Cô gái chưa một lần đến trường ứng cử tổng thống Mỹ

(PLO) - Victoria Woodhull, một người phụ nữ với những tham vọng chính trị to lớn và một cuộc sống khác thường. Bà đã đi vào lịch sử chính trị Mỹ với tư cách là người phụ nữ đầu tiên ứng cử chức danh Tổng thống Mỹ.
Victoria Woodhull diễn thuyết về quyền bình đẳng giới tại một hội nghị.
Victoria Woodhull diễn thuyết về quyền bình đẳng giới tại một hội nghị.
Ứng cử tổng thống chưa một lần đến trường
Sinh năm 1838, Victoria California Claflin là con thứ 7 trong một gia đình có 10 anh chị em, sống trong một căn lều bằng gỗ đơn sơ tại Homer, Ohio, một thị trấn vùng biên giới nhỏ bé của hạt Licking, Mỹ. 
Victoria chỉ được học hành đầy đủ trong khoảng thời gian từ năm 8 - 11 tuổi. Theo Myra MacPherson, người viết tiểu sử cuối cùng của bà Victoria (cuốn sách viết về bà ấn bản năm 2014), bà tuyên bố rằng chưa từng trải qua một năm nào học hành trong trường. 
MacPherson mô tả về mẹ của bà Victoria, Annie, như một người “nhếch nhác mà bất kỳ ai gặp bà trong giai đoạn cuối đời đều có chung lời nhận xét đó là một người phụ nữ già, cũ kỹ và bẩn thỉu”. Trong khi đó, cha của bà, Buck, thậm chí còn có một lý lịch tồi tệ hơn: một tên trộm, kẻ đánh trẻ con “một kẻ bán thuốc rong chột mắt tự coi mình như một bác sĩ và luật sư”.
Cuộc sống của 6 trong 10 đứa trẻ còn sống sót trong gia đình Victoria giống như địa ngục. Bản thân bà bị cha buộc phải rong ruổi cùng trên một chiếc xe thùng và phải làm việc như một kẻ truyền giáo và người bán rong. 
Victoria kết hôn 3 lần, trong đó lần đầu tiên ngay khi vừa sang tuổi 15. Bà bị cha mẹ đẩy vào tay của Canning Woodhull, một kẻ thô lỗ, nghiện rượu và ma túy. 
Vào khoảng năm 1866, bà kết hôn lần hai với Đại tá James Blood, một anh hùng của cuộc Nội chiến Mỹ, đồng thời là một người theo thuyết duy linh nhiệt thành. Ông này là thành viên của một nhóm những tín đồ tin tưởng vào khả năng giao tiếp với người chết và sự tồn tại của các thiên thần trong đời sống. 
Đại tá Blood cũng đồng thời là một người có quan điểm chính trị, xã hội cấp tiến và tự gọi mình là một “người tình tự do”. Ông khuyến khích Victoria tự học và ủng hộ mối quan tâm đối với nữ quyền. 
Cuộc sống của họ rẽ sang một hướng khác mà chính họ cũng không thể tưởng tượng ra khi còn đang lặn ngụp trong chiếc xe thùng buôn thuốc của người cha. Điều tuyệt vời nhất đó là họ được trỗi dậy mạnh mẽ khỏi hố sâu về tinh thần và thể chất mà họ chịu đựng suốt thời thơ ấu. 
Đặc biệt là với Victoria, bà đã lột xác thành người phụ nữ có một nhiệm vụ thiêng liêng: Đấu tranh kiên quyết và quả cảm cho vị thế của người phụ nữ trong xã hội Mỹ. Bà và người em Tennessee trở thành những phụ nữ xinh đẹp, khiến cả những người từng biết rõ gia đình, cha mẹ cô phải ngỡ ngàng.
Cơ duyên với “người giàu nhất nước Mỹ”
Ở New York, chị em Victoria làm việc như những nhà duy linh, chuyên tổ chức các buổi gọi hồn cho triệu phú ngành đường sắt và vận tải Cornelius Vanderbilt. 
Nhà triệu phụ góa vợ này bị phong trào duy linh lôi kéo mà theo đánh giá của người viết tiểu sử MacPherson, “ông này là một món hời đối với chị em Victoria”. 
