Camera giám sát toàn bộ quá trình chấm thi
Hiện là thời điểm các trường huy động tổng lực giáo viên vào công tác chấm thi THPT quốc gia để hoàn thành đúng thời hạn trước ngày 20/7. Hầu hết các trường đại học phía Nam đã chấm xong phần thi trắc nghiệm. Ghi nhận ban đầu, năm nay ít thí sinh đạt điểm cao. Một số hội đồng thi chưa xuất hiện bài có điểm 10.
Với số lượng bài thi lớn, thời gian chấm ngắn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường bảo mật số phách, chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi và đặc biệt là không tiết lộ nội dung bài làm của thí sinh. Thực tế, năm nào dư luận cũng quan tâm tới phản ánh về bài làm của thí sinh bởi có những bài thi hoàn toàn không tập trung vào đề thi mà làm thơ, tâm sự cho hết giờ làm bài gây phản cảm. Tuy nhiên, nhiều giám thị cũng tiết lộ những bài làm hay, có ý tưởng độc đáo, đáng được công bố. Do vậy, việc Bộ không cho tiết lộ thông tin bài thi của thí sinh có thể hạn chế các hành vi phản cảm nhưng đồng thời cũng chặn mất cơ hội thí sinh hay những người quan tâm tới kỳ thi này tiếp cận với cách làm hay, làm mới cần học tập.
Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, đến thời điểm này, Hội đồng thi đã làm phách xong và chính thức chấm thi theo 2 vòng độc lập từ ngày 7/7. Được biết, ĐH Bách khoa Hà Nội đã huy động 125 giám khảo chấm thi với 70 giáo viên Trường ĐH Bách khoa chấm các môn Toán, Ngoại ngữ. Việc chấm các môn Văn, Sử, Địa, trường phải thuê 52 giáo viên THPT của Hà Nội chấm. Các môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT chấm. Theo ông Nguyễn Phong Điền, khả năng đến ngày 15/7, trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho biết, trường đã khai mạc Hội đồng chấm thi từ ngày 6/7. Trường sẽ đảm nhiệm phần chấm các bài thi trắc nghiệm. Riêng với các môn tự luận, do đặc thù đào tạo của trường không có nhiều giảng viên các môn cơ bản nên phải huy động giáo viên của nhiều trường THPT do Sở GD-ĐT phối hợp bố trí.
Nhằm đảm bảo an toàn cao nhất, trường đã phối hợp với lực lượng an ninh giám sát quá trình chấm các môn trắc nghiệm và lắp camera suốt toàn bộ quá trình chấm thi. Với môn tự luận, trường quán triệt thực hiện nghiêm ngặt chấm 2 vòng độc lập và bố trí tổ thư ký gồm khoảng 100 cán bộ của trường có nhiệm vụ so vênh giữa 2 vòng chấm thi để mọi trường hợp vênh điểm trong chấm thi đều được xử lý theo đúng quy chế của Bộ. Nhà trường cho biết, việc chấm thi có thể hoàn thành vào ngày 13/7.
Tại khu vực phía Nam, ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh thuộc trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, toàn bộ bài thi của cụm thi tỉnh Tây Ninh do trường tổ chức đã được chuyển về TP HCM để chấm, trong đó có khoảng 19.000 bài tự luận. Dự kiến tới ngày 15/7, các bài thi sẽ được chấm xong, sau đó sẽ được kiểm dò, ráp phách rồi chuyển dữ liệu cho Bộ GD-ĐT. Hội đồng thi huy động 200 giáo viên chấm thi.
Theo TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), lượng thí sinh dự thi giảm và đề thi phân hóa tốt tạo thuận lợi cho các trường xét tuyển ĐH.
Sẽ không nghẽn mạng như năm ngoái?
Về công tác chấm thi năm nay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý, các trường cần cập nhật phần mềm chấm thi trắc nghiệm mới. Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 có sự thay đổi về quy định làm tròn điểm với bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, các Sở GD-ĐT tuân thủ việc chấm thi hai vòng độc lập, chấm kiểm tra chéo đối với 5% số bài thi, không bỏ sót hồ sơ chấm phúc khảo. Năm nay, Bộ quy định điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (năm 2015, chỉ các môn khoa học tự nhiên có bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên có quy định tương tự, còn bài thi các môn khoa học xã hội phải lệch 1 điểm trở lên thì mới tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo). Quy định mới này thể hiện chủ trương bảo đảm quyền lợi của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng.
Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, với việc ra đề mở, Bộ GD-ĐT cũng xây dựng đáp án mở. Bộ đã tổ chức tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cán bộ chấm thi, yêu cầu cán bộ chấm thi lưu ý chấm những nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng mục tiêu câu hỏi. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho biết, theo quy chế, không có quy định nào về việc cộng điểm thưởng cho những câu trả lời xuất sắc, sáng tạo.
Trước khi công bố kết quả thi, các hội đồng chấm thi phải so sánh giữa kết quả thi lưu tại hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. Đề phòng trường hợp nghẽn mạng khi công bố điểm, Bộ GD-ĐT đã cung cấp thông tin cho tất cả 120 cụm thi trên cả nước để làm nhiệm vụ công bố điểm, tránh sự tập trung lượng truy cập quá lớn vào một vài máy chủ như đã xảy ra vào năm ngoái.