“Cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ giảm đô la hóa”

(PLO) - Với việc áp dụng phương thức điều hành tỷ giá mới, doanh nghiệp và người dân sẽ ứng xử như thế nào với đồng USD hay liệu có việc “xóa sổ” được hiện tượng găm giữ ngoại tệ? Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đã chia sẻ với báo chí…
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Tăng niềm tin đối với đồng Việt Nam
Thưa ông, cơ chế điều hành tỷ giá mới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong việc định hướng chính sách tỷ giá của cơ quan này?
- Tôi cho rằng đã đến thời điểm hội tụ đủ các điều kiện bên trong và bên ngoài để NHNN đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới. Thứ nhất là phục vụ cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Thứ hai là, chúng ta tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế và thông qua đó tăng cường hiệu lực về chính sách tiền tệ trong việc phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định, kiềm chế kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. 
Cách thức điều hành tỷ giá mới khác với các năm trước là chúng ta thường công bố một biên độ nhất định rồi thị trường “neo” vào đó và có sự kỳ vọng. Với cách điều hành mới này sẽ làm thay đổi như thế nào tới tâm lý cũng như việc găm giữ ngoại tệ của người dân? 
- Ở đây có 2 vấn đề tôi cho rằng liên quan tới tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng như liên quan tới các trường hợp đầu cơ liên quan tới tỷ giá cũng như đầu cơ ngoại tệ trong thời gian gần đây, kể cả ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý thì với việc điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái mới mà chúng ta có thể là sẽ công bố hàng ngày với một biên độ cho phép thì rõ ràng sẽ giảm được mức độ kỳ vọng quá mức vào việc phá giá hay nỗ lực quá mức để giữ tỷ giá hối đoái như trong thời gian vừa qua chúng ta đã phải làm.
Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là chúng ta dựa trên nền tảng ổn định của đồng tiền Việt Nam, đồng thời tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ bằng đồng Việt Nam thay vì ngoại tệ như trước đây, trong đó kể cả USD và cùng với việc chúng ta kéo giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng USD về mức 0% thì có thể nói, tất cả những biện pháp đó đồng hướng với việc giảm tình trạng đô la hóa cũng như giảm tâm lý và thực tế về tích trữ và găm giữ  ngoại tệ để làm sao chúng ta có một thị trường ngoại tệ diễn biến theo nguyên tắc của thị trường nhiều hơn và đồng thời với đó là giữ được hai nguyên tắc chủ chốt trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là nguyên tắc chủ động và nguyên tắc linh hoạt gắn với thị trường. 
Tín dụng ngoại tệ: từ vay sang mua - bán
Nếu trước đây người dân và doanh nghiệp có nhu cầu có thể đến ngân hàng mua bán hoặc vay thì bây giờ chỉ còn quan hệ mua hoặc bán. Vậy trong năm 2016, họ sẽ phải ứng xử như thế nào đối với đồng ngoại tệ mà họ có trong tay hoặc là họ sẽ phải mua từ các ngân hàng thương mại?
- Rõ ràng, việc dịch chuyển từ quan hệ tín dụng ngoại tệ, kể cả tín dụng tiền gửi cũng như cho vay bằng ngoại tệ được chuyển dần và tiến tới là sẽ hoàn toàn sang quan hệ mua – bán ngoại tệ sẽ giúp rất nhiều trong việc ổn định tỷ giá hối đoái cũng như đảm bảo sự ổn định trên thị trường ngoại tệ, tránh những kỳ vọng hay những hoạt động đầu cơ liên quan tới hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ. 
Vấn đề thứ hai là với cách điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt và theo các nguyên tắc thị trường như vậy thì rõ ràng với những đối tượng nắm giữ cũng như có nhu cầu đối với ngoại tệ và đối với USD nói riêng thì có thể có những quyết định sẽ phù hợp hơn với diễn biến của thị trường, đồng thời với đó là quan hệ cung - cầu trên thị trường cũng như là căn cứ vào khả năng có thể dự báo được trong cách điều hành tỷ giá hối đoái hàng năm thay vì chúng ta đưa ra những biên độ và cam kết ràng buộc mà trong khi bối cảnh hay những điều kiện thực tế có thể là chúng ta khó khăn trong giữ các cam kết ràng buộc tạo ra tâm lý không tốt trong việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ để kiếm lợi trong những trường hợp tỷ giá bị thay đổi đột ngột. 
Đối với các nhu cầu về găm giữ, thậm chí là đầu cơ ngoại tệ để kỳ vọng một mức phá giá nào đó của đồng Việt Nam thì liệu rằng với cơ chế mới, tình trạng đầu cơ ngoại tệ có khả thi không, thưa ông?
- Với cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể được ban hành trong thời gian tới, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường, thay vì dự báo, tâm lý kỳ vọng vào những thay đổi trong chính sách điều hành hoặc là tỷ giá hối đoái diễn biến hàng ngày và diễn biến có lên, có xuống theo một rổ tiền tệ và do chịu tác động của rất nhiều yếu tố của thị trường bên trong cũng như bên ngoài. Do đó, đối với giới đầu cơ, việc dự báo để có thể tăng cường đầu cơ đối với ngoại tệ sẽ giảm đi rất nhiều do khả năng dự báo, dự đoán sẽ khó hơn rất nhiều. 
Vấn đề thứ hai để chống găm giữ và đầu cơ - tôi cho rằng rất quan trọng, đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối cũng như làm sao giảm thiểu vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức hay còn gọi là thị trường ngoại hối đen. Thông qua đó để chuyển hoạt động kể cả mua bán ngoại tệ như chúng ta mong muốn vào hệ thống chính thức thì việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.
Xin cám ơn ông!

Đọc thêm