Việc xây dựng các cơ chế đặc thù là dành cho Thủ đô của cả nước

(PLVN) - Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/11 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc xây dựng các cơ chế đặc thù tại dự thảo Luật là cho Thủ đô của cả nước, không phải riêng cho TP Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình tại phiên thảo luận hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có hơn 100 ý kiến góp ý về dự án Luật này, kể cả tại các phiên thảo luận tổ và bằng văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật này. Đây là Dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; thống nhất rằng việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô của cả nước, không phải riêng cho TP Hà Nội.

Nếu xây dựng được các cơ chế cho Thủ đô phát triển thì Thủ đô sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, văn hóa… cho cả nước. Đây là những điểm cơ bản được các đại biểu thống nhất cao.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với những chính sách đặc thù được thiết kế trong dự thảo Luật lần này.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi, đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục một số chương, điều; thiết kế một số vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi như vấn đề nhà ở, quy hoạch, quản lý đô thị, trọng dụng nhân tài, thử nghiệm có kiểm soát TOD, BOT, BT, văn hóa…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với TP Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.

Làm rõ thêm vấn đề về tổ chức bộ máy và số lượng HĐND TP Hà Nội, Bộ trưởng cho biết Hà Nội đã có sơ kết và đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97 và thống nhất nhận thức là tiếp tục thực hiện cơ chế này, luật hóa, phát huy hiệu quả, hiệu lực, bảo đảm vận hành tốt.

Vấn đề thứ 2, dự thảo Luật cũng thiết kế trên cơ sở thực tế khi tăng cường phân cấp, phân quyền thì HĐND cấp quận được giao thêm nhiều nhiệm vụ, cần thiết có cấp hội đồng để giải quyết nhiều nội dung như về thu chi ngân sách, một số việc về tổ chức bộ máy, giám sát…

Về số lượng đại biểu HĐND và cấp phó của Hội đồng, cơ sở thực tế là sự gia tăng dân số cơ học hàng năm, khoảng 1,4%. Với số lượng 95 đại biểu HĐND TP hiện nay, nếu chúng ta chia bình quân ra thì 105.000 người dân mới có 1 đại biểu, thấp hơn bình quân của cả nước là 26.500 người dân/1 đại biểu. Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn giao bổ sung cho Hội đồng thì có 38 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn nếu như Quốc hội thông qua Luật Thủ đô này. Số lượng nhiệm vụ thực tế như vậy là rất lớn như thế.

Về các biện pháp và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô tại Điều 34, Bộ trưởng phân tích thêm, vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và vượt Luật, tương đối đặc thù. Tuy nhiên, nội dung này đang thiết kế theo hướng là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý; quy định rõ các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm và cũng chỉ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Bộ trưởng nêu, trên thực tế, trong giai đoạn 2008-2018, chúng ta thực hiện Nghị định 180 có áp dụng một số biện pháp ngăn chặn. Tổng kết của Hà Nội cho thấy, những biện pháp quy định ở trong Nghị định 180 phát huy tác dụng, hiệu quả. Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh, trường hợp Quốc hội tiếp tục cho phép Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng một cách chặt chẽ, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức có liên quan.

Liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô, dù không có nhiều ý kiến phát biểu, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, những quy định dự kiến ở trong Điều 4 dự thảo Luật là tương đối khả thi. Nếu thiết kế như dự thảo Luật, Hà Nội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, nhìn chung là các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ thêm nhiệm vụ, phải theo dõi rất sát trong quá trình áp dụng, triển khai Luật Thủ đô và các Luật sắp tới. Song nếu làm được, làm tốt thì có thể xem như là một quá trình theo dõi thi hành Luật Thủ đô và sẽ không có những vướng mắc, bớt đi các vướng mắc ở trên thực tế.

Đọc thêm