Cơ chế tài chính đặc thù chỉ được kéo dài đến ngày 1/7/2022

(PLVN) -  Chiều nay (17/8), tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Duy trì cơ chế tài chính đặc thù là chưa nhất quán với Nghị quyết số 27

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ dự kiến định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được Nhà nước ban hành. Từ năm ngân sách 2022, việc ban hành và thực hiện chế độ mới làm tăng chi ngân sách thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật NSNN.

Đáng chú ý, năm 2022, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế chính sách khoán chi sẽ phải áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập chung, thống nhất; bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù; tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên ngoài quỹ lương, các khoản đóng góp và chi cho con người so với dự toán năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường đánh giá, việc Chính phủ trình phương án định mức phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương sẽ căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao (bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế) là bước chuyển biến hướng đến phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chuyển từ việc chú trọng yếu tố đầu vào sang quản lý theo kết quả đầu ra. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban nhất trí về chủ trương đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách như Chính phủ trình. Tuy nhiên, cách thức triển khai cụ thể chưa được làm rõ trong dự thảo của Chính phủ.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn về phương pháp thực hiện với các định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, chi tiết làm cơ sở xác định chi phí và có bộ tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, bảo đảm việc phân bổ NSNN được công khai, minh bạch, công bằng cũng như giải trình rõ hơn về tính khả thi và lộ trình thực hiện việc giao dự toán theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị vẫn thực hiện việc xây dựng định mức phân bổ dựa trên tiêu chí số lượng biên chế theo nguyên tắc ưu tiên hệ số phân bổ cao hơn cho các cơ quan có số lượng biên chế thấp, có nhiệm vụ đặc thù để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin - cho”.

Đối với các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng duy trì cơ chế tài chính đặc thù là chưa nhất quán với Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương và đề nghị chỉ tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị đến ngày 1/7/2022. Sau khi chính sách tiền lương mới được cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ xóa bỏ cơ chế đặc thù hiện nay.

Về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các địa phương, trong đó có định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế, Chính phủ đã nâng định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế theo dân số bằng định mức năm 2017 (1 lần), thay vì mức đã trình bằng 0,75 lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng định mức này còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh hiện nay, lĩnh vực y tế cần được ưu tiên bố trí…

Chưa thấy khác gì

Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tờ trình của Chính phủ nêu rất hoành tráng, bỏ “đầu vào” là biên chế để tính theo “đầu ra” nhiệm vụ, nhưng “đầu ra” như thế nào thì chưa thấy.

“Nói là không tính theo biên chế mà tính theo đầu ra nhưng vẫn lấy chi thực tế của kỳ trước, căn cứ là năm ngoái thì chẳng khác gì”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị nên chăng lấy tiêu chí chính là biên chế, nhưng trên cơ sở xác định được vị trí việc làm cũng như có tiêu chí phụ điều chỉnh theo khối lượng công việc đặc thù, đột xuất theo từng thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi xây dựng tờ trình này, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính bám theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Tuy nhiên, chưa có giải pháp thực hiện nên mặc dù đưa vào tờ trình là tính theo nhiệm vụ song vẫn căn cứ vào thực tế của năm trước. Ông Phớc cho hay, sau ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ sẽ quay lại tính theo biên chế và vị trí việc làm, Hồ Đức nói.

Giải trình thêm về thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện ở địa phương còn 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Vừa rồi, Bộ Tài chính nhận được đề nghị dùng chống dịch của 7 tỉnh, nhưng thực hiện theo Nghị quyết 23, nguồn này Bộ dứt khoát sử dụng để cải cách tiền lương. Còn chi chống dịch sẽ thực hiện giải pháp khác lấy từ nguồn dự trữ tài chính, nguồn tiết kiệm chi (10% chi thường xuyên, 5% các khoản chi hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, trong nước...).

“Nếu vẫn chưa đủ thì phải điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thực hiện cắt giảm một số nhiệm vụ chi không cần thiết. Theo hướng đó, Bộ Tài chính sẵn sàng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào tháng 7/2022”, Bộ trưởng Phớc khẳng định.

Đọc thêm