Cô gái trẻ mang “hương vị Việt Nam” ra toàn cầu

(PLVN) - 22 tuổi bước chân vào thương trường. Từ một cô gái không có chút kinh nghiệm gì về “hương vị” nhưng chưa đầy 10 năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền đã đưa những sản phẩm quế, hồi organic mang thương hiệu Vinasamex đi khắp thế giới...
TGĐ Nguyễn Thị Huyền tích cực mang quế, hồi Việt Nam ra thị trường quốc tế

Yêu… quế, hồi từ lần gặp đầu tiên

Sinh năm 1989, trong một gia đình có truyền thống buôn bán ở Hải Dương, máu kinh doanh ngấm vào Huyền như một điều rất tự nhiên khi cô tỏ ra có năng khiếu kinh doanh từ nhỏ. Cứ tưởng cuộc đời sẽ gắn bó với kinh doanh, nhưng ra trường Huyền lại đột ngột xin vào làm việc tại một công ty chuyên về xuất khẩu lao động khiến gia đình ngỡ ngàng…

Tuy nhiên, như một nhân duyên trời định, chỉ sau hơn 1 tháng làm việc, Huyền được mời sang công ty xuất khẩu quế hồi. Huyền kể lại, ngày đầu tiên đi làm (năm 2011) là ngày đầu tiên Huyền dẫn khách hàng Ấn Độ lên thăm rừng hồi. Cảm giác của cô gái trẻ lần đầu leo rừng núi, lần đầu dẫn khách nước ngoài đi tìm hiểu một sản phẩm của Việt Nam, lần đầu thấy một vùng chỉ toàn hồi là hồi…. rất khó tả. 

Một điều gì đó như là yêu, cô bị cuốn hút bởi mùi hương của quế, của hồi… Đặc biệt hơn, Huyền biết rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên toàn thế giới có cây quế và cũng chỉ có 2 nước có thể trồng cây hồi. Đó chính là nguồn cảm hứng khiến Huyền yêu thích và muốn gắn bó với loại cây gia vị này và muốn đưa hương vị độc đáo này ra với thế giới. 

Gắn bó với công việc của một nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và quản lý hơn 1 năm thì năm 2012, Huyền được đề đạt làm Tổng Giám đốc (TGĐ) khi công ty cần tìm hướng đi mới. Công việc bận rộn hơn nhưng lại trở thành “sợi chỉ” kết nối TGĐ với Chủ tịch HĐQT “về một nhà” vào năm 2013. Huyền kể, thật ra chồng Huyền, anh Nguyễn Quế Anh mới là người “nhìn thấy tiềm năng” của quế, hồi và truyền cho Huyền niềm cảm hứng và khao khát tìm ra cho bà con nông dân một con đường xuất khẩu không bị phụ thuộc vào 1 nước duy nhất. 

Sau 7 năm Huyền giữ vị trí CEO, Vinasamex đã nhận được nhiều chứng chỉ quốc tế có giá trị toàn cầu cho những sản phẩm của mình, đặc biệt là có cả những chứng chỉ là “giấy thông hành” cho Vinasamex đi khắp châu Âu - là những thị trường khó tính nhất thế giới. Hiện Vinasamex đã hợp tác với 1.000 hộ gia đình có vùng nguyên liệu hữu cơ với diện tích gần 1.000ha. Ngoài ra, còn thu mua từ khoảng 5.000 hộ trồng sản phẩm thường. Vinasamex xuất khẩu đi nhiều nước nhưng châu Âu là chủ yếu khi chiếm 60%. 

Huyền khiêm tốn chia sẻ, đến ngày hôm nay, tuy không phải là công ty lớn, nhưng những gì Vinasamex có được là sự uy tín và thương hiệu tầm quốc tế. “Điều quan trọng nhất, tôi cảm thấy sự cố gắng cũng như kiên định của mình là đúng đắn” - Huyền tâm sự. Chắc hẳn cô gái ấy đang nghĩ lại những ngày khó khăn thuở mới vào nghề…

Bỏ việc dễ, chọn việc khó…

Huyền kể lại, khi sản lượng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, Bangladesh đang rất tốt thì có một năm, giá quế hồi rớt mạnh, chỉ còn lại 1/3. Bao nhiêu quế hồi mà bà con nông dân đã thu hoạch bị đình lại, không thể xuất khẩu. Thiệt hại không thể kể hết. Cùng lúc đó, sau nhiều chuyến trực tiếp tham gia các cuộc xúc tiến thương mại, Huyền nhận ra, không chỉ châu Á mới thích gia vị, các nước châu Âu, châu Mỹ cũng rất mê gia vị quế, hồi của Việt Nam nhưng đây là những thị trường khó tính, không thay đổi không thể bước vào.  

