Chiều qua (26/11), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
“Đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc. Đồng thời bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”- ông Phúc cho biết.
Về nhiệm vụ triển khai thực hiện, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như chính sách dân tộc; kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), để thực hiện từ năm 2021.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tuy đang trong kỳ họp, nhưng với tinh thần khẩn trương, đúng pháp luật, với sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp với Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức công bố Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này. Đây là một nét mới trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời cũng là diễn đàn quan trọng nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống vinh quang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc ban hành Nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với công tác dân tộc nhất là dân tộc thiểu số, vùng rẻo cao, miền núi, biên giới, khu căn cứ cách mạng, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước vững chắc để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Việc Quốc hội có chủ trương cùng Chính phủ hệ thống, tích hợp lại các chính sách đã ban hành nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp.
Quốc hội đã chỉ rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, rõ quan điểm xuyên suốt, bao trùm của Đề án, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực, đồng thời động viên, hướng dẫn để đồng bào vươn lên, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và cuộc sống, không cam chịu đói nghèo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số không phải là ít. Sau khi rà soát có đến 118 chính sách, nhưng lại không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, chương trình, đề án. Đây là dịp để tích hợp 118 chính sách trở thành một chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.
Do đó, Nghị quyết đã chỉ rõ các chỉ tiêu, trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu của chương trình này được ban hành tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đây cũng là một nội dung thiết thực thực hiện Bộ công cụ tự đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc và Liên minh nghị viện thế giới đã xác định, chọn Việt Nam làm điểm.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri, tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dân tộc, công tác dân tộc trong thời kỳ mới.