Thủy Nguyên là huyện có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa với khoảng 100 lễ hội dân gian, lịch sử, văn hóa, tôn giáo được tổ chức thường xuyên, định kỳ. Các lễ hội trải khắp địa bàn làng xã, chủ yếu tập trung vào đầu xuân. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là dịp để nhiều loại tệ nạn ăn theo lễ hội có “đất” hoành hành...
Cờ bạc công khai
Theo ghi nhận của phóng viên, vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thìn, nhiều lễ hội đình, đền, chùa ở huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng tổ chức khai hội. Năm nay, mặc dù Ban tổ chức (BTC) các lễ hội đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức lễ hội, song vẫn còn nhiều hiện tượng “chướng tai gai mắt”, trong đó đáng kể nhất phải nói đến nạn cờ bạc đủ loại, tệ ăn xin, ăn mày và đội giá vé gửi xe...
La liệt các trò “vui chơi có thưởng”. |
Tại Hội đền Trần Quốc Bảo (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), từ sáng mùng 6 Tết, hàng chục gian hàng buôn bán, “vui chơi có thưởng” (thực chất là cờ bạc trá hình) trải dài trên đường dẫn vào đền. Nhiều nam thanh nữ tú không đến chơi hội mà chủ đích đến đây để kiếm tiền từ những trò “vui chơi có thưởng”. Vô số trò đỏ đen diễn ra công khai, nhưng khi được hỏi đến, BTC các lễ hội lại phủ nhận. “BTC đã rút kinh nghiệm tuyên truyền vận động nhân dân. Tuy nhiên, nếu có những trò chơi mang tính cờ bạc như thế cũng chỉ là vụng trộm thôi” - đại diện BTC lễ hội đền Trần Quốc Bảo khẳng định.
Ăn mày “kiếm cơm” ở Hội đền Trần Quốc Bảo. |
Theo quan sát, ghi nhận của phóng viên, tại các hàng mẹt vỉa hè, sách tử vi tướng số bày bán công khai ngay sát cổng đền. Ăn xin, ăn mày ngồi la liệt từ ngoài cổng vào trong đền, “chèo kéo” khách xin tiền. Bên cạnh đó, lễ hội còn là thời cơ cho các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên như nấm. Giá trông xe máy tăng vọt từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng tùy địa điểm, ô tô dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng, cao gấp 2 - 3 lần ngày thường.
Giá đồ lễ và các dịch vụ khác cũng thừa cơ leo thang, dịch vụ đổi tiền lẻ cho du khách vào đền, chùa khá hút khách. Du khách đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ mệnh giá các loại 500 đồng, 1.000 đồng phải trả theo “tỷ giá” 10 “ăn” 8. Không chỉ hàng ăn, các trò chơi trẻ em dịp lễ cũng nằm trong vòng quay “đội giá”. Trò đu quay, tàu điện được chủ hàng mời chào với giá 5.000 đồng/phút, hoặc 10.000đ/lượt.
Du khách bị móc túi!
Ngoài chuyện bị “chặt, chém” bởi dịch vụ trông xe, trò chơi trẻ em, ăn xin ăn mày, du khách còn bị “móc ví” bằng đủ loại hình thức cờ bạc trá hình. Dọc đường dẫn vào lễ hội chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), quán ăn, các hàng dịch vụ mọc lên san sát. Những dãy hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, hàng nước... khiến cho lễ hội thêm phần đông vui náo nhiệt.
Mặc dù thời tiết mưa phùn, rét buốt song những sới bạc di động vẫn ngang nhiên tung hoành. Du khách về tham dự lễ hội chùa Mỹ Cụ liên tục bị gạ gẫm, chèo kéo bởi các “cò mồi” của các dịch vụ cua cá, cắt chỉ ăn tiền... Thậm chí, cả những quán nước bên đường cũng mở trò rút thăm trúng thưởng bằng hình thức rút đũa, ném vòng “ăn” thú bông cho trẻ em. Các “chiếu bạc” xóc đĩa hoạt đông công khai, sôi động.
Các trò cờ bạc bịp kiểu như trò “Tôm - Cua - Cá”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Phi tiêu đoán mầu”, “Bóc bim bim trúng thưởng”... mọc lên la liệt khắp nơi với số lượng không đếm xuể. Nhiều nhà cái dùng micro rao oang oang kiểu khuyến mại, như trò “Tôm - Cua - Cá” bỏ 10.000 ăn 400.000 đồng, thậm chí chơi hẳn 20.000 ăn 1 triệu đồng. Cách chơi thật dễ, người chơi có thể đặt tiền ở cả 6 cửa, kim chỉ vào cửa đặt của mình là thu tiền về. Tuy nhiên, khi khách đặt thì tiền toàn về tay nhà cái.
Anh Lê Văn Nam - một du khách từ Hà Nội về tham dự lễ hội - cho biết: “Lễ hội ở Hải Phòng đều mang tính lịch sử, truyền thống văn hóa đậm nét, song kiểu làm ăn chộp giật của những người buôn bán, tình trạng cờ bạc trá hình bằng nhiều hình thức, nạn ăn xin, ăn mày... diễn ra công khai làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các lễ hội ở Hải Phòng”.
Mong rằng, chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc dẹp bỏ các loại tệ nạn, cờ bạc trá hình, để trả lại không gian văn hóa tôn nghiêm và linh thiêng vốn có của lễ hội.
Lệ Trang