Áp phích chiến dịch tranh cử của Victoria Woodhull.
 Áp phích chiến dịch tranh cử của Victoria Woodhull.
Dưới cái bóng của “người đàn ông giàu có nhất nước Mỹ”, năm 1870 Công ty Woodhull và Claflin của chị em Victoria đã được thành lập tại Broad Street, đưa họ trở thành những người phụ nữ đầu tiên làm nghề môi giới chứng khoán và điều hành một công ty môi giới tại Phố Wall. 
Vào ngày khai trương công ty, diện trong những bộ váy bó sát, rất ngắn một cách có tính toán để thu hút con mắt công chúng, chị em nhà Victoria được “hàng nghìn người vây quanh”, MacPherson viết. Còn báo chí tôn vinh họ là “những nữ hoàng tài chính” và “những người môi giới quyến rũ”.
Sử dụng tiền kiếm được từ hoạt động môi giới chứng khoán, hai chị em, ngay trong năm 1870 đã thành lập một tờ báo có tư tưởng cấp tiến, tuần báo “Woodhull & Claflin’s Weekly”. Sang năm kế tiếp, Victoria đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh tại Hiệp hội Lao động quốc tế Karl Marx. Tuần báo trên, hoạt động trong vòng 6 năm.
Năm 1872, bà Victoria quyết định mạo hiểm mở đường cho nữ giới bước vào chính trường và đặc biệt là vào Nhà Trắng, điều mà không người phụ nữ nào trước bà dám “liều mình”. 
Một điều thú vị nữa đó là những gì bà Victoria làm diễn ra gần nửa thế kỷ trước khi Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 19 trao cho phụ nữ quyền được bầu cử vào năm 1920. Việc Victoria tuyên bố sẽ chạy đua chức Tổng thống Mỹ cho thấy ở bà một sự ham thích đối mặt với thử thách mà không phụ nữ nào trước đó từng dám làm. 
Triết lý của bà là xây dựng một xã hội tự do, nơi chính phủ đưa ra luật đảm bảo quyền của mỗi cá nhân, bất kể đó là đàn ông hay phụ nữ, da trắng hay da đen, để họ “được theo đuổi hạnh phúc mà họ lựa chọn”. 
Để chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ, bà triển khai chiến dịch tranh cử vì “tình yêu tự do”, một khẩu hiệu rất khác lạ. Victoria phản đối cái mà bà gọi là “sự nô dịch về tình dục”, một tiêu chuẩn kép cho phép những ông chồng “ăn chả” nhưng lại bêu xấu và lên án khi các bà vợ “ăn nem”.
Trong một ý tưởng rất táo bạo, bà tuyên bố ủng hộ việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Trong một bài diễn thuyết tại Steinway Hall ở New York, bà nói: “Một quyền không thể chuyển nhượng, quyền được Hiến pháp Mỹ thừa nhận, một quyền tự nhiên đó là được yêu người tôi có thể yêu, yêu chừng nào tôi muốn và thay đổi tình yêu mỗi ngày nếu tôi thích như vậy”.
Vào ngày 2/11/1872, ba ngày trước ngày bầu cử, chị em Victoria đăng trên tuần báo của mình câu chuyện chi tiết về hoạt động ngoại tình của Henry Ward Beecher, một vị mục sư có uy tín tại Brooklyn. Bà giải thích rằng điều nhắm tới không phải là bản thân hành động ngoại tình của Beecher mà chính là sự giả dối của ông ta.
Sau đó, bà và người em gái, cùng Đại tá Blood, người đã viết rất nhiều bài trên tuần báo “Victoria&Claflin”, đều bị bắt giữ với cáo buộc đăng tải “những điều không đúng đắn trên một tờ báo khiêu dâm”. 
Không ai trong số họ bị phán quyết có tội, nhưng danh tiếng của Victoria một lần nữa bị vùi dập. Tất nhiên, Harriet Beecher Stowe (Nữ văn sĩ tác giả quyển Túp lều của bác Tom, em gái của mục sư Henry), một người nhà của nghị sĩ Beecher không bỏ lỡ cơ hội này và gọi bà là “một con phù thủy vô liêm sỉ”, “một kẻ vào tù ra tội đáng ghê tởm”.
(Còn tiếp)

Đọc thêm