Có cán bộ điều tra, điều tra viên dùng nhục hình, nhận hối lộ

(PLVN) - Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, còn xảy ra một số trường hợp cán bộ điều tra, điều tra viên có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp như dùng nhục hình; ra quyết định trái pháp luật; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; nhận hối lộ...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm. Đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2021 công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra, một số chỉ tiêu của Quốc hội giao đã đạt và vượt như: Tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 87,05% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%).

Công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú cũng đạt được kết quả tích cực, đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 6.067 đối tượng trong đó có 1.562 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trong đó có cả lĩnh vực tư pháp và an ninh trật tự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mới đạt 88,81%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 90%). Cơ quan điều tra một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn chưa đúng quy định.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm, vẫn còn 934 người bị tạm giữ hình sự phải trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ. Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Vẫn xảy ra một số trường hợp cán bộ điều tra, điều tra viên có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp như dùng nhục hình; ra quyết định trái pháp luật; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; nhận hối lộ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, phòng chống gian lận thương mại, môi trường, an toàn thực phẩm; hoạt động đấu thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm trên các lĩnh vực này.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Chính phủ cần có kế hoạch, dự báo đánh giá tác động đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội trong thời gian tới và đưa ra những phương án phòng ngừa hiệu quả không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì vẫn còn 12 trường hợp bị khởi tố oan (trong đó số bị can đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm là 9; hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm là 3 bị can).

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ việc số liệu nêu trên thấp hơn với số liệu trong Báo cáo số 884/BC-BCA ngày 12/8/2021 của Bộ Công an về điều tra hình sự 9 tháng năm 2021 đã được gửi đến UBTVQH.

Đọc thêm