Khẩn trương hoàn thành cơ chế mua bán điện trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay từ đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương lấy ý kiến về cơ chế mua bán điện trực tiếp, nhiều doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn trên thế giới đang sản xuất tại Việt Nam đã mong muốn sớm được thực hiện mua bán điện trực tiếp. Sau gần 3 năm, Chính phủ vẫn đang thúc Bộ Công Thương sớm hoàn thành cơ chế này.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm được thực hiện mua bán điện trực tiếp. (Ảnh: PV)
Nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm được thực hiện mua bán điện trực tiếp. (Ảnh: PV)

Doanh nghiệp muốn thí điểm mua bán điện trực tiếp

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng từ đầu năm 2021. Bộ Công Thương cũng từng lấy ý kiến dự thảo cơ chế DPPA với công suất định thí điểm 1.000MW. Theo đó, bên mua và bán đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn có giá.

Ngay từ thời điểm đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương ra thông báo lấy ý kiến các Bộ, ngành về cơ chế DPPA, nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã mong muốn sớm được thực hiện cơ chế này. Trong một cuộc gặp lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung đã chính thức “ngỏ ý” được tham gia thí điểm chính sách mới.

Đại diện đơn vị thuộc đối tượng có thể tham gia bán điện trực tiếp chia sẻ, các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió rất mong sớm hoàn thành chính sách nói trên bởi khi đó, họ có thêm đối tượng đàm phán mua điện (thay vì chỉ đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN như hiện nay). Cùng với đó, chủ đầu tư sẽ lựa chọn được đối tượng sử dụng điện lớn để đàm phán, từ đó, có thể huy động được hết sản lượng điện có thể sản xuất được (thay vì mua bán qua EVN có thể bị sa thải công suất bất kỳ thời điểm nào khi nhu cầu sử dụng điện thấp).

Theo dự kiến, ban đầu Bộ Công Thương sẽ thí điểm mua bán trong giai đoạn 2021 - 2023 với tổng công suất khoảng 1.000MW. Sau thí điểm một năm, Bộ sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ chế DPPA vẫn chưa được hoàn thành.

Đề xuất 2 phương án mua bán điện trực tiếp

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên đến nay, cơ chế, chính sách này vẫn chậm được ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng cơ chế DPPA đã có kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu thực tế tại Việt Nam với căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, làm rõ thẩm quyền ban hành hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công Thương các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, thẩm định và ban hành theo đúng quy định.

Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ động, phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 để đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát chuyên đề nội dung này (báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ trước ngày 25/10).

Theo đề xuất mới nhất, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án DPPA. Phương án 1 là mua bán điện thông qua đường dây riêng (do tư nhân đầu tư). Phương án 2 là mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng.

Với phương án 1, Bộ Công Thương cho biết đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, nên Bộ sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 (giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là hơn 1.920 đồng/kWh).

Với phương án 2, khi thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia thì bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN đang độc quyền tự nhiên kinh doanh lưới truyền tải điện quốc gia). Với phương án này, yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên.

Đọc thêm