CIENCO4 và chiến lược trở thành Tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ một Tổng công ty trực thuộc Nhà nước, CIENCO4 đã tiên phong cổ phần hóa để thích ứng với quá trình hội nhập, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, lĩnh vực kinh doanh. Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, CIENCO4 trở thành tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực và là một nhà thầu có thương hiệu mạnh, uy tín trong lĩnh vực xây lắp Việt Nam.

Đến nay, CIENCO4 là một doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, đã được niêm yết lên Sàn Giao dịch chứng khoán Việt Nam (mã cổ phiếu C4G), với hơn 30.000 cổ đông. CIENCO4 đang ngày càng lớn mạnh, kinh doanh đa ngành nghề, không chỉ trong lĩnh vực xây lắp mà còn cho thuê văn phòng, dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Ngoài hoạt động kinh doanh, đơn vị này còn chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm sóc người nghèo, gia đình chính sách, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng…

Qua 62 năm xây dựng và phát triển (27/12/1962 - 27/12/2024), kế thừa truyền thống Anh hùng của Cục Công trình trong chiến tranh, Tập đoàn CIENCO4 đã và đang viết tiếp những trang sử mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt, ngành Giao thông Vận tải được Đảng, Nhà nước, giao phó những nhiệm vụ nặng nề: Hàn gắn vết thương sau chiến tranh, xây dựng hàng loạt các tuyến đường huyết mạch, đảm bảo giao thông cho chiến trường miền Nam. Ngày 27/12/1962, tại Hà Nội, Chính phủ ra Quyết định số 1477/QĐ-CP thành lập Cục Công trình, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Đây chính là đơn vị tiền thân của Tập đoàn CIENCO4 hôm nay.

Buổi đầu thành lập, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân còn mỏng, nhưng Cục Công trình đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy ở nhiều địa phương miền Bắc, đặc biệt là các tuyến đường giao thông huyết mạch vùng Khu 4 cũ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cục Công trình được xem là đơn vị hậu phương dự bị trực tiếp cho Đoàn 559, đóng góp sức người, sức của mở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Những người thợ CIENCO4 khôi phục hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Ảnh CSCC.

Những người thợ CIENCO4 khôi phục hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Ảnh CSCC.

Tháng 6/1965, Cục Công trình được chuyển từ Hà Nội vào Nghệ An, đổi tên thành Cục Công trình I với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và đảm bảo các tuyến giao thông trọng điểm từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh - Quảng Trị, phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, phải gánh trên vai những trọng trách mà Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cục Công trình và sau đó là Cục Công trình I đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần cùng cả dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, Cục Công trình I được đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp công trình I, tập trung lực lượng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Rất nhiều công trình trọng điểm bị phá hoại được khôi phục lại như Cảng Nhật Lệ, Cảng Bến Thủy, cầu Cấm, Cảng Cửa Lò, đặc biệt là chiến dịch thi công các cầu và đường sắt Thống Nhất. Cuối năm 1982, Xí nghiệp Liên hợp công trình I được đổi thành Liên hiệp Các xí nghiệp xây dựng công trình giao thông 4.

CIENCO4 có đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi, tâm huyết với nghề.

CIENCO4 có đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi, tâm huyết với nghề.

Bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1991 Bộ Giao thông Vận tải quyết định tách lực lượng xây dựng cơ bản trong Liên hiệp để thành lập Tổng Công ty Xây dựng giao thông miền Trung. Tháng 12/1995, Tổng Công ty được thành lập lại và đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4).

Ngày 22/8/2007, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4. Từ 01/7/2010, Công ty mẹ - Tổng Công ty chuyển thành Công ty TNHH MTV do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ sở hữu. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, từ tháng 10/2012, Tổng Công ty tiếp nhận thêm 4 đơn vị từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nâng tổng số thành viên lên 26 đơn vị, với hơn 7.500 cán bộ, công nhân viên, lao động, có trụ sở trên 6 tỉnh, thành trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-15%. Giá trị sản lượng năm 2000 đạt 1.058 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã tăng lên 4.242 tỷ đồng và năm 2012 đã đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2000.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, CIENCO4 là đơn vị đầu tiên trong ngành Giao thông Vận tải hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp từ ngày 2/6/2014, với tên mới là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP.

