Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là câu chuyện nhà vệ sinh cho học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng. Bởi nếu như được tiếp cận nhà vệ sinh sạch sẽ và riêng tư thì điều đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, từ đó có thể dẫn tới những ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của các em.
Đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em gái là yếu tố để nâng cao thành tích học tập của các em. (Ảnh minh họa)
Đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em gái là yếu tố để nâng cao thành tích học tập của các em. (Ảnh minh họa)

Khánh thành vệ sinh trường học đạt chuẩn - mang điều ước tới cho em

Mới đây, truyền thông đưa tin, lễ khánh thành 10 “nhà vệ sinh cho em” thuộc 10 trường của tỉnh Tuyên Quang đã được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) phối hợp với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Tập đoàn TH, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á cùng Tỉnh đoàn Tuyên Quang, chính quyền địa phương tổ chức. Đây là 10 công trình tiếp theo được khánh thành trong Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học (trị giá 60 tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm), cải thiện điều kiện vệ sinh học đường, góp phần chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh, do Tập đoàn TH, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á tài trợ. Dự án này thuộc Chương trình “Điều ước cho em” – chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ nhiều mặt cho học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhà vệ sinh mới sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của học sinh, bảo đảm sức khỏe tốt hơn cho các em cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường” - vui mừng với nhà vệ sinh sạch đẹp vừa mới xây, nơi chỉ vài tháng trước còn là nhà vệ sinh tạm bợ, lợp tấm fibro ximăng, mùa mưa bão gió lại thổi bay tốc mái, cô Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang trao đổi với truyền thông cho biết. Em Phương Vy, học sinh lớp 5B cũng cho hay em rất vui khi trường có nhà vệ sinh sạch đẹp. “Chúng em sẽ sử dụng và giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ”, Vy nói.

10 công trình nhà vệ sinh được khánh thành tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang lần này thuộc 32 công trình được khởi công từ tháng 12/2022 tại ba tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai và Lai Châu. Trước đó, 27 công trình nhà vệ sinh cho em cũng đã được khởi công xây dựng tại tỉnh Lạng Sơn. Sắp tới, 17 công trình sẽ được khởi công tại tỉnh Bắc Kạn.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 cho thấy cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, trong đó có đến 33% cần hỗ trợ để nâng cấp, xây mới. Việc đưa các công trình nhà vệ sinh trường học vào sử dụng sẽ giúp cho các em học sinh có cơ hội được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn. Đây cũng là điều kiện để các em cải thiện sức khỏe và yên tâm học tập.

Còn nhớ, trong một lần trao đổi với truyền thông vào năm 2022, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bệnh truyền nhiễm TP HCM đã từng chỉ ra ba điều nhức nhối từ chuyện nhà vệ sinh bẩn. Theo đó, thứ nhất, một nhà vệ sinh quá dơ bẩn sẽ để lại nhiều nguy cơ đến sức khỏe của các bạn nhỏ, ở đây trước hết là sức khỏe thể chất. Toilet nếu không được thường xuyên làm sạch có thể là ổ cho nhiều mầm bệnh. Trẻ có thể mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh tiêu hóa và nhiều loại bệnh khác có thể lây lan trong không gian bẩn như nhà vệ sinh. Nếu "sống chung" với môi trường này nhiều năm, cơ thể học sinh sẽ chịu những tác động tiêu cực mang tính lâu dài.

Thứ hai là ảnh hưởng đến tâm lý hay sức khỏe tinh thần ở học sinh. Các em sẽ sợ toilet nhà trường, tức là đi học trong một sự lo lắng. Thông thường, nỗi sợ sẽ càng lớn với những em nhỏ tuổi. Ám ảnh này lại tác động ngược trở lại đến sức khỏe thể chất bởi các em sẽ cố gắng nhịn tiểu, dù có mắc cũng ráng không đặt chân vào nhà vệ sinh trường. Lúc này, học sinh rất dễ mắc phải những chứng như bí tiểu, nhiễm trùng đường tiểu...

Cuối cùng, theo bác sĩ Khanh, một điều vô cùng quan trọng sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ là trường học khó có thể hình thành cho trẻ những thói quen tốt. Bác sĩ Khanh đặt vấn đề: Làm sao trẻ em, trong hơn 12 năm, có thể ý thức giữ gìn một nhà vệ sinh sạch sẽ trong khi nhà vệ sinh trường lúc nào cũng dơ bẩn đến nỗi các em không muốn đặt chân đến? Ông Khanh nhận thấy không chỉ nhiều trường ở nông thôn hay vùng sâu mới có cảnh những nhà vệ sinh dơ bẩn, một số trường ở thành phố cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Trong quá trình xây dựng trường học, nhiều nơi chỉ quan tâm đến chuyện phòng ốc, hay xa hơn là chuyện bàn ghế cao thấp, ánh sáng nhiều hay ít, chứ chưa xem trọng cái toilet.

Việc đưa các công trình nhà vệ sinh trường học vào sử dụng sẽ giúp cho các em học sinh có cơ hội được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn. Ảnh TTXVN

Việc đưa các công trình nhà vệ sinh trường học vào sử dụng sẽ giúp cho các em học sinh có cơ hội được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn. Ảnh TTXVN

Tầm quan trọng của nhà vệ sinh sạch sẽ, riêng tư đối với học sinh

Đây là vấn đề quan trọng nhưng thời gian gần đây mới được quan tâm nhiều hơn. Mới đây, Tổ chức Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) thực hiện một cuộc khảo sát thu thập dữ liệu từ gần 7.000 cá nhân với những người tham gia khảo sát là trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung, sinh sống tại các địa phương như TP HCM, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Hòa Bình, Thái Bình, Sơn La… về nhiều vấn đề liên quan đến những chuẩn mực xã hội về giới, những định kiến và khuôn mẫu về giới có còn tồn tại và ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ em gái, trong đó có vấn đề tầm quan trọng của nhà vệ sinh.

