Mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh kinh tế khác nhau nhưng các “phu quân” đều có chung một điểm là đoàn kết, thương yêu vợ, con. Còn những người vợ ai cũng chịu khó, đảm đang gánh vác công việc gia đình, làm điểm tựa vững chắc cho chồng yên tâm bám biển giữa ngàn khơi.
Trai tài lấy gái sắc xứ Thanh
Một trong những cặp vợ chồng có chuyện tình lãng mạn nhất của “trai tài, gái sắc xứ Thanh” ở Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân phải kể đến Trung tá Lê Xuân Nam (quê ở xã Hoằng Thái, Hoằng Hóa), hiện giữ chức Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9 và cô giáo Lương Thị Thu (quê ở xã Hoằng Lưu, Hoằng Hóa) hiện là giáo viên tiếng Anh Trường Trung học cơ sở Phước Thắng phường 11, TP.Vũng Tàu.
Bây giờ đã qua cái thời lãng mạn của tuổi thanh niên nhưng nói về kỷ niệm thời yêu nhau ngày còn sinh viên, chị Thu tự hào hãnh diện. “ Làm vợ lính nhà giàn tuy thiệt thòi nhưng hạnh phúc. Lính thời bình mà cứ như thời chiến trận. Phải chờ chồng đằng đẵng cả năm trời, nhưng chờ riết rồi quen. Mới ngày nào làm đám cưới, vậy mà nay đã già rồi”, chị Thu vui vẻ chia sẻ tại nhà riêng.
Câu chuyện tình lãng mạn được chị Thu kể lại trong niềm hãnh diện với bao nỗi niềm chung, riêng của vợ lính nhà giàn. Tháng 9 năm 1994, sau ba năm “Học cán, rèn binh” ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) chàng sĩ quan “chưa bóc tem” quân hàm Thiếu úy về xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thăm bố mẹ và tình cờ gặp cô sinh viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức ở nhà một người bạn.
Người lính “không điển trai nhưng to cao mạnh mẽ” đã gây ấn tượng mạnh đối với cô sinh viên có tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc và thích làm thơ. Còn chàng sĩ quan cũng “ngẩn ngơ” trước cô “kỹ sư tâm hồn” không “thanh về sắc” nhưng có duyên mặn mà. Nam chủ động làm quen: “Em ở làng nào, sao anh không biết”? Thu bẽn lẽn: “Em bên xã Hoằng Lưu. Anh đi bộ đội quên hết gái làng rồi”. Nam “tán”: “Em ở xóm nào, anh có được may mắn tới nhà em chơi không?”. Vốn là người sâu sắc và lãng mạn, Thu trả lời: “Gái quê không thanh sắc nhưng mặn mà, nhà nghèo, ngõ rộng lúc nào cũng hiếu khách”.
Ba ngày sau, Nam đạp xe đến Hoằng Lưu tìm cô sinh viên “hút hồn” anh từ ba ngày trước. Đãi người lính bằng ly nước trà xanh, giữa đám bạn Thu nhanh miệng, vậy mà trước người lính cô chẳng biết nói gì, còn Nam cứ gãi đầu gãi tai, hết hỏi gia đình làm được mấy sào lạc, năm nay thu hoạch lúa nhiều không đến hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, họ hàng.
Dẫu đã “lịm” vì cô gái nói có duyên nhưng Nam không dám thổ lộ. Dẫu “chết” vì người lính nhà giàn không đẹp trai nhưng “phải ngước nhìn” lại bẽn lẽn đợi chờ. Cả hai chẳng nói câu nào, nhưng tín hiệu tình yêu cứ dạt dào trong tim.
30 ngày phép ngắn ngủi qua mau, ngày Nam tạm biệt quê hương trở lại đơn vị cũng là ngày Thu nhận lời yêu anh. Bên cánh đồng lúa nồng mùi rơm rạ, dưới ánh trăng tháng 9 mùa thu, cầm tay Thu, Nam nói lời yêu lãng mạn hơn cả ánh trăng: “Anh yêu em dù đất trời ngả nghiêng. Tình yêu của lính nhà giàn chân thành như sóng biển. Nếu yêu anh hãy đợi anh về mình làm đám cưới”. Chẳng nói nên lời, Thu gục đầu vào vai Nam nhận lời ước hẹn.