Trải qua quá trình cổ phần hóa từ năm 2014, là doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hóa, doanh nghiệp đối diện với khó khăn trăm bề: chưa ổn định được tổ chức, tâm tư, nguyện vọng của người lao động còn dao động, chưa có nhiều thời gian để xác định chiến lược rõ ràng và tìm tiếng nói đồng nhất. Mặt khác, thị trường vào đà lao dốc, nguồn vốn và số lượng dự án giao thông giảm mạnh nhất là giai đoạn 2015-2020.

Doanh thu CIENCO4 suy giảm. Doanh thu giảm, bài toán đặt ra là phải tiết kiệm nhất có thể để có nguồn lực nuôi dưỡng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xác định phương châm đó, Tập đoàn CIENCO4 xác định là phải tăng cường quản trị doanh nghiệp. Hệ thống các đơn vị thành viên được tái cấu trúc. Một số đơn vị phải giải thể, có đơn vị được sáp nhập, cổ phần hóa nhằm tinh gọn bộ máy. Công ty mẹ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng phòng, ban, tăng trách nhiệm, một người có thể kiêm nhiều việc. Từ những chiến lược theo thời điểm đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn một nửa so với trước đây.

CIENCO4 thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh.

CIENCO4 thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh.

Đặc biệt, CIENCO4 đã tận dụng thời cơ, tiếp tục tăng vốn thành công, tạo động lực để duy trì sự ổn định về tài chính, tăng quy mô vốn và nâng tầm giá trị doanh nghiệp: Đầu năm 2015, CIENCO4 đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 720 tỷ đồng. Ngày 15/6/2016, CIENCO4 tiếp tục phát hành thành công 28 triệu cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông.

Ngày 22/04/2017, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP chính thức chuyển đổi thành Tập đoàn CIENCO4. Tháng 3/2022, Tập đoàn CIENCO4 đã hoàn thành phát hành hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ lên hơn 2.200 tỷ đồng. Tháng 5/2023, Tập đoàn CIENCO4 tiếp tục hoàn thành phát hành hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Mới đây, CIENCO4 đã phát hành thành công hơn 20 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, nâng vốn điều lệ từ 3.370 tỷ đồng lên 3.573 tỷ đồng.

CIENCO4 đang thi công Sân bay Phú Bài (Huế).

CIENCO4 đang thi công Sân bay Phú Bài (Huế).

Tập đoàn coi áp dụng công nghệ tiên tiến vào thi công các công trình giao thông là yếu tố sống còn, CIENCO4 hiện cũng là đơn vị đi đầu ngành Giao thông Vận tải trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhất như: Công nghệ xây dựng cầu dây văng, công nghệ đúc hẫng với khẩu độ lớn 150m; Công nghệ thi công cầu vòm bê tông cốt thép thường, công nghệ dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực bằng phương pháp đà giáo ván khuôn cố định hoặc di động; Công nghệ thi công cọc khoan nhồi đường kính lên tới 2m với độ sâu đến 100m, cọc ống thép SPSP...

Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, dự án đòi hỏi công nghệ thi công phức tạp có sự đóng góp lớn của CIENCO4. Ảnh: CSCC

Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, dự án đòi hỏi công nghệ thi công phức tạp có sự đóng góp lớn của CIENCO4. Ảnh: CSCC

Trong thi công đường bộ và sân bay, Tập đoàn CIENCO4 cũng làm chủ những công nghệ tiên tiến như: Công nghệ xử lý nền đất yếu bằng các phương pháp: Cọc cát, bấc thấm; Công nghệ thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy rải chuyên dụng,…

Trong thi công hầm là công nghệ thi công hầm qua núi NATM, công nghệ thi công bảo vệ mái dốc bằng phương pháp neo đất và bê tông phun.

Hầm Thần Vũ do Tập đoàn CIENCO4 thi công.

Hầm Thần Vũ do Tập đoàn CIENCO4 thi công.

Các công nghệ hiện đại khác cũng được đội ngũ kỹ sư CIENCO4 nghiên cứu, ứng dụng như: Công nghệ xử lý đất yếu bằng Jet Grouting hầm nút giao Trung Hòa, thi công hố móng sâu theo công nghệ Bottom-up với chiều sâu đào lớn nhất lên tới 32m tại dự án Metroline Bến Thành Suối Tiên; Công nghệ thi công Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; Công nghệ thi công tường vây Barrette; Công nghệ thi công Cảng nước sâu Cửa Lò; Công nghệ thi công cọc CDM đường kính lớn...

