Có 'địa chỉ' cụ thể

(PLVN) - Phải có “địa chỉ” cụ thể, ngay văn bản pháp luật, “phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong”. Phải cá thể hóa được trách nhiệm thì nhất định sẽ có chuyển biến.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS).

Tại một cuộc làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS, tạo chuyển biến, tác động tích cực ngay đến thị trường BĐS, không thể cứ họp nhiều nhưng thị trường vẫn như vậy, vướng mắc vẫn như vậy”.

Câu nói trên là một trong những thông điệp, yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Phải nói rằng, điều đó đã góp phần tạo khí thế, tạo niềm tin với nhân dân, với cộng đồng doanh nghiệp và với nhà đầu tư… Đây là một trong nhiều ví dụ về sự quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể của lãnh đạo Chính phủ trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Giải quyết công tâm, minh bạch, khách quan để thúc đẩy nền kinh tế, giải phóng nguồn lực cho xã hội… luôn được nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Cần nhắc lại, năm 2023, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành. Quyết tâm hành động của Chính phủ là “biến nguy thành cơ”.

Để làm được điều này, trong những biện pháp được Chính phủ đưa ra là tập trung tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật...

Và chính những biện pháp này sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong tháng 4 vừa qua. Điều quan trọng nữa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn tập trung xử lý vấn đề mà doanh nghiệp, người dân vẫn thường gọi là căn bệnh “bóng chuyền trách nhiệm”.

Nhận ra tình trạng “chuyền ban”, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn nhằm khắc phục tình trạng “không dám làm, không dám quyết và không dám chịu trách nhiệm”. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây chính là mệnh lệnh trước đòi hỏi, yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cuộc sống.

Phải có “địa chỉ” cụ thể, ngay văn bản pháp luật, “phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong”. Phải cá thể hóa được trách nhiệm thì nhất định sẽ có chuyển biến.

Đọc thêm