Tháng 10/1994, Nam về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ (lúc đó Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171). Sau 5 tháng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tháng 4 năm 1995, lần đầu tiên chàng sĩ quan Lục quân 2 bước chân xuống tàu đi biển. Ngày tàu rời bến, anh nhớ cô sinh viên cùng lời hẹn ước, biển xa sóng gió biết bao giờ trở lại đất liền.
Những năm từ 1995 đến 2000, đời sống của cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 vô cùng khó khăn, gian khổ. Nắng lửa quanh năm, gió rát bốn mùa, nước ngọt chia từng ca, rau xanh nhường nhau từng nắm. Phương tiện thông tin duy nhất lúc đó nối với đất liền là thư viết tay chứ chưa có điện thoại di động như bây giờ.
“Nếu lấy mình thì cô ấy phải đợi chờ và nuôi con một mình vò võ”, nghĩ vậy Nam viết thư gửi về: “Em hãy quên anh đi, coi như chúng ta giữ trong nhau một kỷ niệm đẹp. Lính nhà giàn quanh năm sóng nước trùng khơi, một năm chỉ gặp nhau vẻn vẹn 15 ngày phép, nếu có con, con chưa quen hơi bố đã đi rồi”. Lá thư ấy sau gần 3 tháng đến tay Thu.
“Lúc ấy chắc chị buồn nhiều?” - tôi hỏi. “Khi nhận được thư anh ấy em khóc, không phải vì anh ấy bỏ em mà vì thương và khâm phục những người lính nhà giàn. Ở quê nhà chân lấm tay bùn, nhưng không thiệt thòi và thầm lặng hi sinh như các anh. Em đã viết thư trả lời anh Nam rằng, em thích lấy chồng bộ đội”. Chị Thu không kể chi tiết lá thư trả lời người yêu ngày ấy, song những gì chị nói tôi hiểu chị đã dành tất cả tình yêu cho Nam.
Thời gian như mũi tên bắn đi, Nam ở ngoài khơi kiên cường bám biển, còn Thu ở quê nhà son sắt đợi chờ. Sau ba năm yêu nhau bằng thư, mùa đông 1997 họ làm đám cưới. Chú rể trong quân phục hải quân lấp lánh ngôi sao, cô dâu nền nã trong tà áo dài cúi đầu chào hai họ. Thanh niên bầu bạn làng trên, xóm dưới đến chúc mừng, trong tiếng nhạc rộn ràng, Nam - Thu rạng ngời hạnh phúc.
Ba tuần sau đám cưới, Nam gửi người vợ nhờ “ông bà già” “canh” hộ rồi vào Vũng Tàu đi nhà giàn. Lần thứ hai chia xa giữa người đi, kẻ ở, để lại bao niềm thương nỗi nhớ vơi đầy.
Chị Lương Thị Thu dạy con trai học trên máy tính |
Tìm trong chồng thư cũ, chị Thu đưa ra hai lá thư, một lá viết cho chồng, một lá viết cảm ơn Đài Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho mẹ con chị hiểu công việc của anh Nam thông qua chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” được truyền hình trực tiếp ngày 1/7/2009.
Lá thư đề lúc 23 giờ đêm ngày 1/7/2009, có đoạn: “Sau khi xem chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, tôi không sao ngủ được. Bây giờ tôi mới hiểu nhiệm vụ của chồng tôi, quá xa xôi kiên cường và gian khổ. Tên tôi là Thu, 38 tuổi, vợ của Thiếu tá Lê Xuân Nam đang công tác tại nhà giàn DK1. Lúc này ở ngoài biển không biết chồng tôi có coi được chương trình này không? Biển là căn nhà thứ hai của anh. Tôi không tả hết được nỗi buồn khi trong nhà thiếu vắng người trụ cột. Anh đi biển cả năm, có khi là 14 tháng mới được vào đất liền. Quên sao được những tháng ngày dài bóc lịch. Mong sao cho cuốn lịch bóc nhanh”…
Trong lá thứ thứ hai viết cho chồng, chị giãi bày với tất cả niềm riêng của vợ lính: “Mỗi lần nhớ anh, em lại mang những bài báo viết về nhà giàn ra đọc, em càng thêm yêu anh, yêu công việc của anh, đó cũng là niềm tự hào, là động lực giúp em làm hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió”. Cuối thư chị viết: “Nhớ anh nhiều. Hẹn ngày gặp lại. Em mãi là hậu phương lớn của anh. Em và các con, Lương Thị Thu”.
