Nguyên Chánh án TAQS TW hiến kế xử án Dân kiện quan

(PLO) - Trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều về việc giao thẩm quyền giải quyết khiếu kiện Quyết định hành chính của UBND huyện cho tòa cấp huyện,  trong phiên thảo luận về Dự án Luật Tố Tụng Hành chính, ông Trần Văn Độ - Nguyên  Chánh án TAQS TW đã đưa ra những quan điểm của riêng mình về việc xét xử loại án Dân kiện quan.
Nguyên Chánh án TAQS TW hiến kế xử án Dân kiện quan
Theo nhận định của ông Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TAND TC – Nguyên Chánh án TAQS TW, thủ tục xét xử các vụ án hành chính là thủ tục các vụ án về tố tụng tư pháp, đặc biệt là đối với các vụ án chúng ta hay nói là "dân kiện quan". Cho nên trong những vụ án này, về địa vị, người dân vào thế yếu. 
Trong các vụ án hàn chính, thông thường người dân không vi phạm, nhưng khả năng vi phạm từ phía người có thẩm quyền. Người dân khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, cho nên khác với các tố tụng tư pháp khác, cần phải nghiên cứu để có một thủ tục tố tụng ủng hộ những người yếu thế trong xã hội. 
“Về việc có quy định thẩm quyền của Tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ không? Tôi cho rằng cần phải quy định thẩm quyền của tòa án đối với các khởi kiện của người cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với loại việc này.” - ông nói
Theo phân tích của ông: “Các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ không đơn thuần là chỉ đạo, điều hành mà rất nhiều quyết định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Như vậy, khi người ta khiếu kiện có một cơ chế. Cơ chế hiện nay là giải quyết theo con đường khiếu nại, mà khiếu nại thì thủ trưởng quyết định, thủ trưởng giải quyết, rồi thủ trưởng cấp trên giải quyết, cơ chế đó là vừa đá bóng, vừa thổi còi."
“Tôi nghĩ thẩm quyền này nếu chúng ta giao cho tòa án thì tòa án bằng thủ tục tư pháp rất minh bạch, rất công khai, bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người khởi kiện thì hiệu quả của việc giải quyết này sẽ tốt hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của công dân.” – ông khẳng định. 
Phân tích ý kiến của các ĐBQH về hai luồng ý kiến khác nhau liên quan đến thẩm quyền của TAND cấp huyện, ông nói:
“Trong nhiều năm qua, đặc biệt ngay 3 năm vừa rồi khi giao thủ tục tố tụng hành chính mới thì án hành chính bị sửa, bị hủy vẫn rất cao. Bị hủy hàng năm đến 45% và không giảm. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ không phải thuộc năng lực của thẩm phán cấp huyện mà việc quan trọng ở đây là áp lực cho thẩm phán khi giải quyết các vụ án đối với khiếu kiện, đối với người lãnh đạo các cấp của cấp huyện, của cấp tỉnh.
Nếu quyết định giao các án đó thuộc thẩm quyền cấp huyện cho cấp tỉnh, vậy án thuộc cấp tỉnh giải quyết giao cho ai? Rõ ràng không thể làm được vấn đề đó. 
Tôi cũng đã đề nghị ý kiến này khi thảo luận và ban hành Luật tố tụng hành chính năm 2010 nhưng không được chấp nhận. Tôi đề nghị đối với Tòa án hành chính, nên giao quyết định, giao thẩm quyền chéo. Tức là thẩm quyền của Tòa án huyện này giải quyết khiếu kiện hành chính đối với huyện kia. 
Nguyên đơn huyện này có quyền lựa chọn một tòa án huyện khác trong phạm vi tỉnh đó để khởi kiện. Như vậy, chúng ta vẫn mở rộng được thẩm quyền của tòa án cấp huyện, đồng thời tránh được áp lực không cần thiết và đảm bảo sự độc lập của thẩm phán."
Phản ứng lại một số ý kiến cho rằng nếu quy định vẫn thẩm quyền cấp huyện, thẩm quyền cấp tỉnh thì chúng ta sẽ làm gì để nâng cao được bản lĩnh và thẩm phán, ông nói:
“Chúng ta nâng cao bản lĩnh lúc nào trong khi áp lực về tổ chức cán bộ, áp lực về tái bổ nhiệm v.v... vẫn của thường vụ, của lãnh đạo các huyện, tỉnh đó? Cho nên tôi nghĩ chúng ta phải giao thẩm quyền chéo và người khởi kiện có quyền lựa chọn để khởi kiện và làm thế nào để phạm vi đi lại không lớn, không rộng. Có như vậy chúng ta mới tạo ra một cơ chế và Hiến pháp đã quy định rồi là thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng nếu các luật cụ thể, các Luật tố tụng cụ thể mà không có những cơ chế để đảm bảo cho sự độc lập đó thì quy định của Hiến pháp chỉ nằm trên giấy.”
“Tôi đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo phải xem xét lại thủ tục đối với án hành chính thì nên chăng chúng ta quy định thẩm quyền chéo, tức là án của huyện này, khởi kiện của huyện này thì có thể khởi kiện ở huyện khác, của tỉnh này có thể khởi kiện ở tỉnh khác. Có như vậy thì thẩm phán mới tránh được áp lực và đảm bảo được khách quan, đảm bảo sự độc lập của mình trong phát quyết của mình.” – thêm một lần nữa ông khẳng định quan điểm của mình.

Đọc thêm