Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ có hiệu lực trong tháng 7?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc họp rà soát lần cuối nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định DPPA áp dụng theo hình thức rút gọn, có nghĩa là dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực ngay sau ngày ký ban hành. Dự kiến Nghị định DPPA sẽ có hiệu lực trong tháng 7”,
Nhu cầu mua bán trực tiếp điện năng lượng tái tạo rất lớn. (Ảnh: PV).
Nhu cầu mua bán trực tiếp điện năng lượng tái tạo rất lớn. (Ảnh: PV).

Bổ sung thêm nhiều loại hình mua bán điện trực tiếp

Tại cuộc họp rà soát về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sáng 19/6 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã rà soát, báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị định liên quan đến đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng sẽ không giới hạn công suất; bổ sung trường hợp đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm công nghiệp được khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với các tổng công ty điện lực, ký hợp đồng dài hạn với đơn vị phát điện NLTT; bổ sung nguồn điện sinh khối, hệ thống điện mặt trời mái nhà là một trong các loại hình NLTT.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định làm rõ, khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; trường hợp mua bán điện trực tiếp từ nguồn điện mặt trời mái nhà trong các khu, cụm công nghiệp đối với khách hàng thông thường (ngoài khách hàng sử dụng điện lớn); chỉnh lý thẩm quyền chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định; đơn giản tối đa thủ tục để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm của ngành Điện trong bảo đảm an toàn hệ thống khi cung cấp dịch vụ truyền tải qua lưới điện quốc gia giữa người bán và người mua điện tái tạo trực tiếp; theo dõi, cập nhật, đưa ra số liệu chính xác về khả năng truyền tải, phụ tải ở từng vùng và tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển NLTT. Đồng thời lưu ý, trường hợp mua bán điện trực tiếp không truyền tải qua lưới điện quốc gia không cần đưa vào quy hoạch.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị lưu trữ điện tại các nhà máy, trang trại điện mặt trời để trở thành nguồn điện nền được huy động với mức giá cao vào giờ cao điểm; hình thành cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối… và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.

Trả lời Báo PLVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cuộc họp ngày 19/6 tại Văn phòng Chính phủ là cuộc họp nhằm rà soát lần cuối đối với dự thảo Nghị định DPPA. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định DPPA áp dụng theo hình thức rút gọn, có nghĩa là dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực ngay sau ngày ký ban hành. “Bộ Công Thương dự kiến Nghị định DPPA sẽ có hiệu lực trong tháng 7”, Thứ trưởng Tân nói.

Nhu cầu mua bán điện trực tiếp rất lớn

Theo tìm hiểu của PLVN, trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Một số tổ chức, tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heiniken, Google, Nike... đã gửi Thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ NLTT với khách hàng sử dụng điện lớn.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA (Samsung, Heineken, Nike) có tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1 triệu kWh/tháng. Một số cơ sở của Heineken ở Quảng Nam và Hà Nội có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 500.000 đến 800.000kWh/tháng. Các cơ sở này đều đấu nối ở cấp 22kV trở lên.

Đáng chú ý, kết quả của cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp của bên bán và bên mua cho thấy, nhu cầu về hình thức này rất lớn. Cụ thể, về nhu cầu tham gia DPPA của bên bán (các đơn vị phát điện từ NLTT) cho thấy, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) tham gia khảo sát có 24 dự án (với công suất đặt 1.773MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng.

Cùng với đó, nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên), có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính 996MW.

Đọc thêm