“Cô gái lạ” trong làng nhạc Việt

(PLO) -Gọi “cô gái lạ” trong làng nhạc Việt bởi Lê Cát Trọng Lý như người làm nghề vừa quyết liệt vừa lơ đãng, vừa tự tin vừa như thoáng chút e dè, thận trọng, vừa đứng ở trong vừa như đứng ngoài thị trường giải trí. Cô chẳng màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz. 
“Cô gái lạ” trong làng nhạc Việt
Hồn nhiên hát trên đồng ruộng
Tự đàn, tự hát ca khúc mình sáng tác là sở thích của cô gái có khuôn mặt thánh thiện. Đoạt giải ba cuộc thi “Hát cho niềm đam mê” năm 2007, cái tên Lê Cát Trọng Lý nhanh chóng được truyền thông chú ý vì yếu tố lạ. Một cô gái nhỏ nhắn, một giọng hát trong trẻo, nhẹ như không, phong cách hồn nhiên, tươi mới với cây đàn để hát những sáng tác… “già như bà cụ non” của mình. 
Vừa đi học Trường Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, vừa sáng tác, từng đêm Lý miệt mài đi hát tại các quán cà phê để trang trải cuộc sống. Cần mẫn như chú ong thợ góp nhặt khán giả và kiếm tìm cơ hội vươn lên. Ca khúc “Chênh vênh” giành hàng loạt giải thưởng tại chương trình Bài hát Việt 2008 và tác giả của nó được xướng tên “Nhạc sĩ trẻ triển vọng” là bước đệm lớn để cái tên Lê Cát Trọng Lý lan tỏa tới những người yêu nhạc. 
Lý hát cho bà con nghe.
Lý hát cho bà con nghe. 
Sở dĩ, mọi người gọi Lý (lúc ấy chỉ đôi mươi) là “bà cụ non” bởi người người tìm nghe “Chênh vênh” để chia sẻ cùng cô những xúc cảm rất đàn bà, và ngỡ ngàng, không hiểu vì sao một cô gái còn rất trẻ lại có thể viết ra những ca từ như “Thương anh em lội sông sâu. Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc. Còn chần chờ chi hỡi anh. Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh”. 
Phần lớn ca khúc của Lý là những câu chuyện kể chậm rãi, nhiều giằng xé, đòi hỏi cả người hát lẫn người nghe phải dành nhiều tâm sức hơn để hát và để cảm. Một chuyên gia âm nhạc nhận định: “Ca từ và giai điệu Trọng Lý viết ra hiền triết trước tuổi, thiền, lạnh, xa, bế tắc, mượt mà, lục cục và êm êm…, như nản, như xoáy, như tiếng tụng kinh, như tiếng than thở, như tiếng kể chuyện cổ tích rù rì thăm thẳm… nhưng lại rất sang trọng, du dương. Đó là những khúc đồng dao bơ vơ, xoáy vào nỗi cô đơn của người nghe”.
Chỉ với cây đàn ghita, Lý xây dựng phong cách riêng cho bản thân -  làm người kể chuyện trên sân khấu. Sân khấu các chương trình của Lê Cát Trọng Lý luôn tối giản, hiếm khi được trang trí đèn chớp, hậu cảnh, đạo cụ, mà vẫn “đốn tim” người thưởng thức. Trước mỗi ca khúc, cô luôn dành thời gian để trò chuyện cùng khán giả, về nền tảng phía sau bài hát, những xúc cảm mình gửi gắm trong đó. Khán giả như “cảm” ca khúc ấy rồi cùng cô rong ruổi mạch nguồn sâu lắng. 
So với các ca sĩ đồng trang lứa, Lý là “món lạ” trên “bàn tiệc” âm nhạc, khó có người thứ hai. Lý luôn giản dị, mộc mạc cả trong âm nhạc, phát ngôn lẫn hình thức bên ngoài. Trong khi các ca sĩ trẻ mặc những trang phục hàng hiệu giá hàng nghìn USD, nhảy múa, uốn éo các bài hát xập xình với những phát ngôn gây sốc thì Lý lại mặc áo sơ mi, quần bò lên sân khấu, lặng lẽ ôm cây đàn hát những bài đầy tự sự.
