Bình dị như nghề nghiệp

(PLO) - Vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, tôi vào Tây Nguyên công tác, có khi ở đến vài tuần tại Sở Tư pháp Đắk Lắk. Khi đó, Sở còn ở một nơi biệt lập, dưới bóng cây cổ thụ và nhà dân chung quanh, phố xá vắng hoe. Trong cơ quan mấy anh em còn trẻ và độc thân ở luôn tại đấy, góp gạo thổi cơm chung và tôi cũng ăn cùng với họ. Trong số những con người trẻ trung, nhiệt huyết ấy có anh Nguyễn Minh Thuận rất hiền lành, ít nói, dáng vẻ như các cụ ta thường gọi là hơi “cũ người”. 
Anh Nguyễn Minh Thuận trao quà cho một gia đình chính sách
Anh Nguyễn Minh Thuận trao quà cho một gia đình chính sách
Lặng lẽ cống hiến...
Ở cùng mới thấy hết sự vất vả của anh em cán bộ tư pháp địa phương. Lương thấp, chi tiêu cá nhân không đủ, tự đi chợ, nấu ăn, sinh hoạt kham khổ mà vẫn thiếu thốn đủ thứ, cốc cà phê Ban Mê vỉa hè cũng phải đắn đo. Những anh em này chủ yếu là sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Pháp lý, quê miền Trung, tự nguyện đến với cao nguyên và mang nhiều khát vọng cống hiến. Ban đêm, họ vẫn làm việc và trao đổi rất sôi nổi chuyện chuyên môn, nghề nghiệp. 
Những công việc lãnh đạo giao thường là họ thực hiện vào các buổi đêm như thế, đặc biệt có chất lượng bởi đây là “trí tuệ tập thể”, biến phòng ngủ thành nơi “sinh hoạt chuyên môn”. Và, cho đến bây giờ, lớp cử nhân luật mới toanh của Sở Tư pháp ngày ấy đã trưởng thành và giữ những cương vị, trọng trách khác nhau trong ngành Tư pháp tại địa phương.
Anh Thuận quê Nghệ An, đi bộ đội 3 năm rồi mới vào đại học. Cái vẻ ngoài trầm tĩnh của anh khiến người mới tiếp xúc có cảm giác là anh chậm chạp. Thế nhưng, có lẽ là những trải nghiệm của trường đời và trường học đã ngấm vào anh và chỉ thể hiện ở công việc chuyên môn. Tôi cứ nghĩ anh có sự tương đồng với nghề tư pháp: âm thầm, thanh bạch, yêu lẽ phải, chuộng công lý, làm nhiều nhưng thể hiện ra ngoài thì ít, cái nghề ấy đã thành nghiệp của anh chăng? 
Cứ âm thầm làm việc, lặng lẽ cống hiến và dần dần, mỗi lần sau vài năm gặp lại, anh đã ở cương vị mới, một sự thăng tiến cũng lặng lẽ như chính con người anh, tâm tính không hề thay đổi. Khi tôi tham gia với tư cách báo chí vào một vụ án hay việc khiếu nại của dân trên địa bàn Đắk Lắk thường đem ra trao đổi với anh Thuận, ngoài việc làm sáng tỏ những yếu tố pháp lý ra thì tôi nhận thấy những đề xuất giải pháp mang nặng tình người, có lẽ vì thế mà tôi yêu quý anh chăng?
Kỷ niệm để lại cho anh ấn tượng sâu sắc và càng làm anh gắn bó với đồng bào Tây Nguyên là vào năm 2004, anh được đặc phái xuống một buôn làng 4 tháng. Một trong những phát hiện của anh giải thích vì sao mà pháp luật ít đi vào cuộc sống các đồng bào dân tộc ở đây chính là rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, khi hỏi là có nạn tảo hôn không thì ai cũng bảo là không có, chưa từng xảy ra, nhưng hỏi là bao nhiêu tuổi thì cưới chồng, cưới vợ, câu trả lời là “14, 15 mùa rẫy thôi à”. 
Vì thế, các tờ rơi, tài liệu phổ biến pháp luật sau này đều in bằng tiếng Ê Đê và các cán bộ ở đây cũng phải học tiếng ấy như một thứ “ngoại ngữ” bắt buộc. Tính hòa đồng, giản dị của anh đã khiến anh sớm trở thành “người con của buôn làng”. Khi viết về tục lệ Tây Nguyên và ảnh hưởng của nó trong đời sống pháp luật của đồng bào Tây Nguyên, tôi thường tham khảo anh Thuận và nhận được sự đóng góp quý giá của một người hiểu biết.
Chắp cánh cho khát vọng tuổi trẻ ngành Tư pháp
Anh Nguyễn Minh Thuận giờ đang giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk. Bảng thành tích của anh có thể tóm tắt là Bằng khen của Chủ tịch tỉnh với danh hiệu Chiến sĩ thi đua 5 năm liền, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và mới đây nhất, năm 2014 anh nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đó là sự ghi nhận xứng đáng những cống hiến của anh với ngành Tư pháp địa phương.
Anh và các đồng nghiệp cùng trang lứa với anh nay đều trưởng thành, giữ những trọng trách khác nhau trong ngành Tư pháp, Thi hành án, luật sư, chính quyền,... Có được sự trưởng thành đó là do nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân, song không thể bỏ qua yếu tố môi trường công tác và cơ quan Sở Tư pháp. 
Những Giám đốc sở  để lại một lớp kế tục xuất sắc như bác Lê Tấn Hiền (đã mất), anh Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  của Quốc hội bây giờ, anh Đỗ Xuân Bỉnh, đã nghỉ hưu, giữ chức Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hay như anh Nguyễn Văn Úy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông hiện tại và những người lãnh đạo tiếp theo của Sở Tư pháp Đắk Lắk đã tạo ra những điều kiện rất tốt, chắp cánh cho khát vọng tuổi trẻ ngành Tư pháp.
Tôi viết về Nguyễn Minh Thuận như kể chuyện một người bạn quen biết nhiều năm. Sẽ là không đủ nếu không viết thêm rằng, giấu sau cái vẻ ngoài hiền lành ấy là một sự hài hước, hóm hỉnh bên trong. Anh làm thơ và có những bài khá hay, câu chữ thì nổi, ý nghĩa thì chìm, ẩn chứa một sự hóm hỉnh mà thâm thúy. Giới văn nghệ sỹ Tây Nguyên mà tôi quen biết đều do anh giới thiệu.
Chuyện của anh là chuyện đời, chuyện nghề, là hình ảnh thu nhỏ của một thế hệ đội ngũ cán bộ tư pháp đã trưởng thành và gặt hái thành công.

Đọc thêm