát và còn ký tặng lên một cây đàn guitar. Có lần, Phạm Duy còn bị bố của Ngọc Cẩm (ông ngoại của Hồng Hạnh) cầm cây rượt đuổi vì dám tán tỉnh con gái mình.

Thuở còn xuân thì, nữ ca sĩ Ngọc Cẩm thường được khán giả trêu đùa là ... mắn đẻ. Cặp đôi có tất cả 8 người con, con gái thì lót chữ “Hồng”, con trai thì đệm chữ “Trường”: Hồng Hà, Hồng Danh (ca sĩ), Hồng Hạnh (ca sĩ), Hồng Đức, Hồng Vinh; Trường Sơn, Trường Thọ, Trường Thắng. Hồi còn sống, ông Thiết lý giải: “Trường” là để kỷ niệm những gian khổ tháng ngày vượt Trường Sơn ra Bắc, còn “Hồng” là để nhớ giai đoạn gian khổ nhưng hai vợ chồng ông vẫn hạnh phúc bên nhau ở vùng chiến khu Tuyên Quang, Thái Nguyên cạnh dòng sông Hồng…

Trong tất cả 8 người con, chỉ có ca sĩ Hồng Hạnh và Hồng Danh nối nghiệp cha mẹ mình. Họ cũng xuất hiện, góp giọng với cha mẹ trong một vài chương trình ca nhạc nhỏ kỷ niệm.

Sau này, đến năm 1975, bà cùng chồng và nhạc sĩ Văn Lương lập ra Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, bao gồm những ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Họ hát những khúc dân ca và được công chúng đón nhận. Trong thời gian này, cặp đôi nghệ sĩ dần hạn chế các hoạt động nghệ thuật. Họ dành tâm huyết chăm sóc gia đình và tự tôi luyện “ngón nghề” của mình.

Đến năm 2002, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết qua đời do bạo bệnh. 18 năm sau ngày cố nhạc sĩ qua đời, nữ ca sĩ Ngọc Cẩm cũng trút hơi thở cuối cùng vào tháng 11/2020, hưởng thọ 91 tuổi tại TP HCM. Gia đình cho biết đã an táng nghệ sĩ Ngọc Cẩm bên cạnh mộ chồng tại mảnh đất thuộc chùa Vĩnh Nghiêm ở quận Gò Vấp, TP HCM.

Tân nhạc, nhạc tân thời hay nhạc nhẹ là tên gọi thông dụng của dòng nhạc xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 1928. Tân nhạc là một phần của âm nhạc Việt Nam. Đây là một thể nhạc lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng (thang âm thất cung, hòa âm phối khí bằng nhạc khí Tây phương). Các sáng tác có thể chia làm thanh nhạc và khí nhạc, theo phong cách thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ, hoặc cũng có thể chia theo các giai đoạn lịch sử với những đặc điểm khác nhau.

Đọc thêm