Nói về lá thư viết cho chồng đêm ấy, chị Thu chia sẻ: “Em chẳng hiểu công việc của chồng, phần vì nhiệm vụ quân sự, phần gặp nhau ít ngày lại phải chia xa. Mãi đến khi xem chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” em mới nhận ra sự hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ. Mặc dù phải đợi chờ, phải “bóc lịch” chờ chồng khắc khoải, nhưng cứ nghĩ đến sự hi sinh thầm lặng của các anh, em lại cố gắng vượt qua bao khó khăn trở ngại, nhất là lúc mẹ ốm, con đau, mùa bão tố tràn về”.
Tôi hỏi bố đi biển dài ngày con nhớ bố không, Thu Hà, con gái lớn của chị Thu nói luôn: “Nhớ lắm. Nhưng sao bố cứ đi biển biền biệt vậy, các bạn đều có bố sáng chở đi học, chiều đón về, còn con thì không”. Còn con trai Lê Nam Anh thì ước mơ: “Con thích đi làm công an hoặc làm bộ đội giống bố”.
Điểm tựa
Chị Thu nước mắt lưng tròng kể về những ngày anh Nam ở nhà giàn DK1: “Anh Nam đi 14 tháng mới vào đất liền, khi đi em mang bầu, khi về con gái đã tròn 6 tháng tuổi, đưa tay bế, con gái khóc thét. Hai tiếng bố, con làm anh ngượng ngập, anh đành đổi cách xưng hô “cậu với tớ” để làm quen với con gái. Con gái cứ thấy bố là sợ, đến bữa ăn không cho bố ngồi cùng mâm.
Lúc nó lên hai tuổi, ngày nào em cũng chỉ tấm ảnh của anh ấy để bố con “gặp” nhau. Khi bế con ra ngoài đường, hễ nhìn thấy chú bộ đội mặc quân phục màu trắng nó lại gọi “Bố Nam, mẹ ơi bố Nam kìa. Lúc ấy em chỉ muốn khóc rồi vội vàng bế con về nhà mà thao thức cả đêm”.
Mỗi lần có tàu về đất liền, Nam gửi về cho vợ khi là cá kìm khô, chai mắm hoặc gói ruốc khô, cũng có khi là con ốc biển xin của ngư dân đánh bắt xa bờ. Nam bảo đó là “quà của biển”. Lần Nam gửi đồng đội đem về cho vợ nhành san hô trắng, Thu trân trọng đặt trong tủ ở phòng khách. Nghe hàng xóm bảo “Chơi san hô xui lắm, quà của biển trả về cho biển”, thế là khi Nam đi DK1, hai vợ chồng đem nhành san hô kia xuống Bãi Trước Vũng Tàu trả lại cho biển.
Mỗi khi nghe tin chồng đi nhà giàn về, cả đêm ba mẹ con không ngủ, thao thức đợi chờ. Nghe tiếng còi tàu hú nơi cầu cảng, chị Thu đứng ngồi không yên, nỗi lòng của người vợ xa chồng cứ xốn xang. Khi bố về đến cổng, hai con chạy ra đón bố, con chị mở cổng, thằng em xách ba lô, kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên được”, chị Thu kể.
Chiều cuối tuần, phía cuối con hẻm 1000 ở đường 30/4 sâu hun hút là “tổ ấm” của người lính nhà giàn. Chị Thu khoe với tôi: “Anh Nam nhà em vừa được phong quân hàm Trung tá. Anh ấy vui lắm. Hôm nhận quyết định, hai vợ chồng thao thức cả đêm. Tối hôm sau, anh Nam “khao” quân hàm Trung tá bằng việc chở em đi bãi biển Vũng Tàu. Đó là cầu cảng lần đầu tiên em tiễn anh đi nhà giàn DK1. Chỉ tay về phía biển xa, anh bảo, ngoài ấy là quê hương thứ hai của anh. Sau nghỉ phép, anh lại lên tàu ra đó."
Chị thu gấp vội cuốn nhật ký. Liếc vội, tôi kịp nhìn thấy hai chữ “hôn anh” và dấu của những giọt nước mắt ướt nhòe đã khô trên giấy Chị bảo, đó là những đêm cô đơn nhớ chồng của chị.