Thành công nhờ sự khác biệt
Ra đời vào năm 2008 với số vốn điều lệ 18 tỷ đồng, đến 10/2016, vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, số vốn điều lệ của FLC đã ở con số trên 6.380 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC cho biết, lũy kế cả năm 2017, FLC đạt doanh thu 11.600,8 tỷ đồng, tăng hơn 87% so với thực hiện năm 2016, lợi nhuận ròng Công ty mẹ FLC ở mức khá cao, đạt hơn 791 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của FLC tăng mạnh hơn 4.670 tỷ đồng từ đầu kỳ lên 22.568 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn 9.868 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn 12.700 tỷ đồng, với các khoản phải thu 10.495 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 10/2017, Công ty Quản lý quỹ UniCap định giá tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, bao gồm giá trị các dự án, khoản đầu tư và tài sản khác trực thuộc sở hữu, quyền quản lý của đơn vị, có tính đến yếu tố sinh lời ở mức 9 tỷ USD.
Tuy chưa có số liệu chính thức về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn FLC nhưng tín hiệu từ kết quả bán hàng tốt với hơn 2.000 sản phẩm bất động sản bán ra từ các dự án FLC Quy Nhơn (Bình Định), FLC Quảng Bình, FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong vòng 2 tháng gần đây cho thấy tình hình kinh doanh của FLC đang khá triển vọng.
|
Nguồn thu từ các khu nghỉ dưỡng mang lại rất nhiều tiền cho ông chủ Tập đoàn FLC |
Trả lời thẳng về bí quyết thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết không ngần ngại chia sẻ: “Chúng tôi thành công nhờ sự khác biệt. Chỉ 4 năm trước, chắc không ai nghĩ chúng tôi sẽ thành công trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng như ngày hôm nay”.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định, thành công từ việc mạnh dạn chọn hướng đi ngách khi trên thị trường đã đầy rẫy các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục được FLC áp dụng vào lĩnh vực hàng không.
Hàng không sẽ tiếp tục “đẻ trứng vàng”?
Ngay khi có thông tin FLC sẽ mở hãng không tư nhân Bamboo Airways, nhiều người đã nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa của Ngày cá tháng Tư.
Nhiều người đã từng nghi ngờ sự thành công của FLC trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục nghi ngờ quyết định của ông Trịnh Văn Quyết trong lĩnh vực hàng không và nhận định đây là một quyết định mạo hiểm.
Bình thản tiếp nhận sự nghi ngại này, ông Trịnh Văn Quyết cho biết chưa có 1 hãng hàng không nào có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi vào hoạt động như Bamboo Airways. “Chúng tôi đã dành 4 năm để chuẩn bị tài chính, cơ sở hạ tầng, con người, phương án kinh doanh… Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển. Đến năm 2020 FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng. Chỉ cần Bamboo Airways phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đến các điểm nghỉ dưỡng của FLC đã mang lại hiệu quả, chưa nói đến việc chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ giao thương, đi lại của người dân các tỉnh và phát triển đường bay quốc tế”.
|
Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định hàng không sẽ mang lại siêu lợi nhuận |
Giải thích thêm điểm khác của Bamboo Airways với các hãng hàng không “chết yểu” trước đó, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, trước đây, có một vài hãng chết yểu vì họ chỉ có 1 vài máy bay, không thể đáp ứng được nhu cầu của hành khách, còn với Bamboo Airways, ngay khi đi vào hoạt động vào cuối năm nay, FLC sẽ đưa 20 máy bay vào khai thác, đến năm 2019, FLC sẽ tiếp tục cho về Việt Nam khoảng 20 đến 30 máy bay nữa. “ Chúng tôi muốn để cho du khách và người dân khi chọn Bamboo Airways không cần phải lo về khả năng thiếu chỗ như các hãng hàng không khác”.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng làm một phép tính nhỏ để cho thấy khả năng “đẻ ra vàng” của các hãng hàng không. Theo người đứng đầu Tập đoàn FLC, với đường bay vàng (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh), chưa cần bỏ tiền mua máy bay, mà chỉ với máy bay đi thuê, một hãng hàng không đã có thể lãi 40- 50 tỷ đồng/1 máy bay/1 tháng. Dù không bay chặng Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh thì 40 máy bay của Bamboo Airways cũng có thể “đẻ” ra một lượng tiền khổng lồ mỗi ngày cho ông chủ tập đoàn FLC.
“Bởi vậy, FLC hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công, thậm chí rất thành công của Bamboo Airways” - ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.