Ông Bộc vẫn nghiên cứu sách vở, để phục vụ cho công việc |
Năm nay đã ở tuổi 73 nhưng giọng ông Bộc sang sảng và nhiệt huyết với công việc chung thì chưa bao giờ vơi. Cách nói chuyện hồn hậu của ông khiến nhiều người dân tin tưởng, kính trọng. Trong ngôi nhà nhỏ ở số 230 phố Thụy Khuê có nhiều cuốn sách luật, sách tham khảo, đó là “công cụ” nghiên cứu giúp ông Bộc có thêm kiến thức phục vụ công tác hòa giải và nhiều công việc khác tại địa phương.
Qua câu chuyện, tôi được biết ông Bộc từng là công nhân. Năm 1992 về nghỉ hưu tại địa phương, qua tham gia sinh hoạt và có uy tín ông được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư số 7 (phường Thụy Khuê). Từ đó trở đi, với sự nhiệt tâm, hết mình, ông được bầu tham gia rất nhiều công việc tại cơ sở.
Nào là Tổ trưởng tổ hưu trí, đại biểu Hội đồng nhân dân phường, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó ban Thanh tra nhân dân, Tổ trưởng tổ hòa giải, Chủ tịch Hội Khuyến học phường… “Để kiêm được nhiều việc như thế phải sắp xếp thời gian cho khéo, nếu không, để chồng chéo mọi việc lên thì chẳng hay chút nào”, ông Bộc chia sẻ.
Đảm nhận nhiều việc nhưng việc mà ông tâm huyết nhất và cũng thấy khó khăn nhất là công tác hòa giải mà ông làm Tổ trưởng. Do có sự giúp sức của một đồng chí công an khu vực, một đồng chí của Hội Phụ nữ phường nên công việc của ông cũng khá thuận lợi.
Bà Phạm Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: “Ông Bộc rất chú ý và quan tâm đến công tác hòa giải. Bất kỳ mâu thuẫn giữa các gia đình trong tổ hay mâu thuẫn trong nội bộ từng gia đình, ông đều “vào cuộc” một cách nhiệt tình, trách nhiệm và hầu hết đều đạt kết quả tốt”. Nhờ gắn bó, gần gũi với dân, nhiều “ca” hòa giải thành công nên không ít người thân mật gọi ông là “ông Bộc hòa giải”.
Vì sao một người không học luật, cũng chẳng phải là giáo viên lại có khả năng thuyết phục, giảng giải để hàn gắn biết bao gia đình có nguy cơ tan vỡ, nhiều xích mích khó làm hòa? Ông Bộc cho biết: “Tôi là người đứng ở giữa những vụ tranh chấp, đánh nhau, ly hôn, tôi phải tỉnh táo. Hơn thế nữa, chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải hiểu biết pháp luật. Bởi thế, tôi phải mày mò, tìm đọc, bồi dưỡng thêm cho mình kiến thức. Có vậy người dân mới nghe, công việc hòa giải mới hiệu quả”.
Để thành công phải có… mẹo
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Bộc về công việc của mình. Cái mẹo đó được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống và qua những lần hòa giải thành công. Đó là phải phân tích được lợi, hại đôi bên thậm chí ba bên; rồi hỏi rõ ngọn nguồn, xem sự việc vướng mắc ở đâu và tìm cách gỡ dần. Ông dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể, là những vụ ông hòa giải thành công.
Thứ nhất là chuyện một cặp vợ chồng đánh cãi nhau dẫn đến đệ đơn ly hôn. Qua nắm bắt tình hình, ông Bộc biết anh chồng từng buôn ma túy, mắc nghiện, đã phải đi cải tạo và được tha về. Anh mở xưởng mộc, thuê cả người làm nhưng lại cặp kè với một cô gái học nghề, rồi đánh vợ và tự ý làm đơn ly hôn. Ông Bộc đã mời cả hai vợ chồng đến, phân tích rõ cái sai, cái đúng của từng người.
