Chuyện về một nữ cán bộ tư pháp yêu nghề

(PLO) - Quê gốc Gio Linh nhưng lại sinh ra tại vùng đất hội tụ 3 dân tộc gồm Kinh, Vân Kiều và Pa Cô ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, năm 1999 sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, chị Trương Thị Tố Uyên (SN 1977) tình nguyện về công tác tại Phòng Tư pháp huyện Đắkrông. 
Chị Trương Thị Tố Uyên
Chị Trương Thị Tố Uyên
Và chính ở nơi khó khăn này, nữ cán bộ tư pháp đã góp phần “xóa nghèo” pháp luật cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
“Gùi” luật lên non
Ra trường, do huyện Đắkrông chưa có chỉ tiêu biên chế nên chị Uyên đã tình nguyện vào làm việc không lương tại Phòng Tư pháp huyện này gần một năm. Với đặc thù hơn 80% người dân trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở, người dân nói tiếng Kinh như “nhặt thóc”, nói cái này họ hiểu cái kia nên để giải thích cho bà con hiểu một vấn đề đòi hỏi rất nhiều thời gian. 
Chị Uyên tâm sự, ở nơi người dân suốt ngày quần quật với nương rẫy nhưng vẫn thiếu đói triền miên thì “thiếu đói” về pháp luật mới là vấn đề nan giải. Từ đó, tình trạng vi phạm pháp luật như tranh chấp  đất đai, phá rừng, vượt biên trái phép, giải quyết mâu thuẫn bằng phong tục tập quán… thường xuyên diễn ra. 
Bên cạnh đó, việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho trẻ em cũng còn lạ lẫm. Có gia đình đời ông bà rồi đến đời con cháu cũng chưa biết đến tờ giấy đăng ký kết hôn, việc đăng ký khai sinh cũng giao cho thầy cô chứ cha mẹ chưa biết được khai sinh là quyền lợi của trẻ em. Trong các giấy tờ, lúc thì người dân khai thế này, lúc lại khai thế khác nên mỗi loại giấy lại có ngày tháng năm sinh khác nhau. 
Nhận thức hạn chế của người dân đã đành, một số cán bộ làm công tác tư pháp trên địa bàn cũng không thể xác định được toàn xã còn bao nhiêu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, bao nhiêu cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn... Có cán bộ không biết ra một văn bản là gì nên nhiều khi rất lúng túng. Biết được những khó khăn, hạn chế này, chị nghĩ, nếu không “cầm tay chỉ việc” thì công tác quản lý về lâu dài càng rối.
“Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn ở cơ sở thì sẽ không xảy ra thực trạng này. Nhưng ở đây, do đội ngũ cán bộ xã phần đông là chưa qua đào tạo nên không biết phải hướng dẫn cho dân khi sinh con và lập gia đình phải làm những thủ tục gì; hoặc các tình huống tranh chấp đất đai xử lý không đúng quy định dẫn đến khiếu kiện kéo dài.  Đã đến với dân mà mình không làm ngay những công việc này là có lỗi với bà con nên em nhủ lòng làm sao phải tuyên truyền cho dân, hướng dẫn cho cán bộ chấn chỉnh ngay thực trạng này”, chị Uyên nói.
Cả gia đình cùng đi tuyên truyền
Huyện Đắkrông có địa hình rất phức tạp, có những xã như A Vao cách huyện lỵ hơn 50km phải băng qua nhiều con suối và đồi dốc cao. “Có lúc đi bộ cả ngày trời, vào đến UBND xã đã 5 giờ chiều, bụng đói lả, em kiếm được một nắm cơm nguội chấm với  muối ớt  mà ăn thấy ngon chi lạ. Vậy mà em vẫn thấy vui,  bởi  mình đã đến nơi người dân thực sự cần mình”. 
Với địa bàn rộng, một xã nhưng thôn này cách thôn kia nên theo chị, tuyên truyền theo hình thức “cuốn chiếu” rất hiệu quả, làm hết các thôn ở xã này thì tiếp tục đi các thôn ở xã khác. Hoặc thay vì đi vào ban ngày thì đi vào ban đêm để bà con dành thời gian đi làm. 
“Ở miền núi, thôn này cách xa thôn kia, đường đi cách trở, khó khăn, thấy em mang thai mà vẫn lặn lội đến với bà con, chồng em không yên tâm nên anh ấy chở thêm con nhỏ đi cùng. Đến bản, em cùng chồng và con thay nhau phát tờ rơi, sau đó ngồi nghe em tuyên truyền, cuối buổi thì cùng mò mẫm ra về”, chị Uyên kể.
Đối với bà con dân bản sống vùng rừng núi, Nghị quyết 30a của Chính phủ về chính sách trồng rừng là rất cần thiết nhưng nếu đưa cả tập tài liệu cho bà con họ không hiểu được nên chị phải biên tập lại, chỉ nói những điều thiết thực liên quan đến quyền, lợi ích để bà con tiếp thu nhanh. Hoặc các văn bản luật về hôn nhân gia đình, các hành vi vi phạm pháp luật thì viết, in vào tờ rơi để bà con dễ tiếp thu… Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của chị, từ năm 2008, chị Uyên chính thức được xét tuyển vào biên chế.
Nói về chị Uyên, ông Hoàng Công Đạt, Quyền Trưởng phòng Tư pháp huyện Đắkrông cho biết: “Đồng chí Uyên luôn hoàn thành tốt công việc được giao, được đồng nghiệp và cấp trên tin tưởng. Không chỉ làm tròn công việc chuyên môn, đồng chí còn là người phụ nữ lo chu toàn cho gia đình”.
Với những đóng góp thiết thực cho ngành Tư pháp, chị Uyên liên tục được công nhận là Cán bộ tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2004-2009; được công nhận là Công chức tiêu biểu huyện Đắkrông giai đoạn 2010-2015. Năm 2014, chị Trương Thị Tố Uyên được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đồng thuận, vượt khó, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”.

Đọc thêm