Theo kết quả khảo sát, khả năng tiếp cận nhà vệ sinh sạch sẽ và riêng tư có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em gái và điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 23% học sinh nữ cảm thấy nhà vệ sinh của trường đủ thoải mái, trong khi 46% cho biết cảm thấy không an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, khi phỏng vấn sâu 6 học sinh nữ, 4 em cho biết nhà vệ sinh của trường không đủ sạch sẽ để các em có thể sử dụng trong việc vệ sinh cá nhân trong kỳ kinh nguyệt. “Cửa nhà vệ sinh bị hỏng hoàn toàn. Lúc thì sạch, lúc thì bẩn. Em không muốn dùng nhà vệ sinh của trường để thay đồ kinh nguyệt”; “Tôi chưa bao giờ đi vệ sinh ở trường. Tôi không sử dụng nhà vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt”; “Ngay cả khi nó không bẩn, tôi cũng không đi thường xuyên vì tôi không quen vào nhà vệ sinh của trường”; “Tôi sử dụng nhà vệ sinh của trường nhưng tôi cần tìm nơi sạch sẽ nhất để sử dụng”… là ý kiến của nhiều em nữ sinh khi được phỏng vấn sâu.

Theo nghiên cứu của UNICEF vào 2017, học sinh nữ bị ảnh hưởng bởi điều kiện vệ sinh của nhà vệ sinh trong trường học nhiều hơn so với các bạn nam, cụ thể như thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu, không thể vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt. Bảo đảm rằng các em gái được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và riêng tư là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe và phúc lợi của các em ở trường và cuối cùng là thành công trong học tập của các em.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), 33% học sinh nữ cho biết sự thiếu sạch sẽ, thiếu sự thoải mái và riêng tư của nhà vệ sinh trường học đã khiến các em không muốn đến trường. Điều này có thể tạo ra một thách thức đáng kể đối với việc giáo dục của các em gái, vì các em có thể bỏ lỡ các cơ hội học tập có giá trị. Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cung cấp các phương tiện vệ sinh an toàn và đầy đủ trong trường học để đảm bảo khả năng tham gia đầy đủ của các em gái vào việc học.

Học sinh nữ sẽ tự ti nếu không được tôn trọng đặc điểm thể chất giới tính

Cũng theo khảo sát của Tổ chức Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) thì có 54% nữ sinh tham gia trả lời cảm thấy ngại ngùng mỗi khi đến tháng, dẫn đến việc các bạn giấu đi những vật dụng trong kỳ kinh nguyệt (băng vệ sinh, tampon…). Khi thực hiện phỏng vấn sâu, học sinh nữ cho biết rằng cha mẹ các bạn thường củng cố quan điểm rằng kinh nguyệt là vấn đề riêng tư, tế nhị và nên tránh để người khác, đặc biệt là con trai phát hiện hoặc biết đến.

Theo chuyên gia, chính quan điểm từ cha mẹ đã thúc đẩy học sinh nữ xem kỳ kinh nguyệt là một vấn đề riêng tư, có khi còn là việc “dơ bẩn”, thái độ này khiến cho những vấn đề về mặt thể chất của nữ giới bị lờ đi, nếu có vấn đề thì học sinh nữ cũng sẽ ít nhận được sự giúp đỡ. Báo cáo này cũng nhận định một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới kéo dài là cho rằng nhắc đến kinh nguyệt là điều cấm kỵ. Công khai nâng cao nhận thức xã hội về việc đến tháng không phải là dơ bẩn hay là đáng xấu hổ có thể giúp học sinh nữ tránh những cảm giác ngại ngùng hay tự ti khi đến lớp.

Để ghi nhận những khó khăn mà các em gái gặp phải liên quan đến sức khỏe thể chất trong quá trình đến kinh nguyệt, khảo sát cũng đưa ra những câu hỏi để các em học sinh nữ có thể nói lên trải nghiệm của mình mỗi khi đến kì trong quá trình học tập. Kết quả là, 40% nữ sinh nghỉ học do đau bụng hoặc khó chịu liên quan đến kinh nguyệt và 67% nữ sinh cho rằng đau bụng hoặc khó chịu khi hành kinh ảnh hưởng đến chất lượng học tập. 6/6 học sinh nữ tham gia phỏng vấn sâu cũng đồng tình rằng mỗi khi đến kỳ sinh lý, việc học tập của các em sẽ phần nào bị ảnh hưởng. Có thể thấy, các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt như đau, mệt mỏi và lo lắng có thể làm giảm đáng kể khả năng tập trung và kết quả học tập của nữ sinh. Những học sinh nữ thường gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng có nhiều khả năng nghỉ học và có điểm thấp hơn.

Vì thế, việc bảo đảm vệ sinh trong quá trình có kinh nguyệt là một yếu tố quan trọng với sức khỏe của học sinh nữ. Những học sinh nữ được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, riêng tư và được tiếp cận với các sản phẩm kinh nguyệt sạch, có tỷ lệ chuyên cần cao hơn và kết quả học tập tốt hơn.

Đọc thêm