Lý chọn cho mình lối đi riêng, khác lạ, đầy cá tính. Lý thích những trải nghiệm mới mẻ. Cô gái nhỏ bé ấy vừa thực hiện chuyến “Vui tour” kéo dài vài tháng. Với cây đàn ghita, Lý đã “chu du” khắp chiều dài đất nước để hát miễn phí cho mọi người.
Lý hồn nhiên biểu diễn tặng những người nông dân Ninh Bình trên cánh đồng thơm ngát hương lúa. Các khán giả đặc biệt này ngẩn người nghe. Họ rất ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ trẻ như Lê Cát Trọng Lý lại chủ động đưa âm nhạc đến với họ. “Cô gái lạ” ấy dường như làm cho tâm hồn của người nông dân thêm niềm vui qua tiếng hát trong trẻo. Các em nhỏ khuyết tật cũng dường như bị cuốn hút vào thế giới âm nhạc mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa của Lê Cát Trọng Lý. 
Dưới ánh đèn điện, cô cầm ghita và tung tẩy hát giữa không gian vắng lặng của ngôi chùa Huế. Khi đặt chân đến Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), dù trời lạnh nhưng cô vẫn ngồi ôm đàn bên bờ suối và hát véo von cho các em nhỏ nơi đây. Ở ngoài phố Hà thành, không ít người còn ngồi bệt trên hè đường và im lặng lắng nghe tiếng hát của nghệ sĩ mà họ yêu mến. Phong cách du ca và mộc mạc ấy đã mang lại cho khán giả một cảm giác gần gũi giản dị nhất. Được hát miễn phí tặng mọi người, với Lý, đó là những khoảnh khắc đẹp trong đời nghệ sĩ. 
Không màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz
Phong cách giản dị với những ca khúc đầy triết lý, có người lo cho Lý dễ bị “đứng bên lề” các sự kiện âm nhạc, giải trí. Điều này chẳng làm “cô gái lạ” lo ngại: “Lý nghĩ trong một bầu âm nhạc nhiều màu sắc như hiện nay, người ta có nhiều sự lựa chọn ở mỗi thời điểm khác nhau. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là làm việc, sáng tạo và biết trân trọng công việc cũng như sự ủng hộ của những người yêu mến mình”.
Cô chẳng màng tới những hào nhoáng hay rối ren showbiz. Lý không bao giờ coi mình là “sao”, càng không bao giờ có thái độ “chảnh” với bất kỳ ai. Cô luôn tự nhủ ca sĩ hay nhạc sĩ cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác. “Đó là công việc của Lý. Lý yêu công việc và biết ơn nghề nghiệp của mình. Lý có ý thức về việc làm nhạc đàng hoàng, tử tế” - cô nhỏ nhẹ.
Lê Cát Trọng Lý không cho phép mình đi vào lối mòn. Với dòng chảy sáng tạo, Lý chỉ mất khoảng 1 tháng để viết 6 tác phẩm: “Con rồng cháu tiên”, “Sơn Tinh”, “Phù Đổng Thiên Vương”, “Chử Đồng Tử”, “Bà Chúa Liễu” và “Câu chuyện về Bà Chúa Xứ”. Những tác phẩm này có thể xem là một hướng đi rất khác với “chất” dân gian đương đại quen thuộc với Lý, bởi nó là world music. Khán giả có thể bất ngờ khi thấy Lý “đa sắc màu”.
Lý luôn cẩn trọng với những sản phẩm âm nhạc của mình, thực hiện nó với một trái tim chân thành, sáng tạo và phong cách chuyên nghiệp. Bởi vậy mà, cá tính âm nhạc của “cô gái lạ” luôn nhận được sự trân trọng từ giới chuyên môn và khán giả. Và đó chính là “sức sống” giúp Lê Cát Trọng Lý đứng ngoài mọi thị phi ở showbiz và luôn giữ được chất “lạ” của mình trong làng âm nhạc Việt.