Người đưa pháp luật về vùng chân sóng

(PLO) - Trong cái nắng đầu hè như đổ lửa, theo chỉ dẫn của lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi tìm về xã Nghĩa Phúc gặp anh Đoàn Ngọc Hà, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tư pháp huyện khi anh đang cùng đoàn công tác của huyện thực hiện chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân các xã ven biển. 
Người đưa pháp luật về vùng chân sóng
Tầm nhìn từ cơ sở
Tưởng được gặp ngay nhưng lại phải chờ đến hơn 12 giờ trưa, khi người dân cuối cùng được trợ giúp pháp lý (TGPL) rời khỏi hội trường UBND xã, anh mới xong việc. Khác với tác phong sôi nổi, nhiệt tình khi thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và TGPL cho nhân dân ban sáng, khi được hỏi về bản thân, anh hết sức khiêm tốn, kiệm lời khi nói về mình.
Bén duyên với ngành Tư pháp chưa lâu, mãi đến năm 2002 khi đang giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Hòa, anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng phân công về làm công tác quản lý ở Phòng Tư pháp huyện.  
Ấy thế mà chỉ sau 2 năm, bằng những kinh nghiệm thực tiễn tích lũy từ cơ sở, lại nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền PBGDPL trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, anh đã đề ra các giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL như: tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải; thành lập mới các Câu lạc bộ (CLB) Pháp luật của các hội, đoàn thể từ huyện tới cơ sở; xây dựng chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền PBGDPL và TGPL lưu động giữa Phòng Tư pháp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn… 
Những giải pháp trên đã đưa công tác tuyên truyền PBGDPL của huyện miền biển Nghĩa Hưng trở nên sôi động, đi vào chiều sâu và trở thành điển hình. Năm 2004 huyện Nghĩa Hưng được Bộ Tư pháp chọn làm điểm để tổ chức hội nghị toàn quốc công tác tuyên truyền PBGDPL và TGPL ở cơ sở. Năm 2005 anh được đi báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II, ngành Tư pháp. 
Từ những kết quả bước đầu, anh đã rút ra kinh nghiệm và tự nhủ bản thân phải thực hiện tốt công việc chuyên môn cả trong các lĩnh vực sự vụ gồm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, chứng thực...; quan trọng hơn là phải chuyển tải nhanh, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, giúp nâng cao dân trí pháp luật để người dân hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ đó điều chỉnh hành vi theo đúng quy định của pháp luật. 
Trên cơ sở đó, anh đã cùng tập thể Phòng Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL tới nhân dân nhằm đưa pháp luật về cơ sở, đồng thời tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng cách xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đầy ắp sáng kiến
Trong 5 năm qua, anh đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền PBGDPL được Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở công nhận như: phối hợp xã hội hóa công tác PBGDPL trên địa bàn toàn huyện; mô hình quản lý, hoạt động của các loại hình CLB có liên quan đến pháp luật trên địa bàn toàn huyện; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xã hội hóa công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là hòa giải trong tranh chấp đất đai có hiệu quả trên địa bàn huyện; phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nam Định tổ chức TGPL lưu động miễn phí cho các đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn huyện... 
Từ những sáng kiến trên, anh đã cùng Phòng Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện kiện toàn, củng cố, kiểm tra các tổ hoà giải; tổ chức tập huấn cho các ban công tác mặt trận cơ sở; tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đến tận từng hộ gia đình; phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh; cấp phát hàng ngàn tờ gấp pháp luật với các nội dung quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm trang bị những kiến thức pháp luật cho các hội viên Hội Cựu chiến binh là những người có công, có nhiều quyền lợi liên quan đồng thời với vai trò là các tuyên truyền viên, hoà giải viên cơ sở. 
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện cũng phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Đồn Biên phòng 100 và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Biển, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hòa giải cơ sở… cho hội viên, đoàn viên và nhân dân thông qua hoạt động của các loại hình CLB, các hội nghị lồng ghép của cơ sở với trên 400 hội nghị và hàng vạn lượt người tham gia. Ngoài ra, hàng năm anh đều quan tâm tới việc đầu tư về đầu sách cho tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn, tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL trên địa bàn huyện. 
Phụng sự người dân
Có thể nói, công tác tuyên truyền PBGDPL ở huyện Nghĩa Hưng đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống người dân. Hiệu quả rõ nhất là trong cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, sau hơn 3 tháng triển khai, toàn huyện đã có gần 20 nghìn bài viết dự thi, là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Nam Định về số lượng bài tham dự. 
Cùng với công tác tuyên truyền PBGDPL, anh đã cùng Phòng Tư pháp đẩy mạnh hoạt động TGPL lưu động nhằm góp phần nâng cao ý thức tuân thủ  và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng chính sách và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tiếp cận pháp luật, giải tỏa những vướng mắc về pháp luật, giảm bớt những mâu thuẫn, khiếu kiện trong cộng đồng dân cư. 
Trong thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng Chương trình phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nam Định, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và UBND các xã, thị trấn trong huyện tổ chức TGPL lưu động cho hàng nghìn lượt người dân. Nội dung trợ giúp tập trung vào tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của nhân dân, tham gia hòa giải các vụ việc, những vướng mắc về pháp luật tại cộng đồng dân cư; giới thiệu các văn bản, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. 
Từ năm 2010 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức 90 cuộc TGPL lưu động miễn phí ở cả 25 xã, thị trấn trong huyện cho các đối tượng chính sách, người nghèo; khảo sát tư vấn 2.316 đơn, trong đó có 1.737 đơn về lĩnh vực chính sách ưu đãi, 255 đơn về lĩnh vực đất đai, 89 đơn về lĩnh vực dân sự, 44 đơn về lĩnh vực hành chính và 191 đơn về các lĩnh vực khác. 
Thông qua hoạt động TGPL đã góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề bất cập xảy ra trong cộng đồng dân cư. Nhờ vậy những năm gần đây, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, từ đó tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với những hoạt động tích cực trong công tác tư pháp, từ năm 2002 đến nay, anh  liên tục được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Nam Định; được Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Ban Dân vận Trung ương tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân vận. 

Đọc thêm