Cái sai của người chồng là cặp bồ, còn tự ý viết đơn; cái sai của người vợ là xúc phạm chồng. Ấy vậy nhưng cả hai có điểm chung là chịu khó, thương con. Vậy là bằng những phân tích mềm dẻo, xác thực, ông Bộc đã khiến cả hai mềm lòng, không căng thẳng và giờ sống hạnh phúc.
Một vụ hòa giải khác, là hai gia đình ở cạnh nhau. Nhà ông P. trồng cau vua làm rơi bẹ sang nhà ông A. làm vỡ đồ đạc. Ông P. còn trồng cây lau, đến mùa hoa bay tứ tung sang nhà hàng xóm khiến gia đình ông A. rất bức xúc, làm đơn khiếu nại. Việc đến tay ông Bộc.
Ông đến từng nhà nói chuyện, phân tích phải trái. Cuối cùng, ông nói với gia đình ông P. phải làm lưới sắt để bẹ cau không rơi sang nhà hàng xóm, đến mùa hoa lau thì phải cắt đi, vì cây lau chỉ có tác dụng giữ đất. Gia đình này nghe ra và đã chấp hành đúng như vậy.
Có những vụ bắt tay vào việc mà khi đến nơi thì ông Bộc có cảm giác như nhảy vào lửa. Người chồng có lý của chồng, người vợ có lý của vợ, cãi cọ nhau, chẳng ai nhường ai. Cuối cùng, ông cũng giải quyết ổn thỏa bằng cách thuyết phục, đưa ra những lý lẽ, những điều có tình mà mọi người không thể không nhận ra là ông nói… quá đúng.
“Khi nghe tôi phân tích ra, có người cứ sồn sồn đã phải chùng xuống vì sự vô lý của mình. Là người làm công tác hòa giải, phải có cái uy của người ở giữa, nói chuẩn để cả hai bên thấy cần phải lắng nghe và sửa lỗi. Nếu không thì ai cũng cho mình đúng tất”, ông Bộc thổ lộ.
Thụy Khuê là phường đông dân cư, nhiều ngõ ngách. Trong vấn đề xây dựng, ứng xử hàng xóm với nhau có nhiều mối quan hệ phức tạp. Nhiều người là hàng xóm đã quay ra không nhìn mặt nhau. Chẳng ít vụ tranh chấp tài sản xảy ra giữa bà con ruột thịt, anh em trong dòng họ. Vậy thì hóa giải bằng cách gì đây, nếu không phải là những phân tích rất thật của người làm hòa giải? Mỗi lần việc đến tay, ông Bộc lại “lên dây cót” cho mình, nhập cuộc một cách sốt sắng.
Ngay như chuyện vận động bà con kê khai thuế đất nông nghiệp, tuân thủ đúng pháp luật, ông thực hiện trước để bà con noi gương. Nhiều gia đình không có điều kiện hiểu cặn kẽ nội dung kê khai, hoặc những gia đình phần đất kê khai phức tạp, rườm rà... ông đã tích cực hướng dẫn, vì vậy mấy năm qua, tổ dân phố ông làm Tổ trưởng không có hộ nào bị sai sót.
Tôi hỏi: “Làm việc nhiều, có khi nào ông thấy mệt mỏi?”. Ông Bộc thổ lộ, do tuổi cao nên việc làm Tổ trưởng tổ dân phố có phần quá sức. Song, lãnh đạo phường cũng như nhân dân vẫn muốn ông tham gia, dẫu đã mấy lần ông xin nghỉ. Với cương vị là người làm công tác cơ sở, ở sát dân nhất, ông Bộc là tấm gương tận tụy, không vụ lợi. Phần thưởng cho những đóng góp của ông là UBND TP.Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã trao tặng nhiều Bằng khen. Song với ông, nguồn động viên lớn là sự quý mến của bà con và nhiều tổ ấm, dòng họ được bình yên, khu phố đoàn kết, thân tình, văn hóa.