Cô dâu Việt "mất cả chì lẫn chài" vì thôi quốc tịch

Nhiều cô dâu “mất cả chì lẫn chài” vì không nhập được quốc tịch sau khi ra nước ngoài. Tại Đài Loan (Trung Quốc), còn 137 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập tịch Đài Loan.

Ít để ý các quy định pháp luật, các cô dâu Việt chỉ quan tâm chuyện đổi đời khi kết hôn với người ngoại quốc. Nhưng khi hôn nhân tan vỡ, ít người biết rằng họ sẽ đối diện cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như quốc tịch, quyền nuôi con…

Phỏng vấn không phải là cuộc thi

Phỏng vấn trước khi kết hôn với người nước ngoài là một thủ tục bắt buộc. Trước đây, theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 thì thủ tục này không bắt buộc. Chỉ trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự…, thì Sở Tư pháp mới phỏng vấn các bên.
 
Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 nêu rõ: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm: Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản...”.

Nhiều cầu thủ nước ngoài nhập tịch vào Việt Nam. Ảnh minh họa.
Nhiều cầu thủ nước ngoài nhập tịch vào Việt Nam. Ảnh minh họa.

Các Sở Tư pháp được chủ động hoàn toàn trong việc phỏng vấn, không bị ràng buộc bởi “ba - rem” nào, nhưng sau một thời gian thực hiện, mỗi nơi “vấn” một kiểu. Có nơi đã biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc thi, đưa ra bộ đề với hàng trăm câu hỏi để trắc nghiệm trình độ ngoại ngữ, sự hiểu biết lẫn nhau của cô dâu, chú rể.

Nơi thì cán bộ tư pháp bị “cò” hôn nhân thao túng, phiên dịch sai cũng không hay biết. Bộ Tư pháp cho rằng, thực tế này là chưa ổn. Phỏng vấn là để hiểu rõ tư cách, tính cách con người và ý định của cuộc kết hôn.

Người phỏng vấn phải có kiến thức tương đối rộng, gần như một chuyên gia tâm lý để nhanh chóng đánh giá được đối tượng. Cũng theo Bộ Tư pháp, trong phỏng vấn, điều kiện biết ngoại ngữ, tuổi tác chênh lệch quá lớn không phải là căn cứ để từ chối cuộc hôn nhân, mà đó chỉ là một yếu tố cần phải lưu ý đối với cuộc hôn nhân.

Mỗi cuộc hôn nhân là một hoàn cảnh, mỗi người là một tính cách nên không thể  áp dụng một “bộ đề” chung. “Việc này sẽ hiệu quả, nhẹ nhàng… nếu cán bộ phỏng vấn vô tư, khách quan, linh hoạt và có tâm. Vừa qua, các Sở Tư pháp làm khâu này chưa tốt; thậm chí, có nơi còn coi phỏng vấn là công cụ cho tiêu cực…”, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) nói.

Thận trọng chuyện quốc tịch

Sau các thủ tục pháp lý, các cô dâu Việt xuất ngoại theo chồng. Phần lớn là có cuộc sống như ý, nhưng cũng có trường hợp bị vỡ mộng khi đặt chân đến xứ người. Và sự đổ vỡ được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, do bất đồng ngôn ngữ, khó hòa nhập với chồng và nhà chồng…

Nhưng dưới con mắt của người làm luật, ông Trần Thất cắt nghĩa, vấn đề này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cô dâu Việt. Theo ông Thất, việc tiếp cận thông tin không khó, nhiều tờ rơi bằng tiếng Việt về những vấn đề liên quan sơ đẳng nhất luôn được phát miễn phí tại cơ quan cấp visa (thị thực xuất cảnh).

Cụ thể, tại Trung tâm Văn hóa Kinh tế Đài Bắc - nơi cấp visa cho các cô dâu lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc) - thường phát kèm số điện thoại, để khi đến Đài Loan, nếu gặp rắc rối các cô dâu Việt có thể gọi để được hỗ trợ bằng tiếng Việt... Nhưng đáng tiếc, nhiều cô “vui duyên mới” đã vứt bỏ số điện thoại quan trọng này, để đến khi đến nơi đất khách quê người, tiếng không biết, người chưa quen, bị cô lập trong hoảng sợ.

Một điều cũng hết sức quan trọng, đó là các cô dâu cần cân nhắc kỹ chuyện quốc tịch của mình. Lấy chồng, muốn theo quốc tịch chồng là một mong ước chính đáng, được pháp luật cho phép, nhưng cần tính “bước lùi” nếu gặp chuyện không may. Vì vậy, vấn đề các cô dâu Việt quan tâm hiện nay, đó là có được giữ 2 quốc tịch khi kết hôn với người ngoại quốc?.

“Quốc tịch không phải thích thì vào, không thích thì ra. Khi đã thôi quốc tịch Việt Nam tức là không còn mối ràng buộc pháp lý nào với Nhà nước Việt Nam, nên Nhà nước không có thẩm quyền để can thiệp, bảo hộ quyền lợi cho họ khi họ gặp phải rắc rối. Chỉ  trường hợp thật đặc biệt mới được giữ 2 quốc tịch”, Vụ trưởng Trần Thất khuyến cáo. Cũng theo ông Thất, tốt nhất các cô dâu nên chắc chắn đã được nhập quốc tịch nước có công dân mình chọn kết hôn rồi mới xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Thực tế, nhiều cô dâu đã “mất cả chì lẫn chài” vì không nhập được quốc tịch sau khi ra nước ngoài. Tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi có số cô dâu Việt chiếm tỷ lệ rất lớn, còn 137 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa được nhập tịch Đài Loan.

Xung quanh vấn đề này, vừa qua Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch Nước lập Tổ công tác, sang làm việc và được biết trong thời gian tới, phía bạn sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm những trường hợp này, trừ trường hợp quá đặc biệt như phạm tội. Các nước khác, số cô dâu Việt không nhiều, nên quá trình nhập quốc tịch khá suôn sẻ.

Được biết, nguyên nhân không được nhập quốc tịch do các cô dâu Việt quên gia hạn thẻ cư trú, ly thân, ly hôn chồng, chồng chết, phạm tội... 

Theo ông Thất, điều kiện cần để được nhập quốc tịch luôn là thời gian tối thiểu sống trên lãnh thổ đó, và sống phải gương mẫu, không vi phạm pháp luật. Ở Đài Loan, pháp luật còn qui định vợ chồng phải sống chung với nhau, nếu chồng, vợ mỗi người một nơi, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị coi đó là hôn nhân giả, nên sẽ không có cơ hội để nhập tịch. “Trong những trường hợp như vây, nếu còn quốc tịch Việt Nam thì trở về, nhưng nếu cắt rồi thì chuyện trở lại không phải là dễ dàng”, ông Thất nhấn mạnh.

Các cô dâu Việt nếu ly hôn không chỉ mất điều kiện nhập quốc tịch, mà có thể mất quyền được nuôi con. Bởi theo qui định ở Đài Loan, người  nuôi con phải có 5 triệu Đài tệ để đảm bảo cuộc sống cho con. Điều kiện đó  đối với cô dâu Việt mới chân ướt chân ráo sang như là một sự đánh đố vì chưa đi làm “đào” đâu ra tiền nuôi con. Tương tự, luật pháp Hàn Quốc cũng thường nhường quyền nuôi con cho người phụ nữ sau ly hôn, nhưng vì lý do kinh tế nên trên thực tế, quyền này vẫn được trao cho người chồng Hàn Quốc.

Thanh Quý

Đọc thêm