Có dẹp được nhạc “rác” ?

(PLO) - Những ngôn ngữ kiếm nhã, hình ảnh minh họa dung tục mặc sức tung hoành trong một số ca khúc, MV được “lướt sóng” tràn lan trên mạng. Nhạc “rác” đang dần gặm nhấm thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ với sức công phá về đạo đức và thuần phong mỹ tục. 
Có dẹp được nhạc “rác” ?

Nhạc “rác” xâm lấn giới trẻ

Nhiều sản phẩm cover nhạc lai tạp như rap sex, nhạc chế kích động… xuất hiện nhan nhản công khai trên mạng. Tại một forum chuyên đăng tải nhạc xuyên tạc những bài nhạc chế với vài trăm nghìn, có khi lên tới hàng triệu lượt người nghe. Nếu như nhạc chế thuần túy chỉ nhắm vào mục đích gây cười, mua vui thì nhạc chế sex nhắm vào chuyện chăn gối với ngôn từ thiếu lành mạnh, thậm chí vô văn hóa.

Ví như bài “Con gái thời nay” bị chế thành “Con trai bây giờ í hả, 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa không đàng hoàng là gay, a ha!”; bài hát thiếu nhi “Kìa con bướm vàng” bị thay lời, sửa nhạc bằng những từ ngữ thô thiển như: “Kìa con gái kìa, kìa con gái kìa, rủ đi chơi, rủ đi chơi, ba tháng sau em có bầu”...

Các nhạc “rác” này xâm lấn vào cuộc sống giới trẻ với tốc độ chóng mặt như một dịch bệnh qua các thiết bị điện tử như máy tính, di động, ipad, giới băng đĩa lậu tiếp tay phát tán trong những CD ở các cửa hàng băng đĩa, tràn ngập các quán café. Ở những tụ điểm vui chơi dành cho giới trẻ, việc phát các đoạn nhạc sex được giới trẻ công khai chấp nhận. Thậm chí, không ít nhóm thanh, thiếu niên xem thể loại nhạc này như một món ăn tinh thần, vũ khí, công cụ cho những cuộc vui.

Sự tự do tùy tiện cùng trình độ nhận thức non kém đã nặn ra những sản phẩm âm nhạc gây hại mỹ cảm, hủy hoại đạo đức, thuần phong mỹ tục khó lường. Một trong những hệ lụy dễ nhận thấy nhất là thể loại trên đã nhiễm độc âm nhạc Việt. Hơn thế, với tốc độ phát triển, phổ biến nhanh chóng trên diện rộng, nhạc “rác” không chỉ bó hẹp trong một bộ phận xã hội mà sẽ đầu độc hầu hết người trẻ.

Cần ráo riết kiểm tra các trang web, forum, mạng xã hội

Tại hội thảo chuyên đề “Hoạt động sáng tác lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo quy định hiện nay, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tự do sáng tác và biểu diễn tác phẩm ca múa nhạc. Với việc khó kiểm soát trên internet, nhiều tác phẩm âm nhạc không qua xét duyệt vẫn được đưa lên mạng.

Hiện nay vẫn có những tác phẩm được sáng tác, phổ biến ra công chúng nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí.  Ví dụ như đã có rất nhiều phản ánh về clip bài hát có tên gọi “Phiếu bé ngoan”, “Tan ka ka”, “Give it to me”, “Em không hối tiếc”, “Như cái lò”... có ca từ nhảm nhí, hình ảnh trang phục phản cảm nhưng trong thực tế vẫn được các nhà sản xuất, người biểu diễn và các trang âm nhạc trực tuyến cho phổ biến, lưu hành để người nghe, xem có thể tự do truyền tải.

Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng quản lý nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội cho rằng thị trường âm nhạc hiện nay đang xuất hiện xu hướng sáng tác ca khúc nhạc trẻ viết lời trên nền tiết tấu theo phong cách Rap, Hip hop “đọc” nhiều hơn “hát” với những ca từ hời hợt, nội dung lan man, thậm chí ngây ngô, gây khó hiểu cho người nghe.

Hay như xu hướng sáng tác ca khúc về tình yêu đôi lứa nhưng nội dung thiên về sự đau khổ, mất niềm tin... Sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại internet với nhiều dịch vụ cho phép người nghe có thể dễ dàng tiếp cận các tác phẩm âm nhạc. Thực tế, nhiều người nổi lên nhanh nhờ các sản phẩm trên internet. 

Trong thời đại internet, việc quản lý các ca khúc khiến nhà quản lý gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu đồng tình quan điểm, để nâng cao chất lượng sáng tác, cái quan trọng là tư duy và ý thức của người làm nghề. Cơ quan quản lý thay vì tìm cách đưa ra những giải pháp mang tính hạn chế cần phải có những biện pháp khuyến khích sáng tạo các tác phẩm chất lượng, hấp dẫn, giảm bớt những thủ tục rườm rà khi cấp phép các chương trình nghệ thuật do các đơn vị uy tín thưc hiện.

Có thể thấy, các chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dù đã được quy định trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn kẽ hở để lách luật hoặc quá chặt để làm khó người sáng tạo và đơn vị tổ chức biểu diễn.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với các đơn vị quản lý an ninh mạng ráo riết thanh, kiểm tra các trang web, forum, mạng xã hội và có những chế tài xử lý nghiêm minh. Âm nhạc Việt cần một sự trong lành, thuần khiết. Giới trẻ cần có những món ăn tinh thần đậm giá trị nghệ thuật và nhân văn.

Đọc thêm