Cần mạnh tay hơn nữa với tội phạm tham nhũng

(PLO) - Trong vài năm gần đây, hàng loạt vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm về tham nhũng đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, thực trạng “đầu voi, đuôi chuột” trong xử lý các vụ án tham nhũng vẫn còn tồn tại, gây không ít bức xúc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhiều án tử cũng chưa đủ cảnh tỉnh
Có thể kể ra các vụ án điển hình đã được kịp thời điều tra, truy tố, xét xử: Vụ án Dương Chí  Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT TCty Hàng hải Việt Nam và các đồng phạm phạm tội “Tham ô” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép”... 
Một số bị cáo trong các vụ án trên phải nhận mức án tử hình tại phiên xử phúc thẩm như Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Vũ Việt Hùng. Ngoài mức án cao nhất này, các bị cáo còn bị phạt tiền đích đáng. Theo đó, hai bị cáo Dũng, Phúc mỗi người bị buộc nộp 110 tỷ đồng tiền bồi thường; bị cáo Hùng bị tuyên phạt 10 tỷ đồng sung công quỹ nhà nước, tịch thu 5 căn nhà và đất đứng tên Vũ Việt Hùng tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) , TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) và TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, số tiền phải nộp lại thường quá nhỏ với số tiền do phạm tội mà có và những bản án tử hình dường như chưa đủ sức khiến tội phạm run sợ. Chỉ không lâu sau, một vụ án đình đám lại được phanh phui, chính là “đại án” tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). 
Cuối năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank để điều tra về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS. 
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS; lần lượt ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với Nguyễn Minh Thu - Ủy viên HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank; Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng Tín dụng OceanBank,  Nguyễn Xuân Thắng - Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OceanBank.
Cần siết chặt hơn nữa hành vi tham nhũng
Có thể thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn này nhưng tình hình tham nhũng ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm. Đáng quan ngại hơn, số tiền, tài sản sai phạm phát hiện rất lớn thì kiến nghị thu hồi của các cơ quan chức năng chỉ trên 30%, số thu hồi được trên thực tế còn thấp hơn nữa. Bản án của Tòa chưa thật sự quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có. “Điều này đã và đang tạo nên một tâm lý chấp nhận phạm tội, chấp nhận đi tù để có được tài sản” – một kiểm sát viên VKSNDTC chua xót nhìn nhận.
Ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong bài phát biểu tại nghị trường đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, yếu kém khác như có những trường hợp khi khởi tố, điều tra thì vụ án được xác định thuộc loại tội phạm về tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, nhưng khi kết thúc điều tra đề nghị truy tố lại chỉ là tội ít nghiêm trọng với tội danh nhẹ hoặc chuyển tội danh khác không phải là tội phạm về tham nhũng, không xác định có tham ô, chiếm đoạt tài sản; việc xét xử các bị cáo về tham nhũng có biểu hiện chưa nghiêm minh, hình phạt nhẹ, số bị cáo được hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao (khoảng 40-45%)…
Không những thế, việc phát hiện các hành vi tham nhũng, vi phạm kinh tế lại chủ yếu qua thanh tra, kiểm tra từ bên ngoài, qua đơn tố giác của công dân, phản ánh của báo chí, còn các cơ quan nhà nước hầu như rất ít, thậm chí không tự phát hiện hành vi tham nhũng nào.
Bởi vậy, nhiều ý kiến không những không tán thành bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng mà còn kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm mạnh tay hơn nữa trong xử lý loại tội phạm này. Có ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm tham nhũng không chỉ là công chức nhà nước mà cả đối với các công chức nước ngoài và tổ chức quốc tế công; mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư nhân, đặc biệt là các hành vi hối lộ và biển thủ tài sản trong khu vực tư; xem xét hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính... 
Ông Nguyễn Thanh Tân (Bộ Công an) đề nghị nên hình sự hóa hành vi tham nhũng các giá trị phi vật chất. “Việc bỏ lọt hành vi đưa và nhận hối lộ các giá trị phi vật chất không có lợi cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, ảnh hưởng đến tính tích cực của quần chúng nhân dân trong chống tham nhũng” - ông Tân nhấn mạnh./.

Đọc thêm