“Cơ chế đặc thù” chỉ khi nào cần thiết

(PLVN) -Thời gian vừa qua, đã có 8/63 địa phương cấp tỉnh được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi cơ chế, chính sách chưa đồng bộ mới phải áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Với 8 địa phương đã được thí điểm, cơ chế đặc thù được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các địa phương phát triển. Chính sách bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn và tạo động lực cho phát triển. Do vậy, đó là những chính sách mở đường, kỳ vọng mang tính đột phá. Thí điểm ở 8 địa phương, nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm không tốt thì phải bãi bỏ; thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung, tiếp tục phát triển cao hơn nữa.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, trong 9 Nghị quyết được thông qua, có các nghị quyết Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Theo đó, Quốc hội bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Đối với lĩnh vực tiền lương, thu nhập, lâu nay một số nơi và một số đối tượng được áp dụng thí điểm chính sách tài chính đặc thù. Tuy nhiên, điều này tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập, công bằng trong bộ máy hành chính nhà nước.

Rõ ràng, việc Quốc hội quyết định không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, bảo đảm hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; là cần thiết, đúng đắn. Tiền lương phải nằm trong tổng thể cải cách chính sách, sắp xếp bộ máy.

Chính vì cơ chế, chính sách còn bất cập nên Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.

Với chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ Quốc hội vừa cho phép thực hiện, nên nhớ thí điểm vì chúng ta đang cần huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng; sau thời gian thí điểm cần phải được sơ kết, tổng kết; quyết định tiếp tục thí điểm, hay bãi bỏ, hay ban hành thành quy định chính thức.

Đọc thêm