Nhiều công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật, nhờ có thiết bị và công nghệ mới nên đã được thực hiện có hiệu quả, như: công nghệ extradosed thi công cầu dầm cáp hỗn hợp tại cầu An Đông (Ninh Thuận); Công nghệ ván khuôn trượt - MSS lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam tại cầu Thanh Trì (Hà Nội); Thi công trụ cầu cao gần 100m ở cầu Pá Uôn, cầu dây văng Phước Khánh với chiều cao trụ gần 140m so với mặt nước là trụ cầu cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay; Công nghệ cầu vòm bê tông cốt thép không gian 3 chiều có khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam tại cầu Cổ Cò, thành phố Đà Nẵng.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp họ CIENCO gặp khó và vắng bóng sau cổ phần hóa, CIENCO4 vẫn tiếp tục giữ vững được thương hiệu trên nhiều công trình lớn của đất nước. CIENCO4 đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải “chọn mặt gửi vàng” chỉ định tham gia thi công 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là: Bùng - Vạn Ninh, Hậu Giang - Cà Mau, với tổng giá trị xây lắp đảm nhận gần 4.000 tỷ đồng.

Thương hiệu CIENCO4 cũng hiện diện trên hàng loạt các dự án giao thông đường bộ trọng điểm trải dài trên cả nước như: Gói thầu XL-02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với giá trị hơn 705 tỷ đồng; gói thầu số 2-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, với giá trị hơn 1.910 tỷ đồng; gói thầu XL04 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với giá trị của gói thầu hơn 1.139 tỷ đồng và luôn về đích đúng hẹn.

Tại gói thầu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với giá trị hơn 9.249 tỷ đồng, Tập đoàn CIENCO4 là một trong các nhà đầu tư được lựa chọn cùng liên doanh. Cùng đó, dấu ấn tại các dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; Đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội); Cầu Cửa Hội; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, metro Bến Thành - Suối Tiên; Cao tốc Bến Lức - Long Thành. Xây dựng vị thế trong thi công cầu đường, CIENCO4 cũng đang ngày càng khẳng định uy tín trong thi công xây dựng công trình đặc thù đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như các dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay (Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi,...). Và mới đây nhất là nhà thầu tham gia thi công siêu dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

CIENCO4 thi công Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: CSCC

CIENCO4 thi công Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: CSCC

CIENCO4 cũng kịp đặt dấu chân trên hàng loạt các công trình hầm chui đô thị lớn, điển hình là hầm chui Lê Văn Lương (thông xe tháng 10/2022), hầm chui thuộc dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng, thông xe tháng 3/2022); hầm chui Thanh Xuân; hầm chui Trung Hòa (Hà Nội, thông xe năm 2016). Mới đây nhất, CIENCO4 tiếp tục là nhà thầu được chọn là nhà thầu thi công hầm chui nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (Hà Nội) trị giá hơn 560 tỷ đồng.

Đầu thế kỷ XXI, hình thức đầu tư Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hình thức này với ưu điểm giảm tối đa thủ tục trong quá trình đầu tư, thời gian xây dựng công trình được rút ngắn, tiết kiệm chi phí và sớm đưa được dự án vào khai thác. CIENCO4 đã liên kết với Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư thi công xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức BOT với tổng giá trị là 75 tỷ đồng.

Thi công cầu Yên Xuân; Cầu Hưng Đức vượt sông Lam; Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam do CIENCO4 thi công.

Thi công cầu Yên Xuân; Cầu Hưng Đức vượt sông Lam; Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam do CIENCO4 thi công.

Cũng với hình thức BOT, năm 2003, CIENCO4 tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Vinh, tổng giá trị đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Có thể nói, CIENCO4 là đơn đơn vị xây dựng đầu tiên của ngành GTVT dám làm, đã làm thành công hình thức đầu tư BOT. Sự dấn thân của CIENCO4 vào hình thức đầu tư mới trước hết là phát huy năng lực của một doanh nghiệp giao thông lớn, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, huy động tối đa nguồn lực tư nhân “chung lưng đấu cật” cùng Nhà nước tăng tốc phát triển hạ tầng kết nối.

