Những hình ảnh phản cảm khác
Hàng nghìn mét vuông hoa cảnh được trồng, tạo hình và chăm sóc cẩn trọng để phục vụ nhân dân thưởng lãm nhân dịp tết Dương lịch 2016 vừa qua đã tan nát chỉ sau vài tiếng chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp của dòng người đổ về hồ Gươm tạo dáng chụp ảnh, xem ca nhạc đón chào năm mới. Sửng sốt, bàng hoàng là cảm giác khi chứng kiến vườn hoa đẹp đã bị “san phẳng” sau đêm giao thừa. Chị Hà, nhân viên Công ty Thảo Viên Xanh than: “Không thể ngờ được những luống hoa rất đẹp chúng tôi phải chăm chút, nâng niu hàng tháng trời mới có được đã bị người ta phá tan hoang chỉ sau một đêm”.
Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản được tổ chức ở Hà Nội cũng đã xảy ra tình trạng tranh cướp và bẻ hoa khiến những người Nhật Bản và những người Việt Nam có lòng tự trọng trông thấy bị tổn thương. Chưa nói để mang được những cây anh đào còn nguyên hoa sang Việt Nam là cả một kỳ công. Nhìn những người Nhật thất vọng trước những cây anh đào tan tác đủ hiểu họ nghĩ gì về văn hóa của người Việt Nam.
Thung lũng hoa ở hồ Tây sau ba ngày mở cửa miễn phí phải vội vàng đóng cửa, dù dự định ban đầu là mở cửa một tuần, bởi thung lũng hoa đã chết rạp bởi chính những người đến thưởng hoa phá nát. Anh Bùi Mạnh Hiếu, chủ nhân của thung lũng hoa buồn rầu cho biết: “Có làm đường đi dành riêng cho khách ngắm hoa, có biển báo và có cả bảo vệ đứng nhắc nhở nhưng khách vẫn cứ cố tình giẫm lên hoa”…
Từ lâu, tham gia giao thông ở Hà Nội không khó khăn để chứng kiến cảnh khạc nhổ thoải mái của những người thiếu ý thức khi đi bộ trên vỉa hè, đang lái xe trên đường, đứng chờ xe buýt… Khi thực hiện thói quen xấu này, nhiều người không thèm quan sát trước sau và hậu quả là có người bỗng dưng trở thành nạn nhân của hành vi kém văn minh này. Đi kèm với khạc nhổ là xả rác, sau mỗi dịp lễ hội, Hà Nội không khác gì một bãi chiến trường của rác bẩn, rác xuất hiện mọi nơi, từ lòng đường cho tới vỉa hè, bãi cỏ, ghế đá và thậm chí là cả trên những cành cây.
Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng ở Hà thành, nhiều người cũng không tha. Họ trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa ở Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Họ còn khắc tên nham nhở tại di tích cổ kính như tháp Hòa Phong và tháp Bút...
Vào nhà hát, tới các rạp chiếu phim, không thiếu cảnh bã kẹo cao su dính khắp nơi, rác xả bừa bãi. Không tuân thủ xếp hàng, sự việc lộn xộn ở nơi tính tiền tại siêu thị, chọn món ở quán thức ăn nhanh, mua vé xem phim, chọn món ăn ở tiệc buffet, nhận một món quà khuyến mại… đều là sản phẩm của sự thiếu ý thức mà ra.
Hành vi xấu phản ánh ý thức tồi
Cùng với nhịp sống ngày càng sôi động và bề bộn, những lời than phiền, cảnh báo, lo ngại về lối ứng xử của một bộ phận người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng hiện nay cũng ngày một nhiều hơn. Chính sự xuống cấp ấy đang gây nên những xáo trộn không nhỏ các chuẩn mực văn hóa trong xã hội. Hệ quả là đạo đức xã hội xuống cấp, phong tục tập quán không còn được coi trọng. Khi “bệnh” thiếu văn hóa, thiếu ý thức lan rộng có nghĩa tính nhân văn của con người sẽ giảm đi và như thế gây ra hậu quả khó lường đối với xã hội.
Mỗi hành vi, mỗi tật xấu nơi công cộng thể hiện ý thức văn hóa, văn minh của mỗi con người. Những hành vi nhỏ nhưng tạo nên thói quen lâu dần trở thành tính cách, nhân cách của mỗi cá nhân. Sống đẹp nơi công cộng chính là thể hiện sự hiểu biết, văn minh của chính mình. Nó còn là sự tôn trọng của mình đối với người khác, tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân.
Câu chuyệu thiếu ý thức vẫn luôn là một vấn đề nan giải chưa có hướng giải quyết. Trong lúc ngành chức năng đang nghiên cứu xử phạt, bộ mặt Hà thành đã và đang ngày càng trở nên nhếch nhác, biến dạng bởi những người vô ý thức.