Hoàn thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Hoàn thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đây cũng là cơ hội để CIENCO4 tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, mở rộng kinh doanh theo hướng đầu tư thay vì chỉ đi vào dự án với vai trò nhà thầu thi công. Việc làm của hàng nghìn người lao động vì thế cũng được đảm bảo hơn, mức lương cao hơn.

Mở rộng xu thế hợp tác phát triển, CIENCO4 đã ký thỏa thuận hợp tác với một loạt các nhà đầu tư tài chính, xây dựng có tên tuổi như: Vinacapital, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Sumitomo Mitsui Nhật Bản, Tập đoàn Hemaraj, Tập đoàn JFE (Nhật Bản), Tổ chức WBI (Nhật Bản), các nhà thầu xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc: Hanshin, Ilsung, Kyeryoung... Đây là những đối tác sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, giúp tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án và trực tiếp hỗ trợ nguồn vốn đầu tư vào các dự án do CIENCO4 làm chủ đầu tư, cũng như liên danh, liên kết đấu thầu các dự án vốn ODA về lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT trao gói thầu XL01 Dự án cao tốc Bắc - Nam từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Vạn Ninh (Quảng Bình) cho ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng Giám đốc CIENCO4 (thứ 2 từ phải qua) và các nhà thầu trong liên danh.

Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT trao gói thầu XL01 Dự án cao tốc Bắc - Nam từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Vạn Ninh (Quảng Bình) cho ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng Giám đốc CIENCO4 (thứ 2 từ phải qua) và các nhà thầu trong liên danh.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, CIENCO4 luôn coi trọng giá trị nguồn nhân lực. Trong nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của tập đoàn luôn ra sức thi đua, xây dựng sản xuất, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Đặc biệt hơn nữa, trong bối cảnh khối lượng dự án giao thông ít, doanh thu giảm, dù không có sự tăng trưởng, song việc đảm bảo được việc làm, giữ được người và chưa bao giờ giảm lương, chế độ của người lao động, các kỹ sư, công nhân với CIENCO4 đã là thành công rất lớn và là một trong số ít các CIENCO của ngành Giao thông Vận tải làm được.

Theo Tổng Giám đốc CIENCO4 Nguyễn Tuấn Huỳnh, để CIENCO4 giữ vững được vị thế cả về tiềm lực, năng lực đầu tư thì yếu tố chính vẫn là con người. Từ con người nảy sinh ra ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó. Nhờ đó, trải qua nhiều thăng trầm, doanh nghiệp vẫn vững vàng vượt qua, đẩy mạnh đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi, chính sách, chế độ cho người lao động, đáp ứng đầy đủ trách nhiệm đóng thuế, bảo hiểm cho Nhà nước. Vị thế, tiềm lực của tập đoàn không chỉ thể hiện qua việc sở hữu một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, từng kinh qua với tất cả các loại hình công trình giao thông: Sân bay, cảng biển, hầm đô thị, hầm cao tốc, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc… mà đó còn là giá trị doanh thu, nguồn lực tài chính sẵn có, các công nghệ thi công hiện đại, vốn “hợp đồng công trình tương tự” để cạnh tranh một cách sòng phẳng với nhiều nhà thầu lớn khác.

Hầm Metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên do CIENCO4 thi công.

Hầm Metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên do CIENCO4 thi công.

Trên các công trình đảm nhận, chưa dự án nào CIENCO4 để lỡ hẹn và không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, thẩm mỹ.

Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tập đoàn là tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông tại thị trường Việt Nam, tiến tới hội nhập và tiệm cận với quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Ngoài lĩnh vực truyền thống là hạ tầng giao thông, CIENCO4 đang hướng tới lĩnh vực bất động sản và kinh doanh tài chính. Đây là “kiềng 3 chân” được doanh nghiệp tập trung phát triển cho giai đoạn tới.

Một số hoạt động của CIENCO4: Tặng quà cho cán bộ, kỹ sư, công nhân dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh; Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2020; Tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ; Tặng quà cho các gia đình chính sách lân cận nghĩa trang của lực lượng cựu TNXP do CIENCO4 tu bổ, chăm nom.

Một số hoạt động của CIENCO4: Tặng quà cho cán bộ, kỹ sư, công nhân dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh; Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2020; Tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ; Tặng quà cho các gia đình chính sách lân cận nghĩa trang của lực lượng cựu TNXP do CIENCO4 tu bổ, chăm nom.

Đọc thêm