Cô và chồng quyết định đầu tư chuyên sâu hơn, đi theo hướng khó hơn những gì mà cô vẫn làm. Thời điểm quyết định thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, quyết định lựa chọn thị trường khó tính… không ít người quen biết cho rằng cô… có vấn đề. Nhưng bỏ qua những nghi ngờ, lo ngại, hai vợ chồng Huyền vẫn quyết tâm dốc toàn lực đầu tư để nâng cao giá trị của sản phẩm quế, hồi với niềm tin kiên định “Phải làm tốt từ gốc thì giá trị mới bền vững. Và thị trường khó tính mới là thị trường tiềm năng”. 

Khu sơ chế quế, hồi của Vinasamex

Một triệu USD được bỏ ra, cùng với sự giúp sức của nhiều tổ chức phi chính phủ, một số chính quyền địa phương nơi Vinasamex xây dựng vùng nguyên liệu để bắt tay vào công việc khó nhằn hơn…  Nhưng Huyền không thể ngờ, con đường ấy lại khó khăn đến thế. Chị tâm sự, ngày bắt tay vào làm chứng nhận hữu cơ là thời điểm khái niệm này còn tương đối mới ở Việt Nam, rất ít tài liệu về loại chứng nhận này có thể tìm kiếm. 

“Việc quyết định làm hữu cơ như một thách thức lớn, vì phải đầu tư thời gian, nhân sự và chi phí để xây dựng hệ thống nhà máy, hệ thống quản lý, chuỗi giá trị, đào tạo người nông dân, chi phí trả cho đánh giá cấp chứng nhận... Đặc biệt, phải chấp nhận một thực tế rằng, nếu không đạt thì toàn bộ chi phí công sức bỏ ra mấy năm trời coi như công cốc và cơ hội đến những thị trường cao cấp lại càng xa vời” - Huyền nhớ lại.

Dù thế, Huyền vẫn quyết định liều. Cô còn khiến mọi người ngỡ ngàng hơn khi không làm diện tích nhỏ, không phải chỉ cho 1 sản phẩm, không phải giới hạn làm thử một vài hộ nông dân, người phụ nữ ấy quyết định làm với gần nghìn hộ, diện tích gần nghìn ha và làm cho cả 2 sản phẩm quế và hồi cùng lúc.

Và cuối cùng, sự cố gắng, nỗ lực của Huyền đã được đền đáp. Đặc biệt hơn, Vinasamex đã nhận được chứng chỉ FOR LIFE (một dạng chứng nhận thương mại công bằng, thể hiện các giá trị bên trong chuỗi sản phẩm không chỉ kinh doanh đơn thuần mà còn có ý thức với các hoạt động có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng), mở ra một trang mới cho các sản phẩm quế, hồi Việt Nam.

Mang “Việt Nam” ra thế giới

Sản phẩm đã được công nhận, nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn khi việc tìm đầu ra lại không hề dễ dàng. Huyền kể lại, tìm mãi mới được vài khách, thế nhưng khi chào giá, họ còn chưa tin tưởng vì là công ty mới. Có khách có nhu cầu thì họ so sánh giá công ty này công ty kia, thậm chí có đơn vị trả giá từng 5 USD một.

“Lúc này, cả công ty lại càng phải cố gắng, nỗ lực gấp 2, gấp 3 bình thường. Chúng tôi liên tục dẫn khách vượt đồi, vượt núi đến tận nơi tham quan vùng nguyên liệu sạch, nơi chế biến đảm bảo chất lượng. Vì lệch múi giờ nên chuyện tư vấn cho khách hàng đến 2, 3 giờ sáng là bình thường”, chị Huyền cho biết.

Rồi những ngày đóng những container hàng đầu tiên xuất đi cũng khiến cô gái này nhớ mãi. Huyền kể, hôm đó trời mưa to, mọi người tiến hành đóng hàng từ trưa đến 1h sáng mới xong. Đóng xong rồi nhưng không tính toán được diện tích nên không đóng hết 16 tấn hàng. Lại phải lôi hết tất cả ra đóng lại, xoay lại các kiểu cho vừa thì thôi…

Đến nay, mỗi ngày, Vinasamex xuất đi vài tấn sản phẩm tới nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Thậm chí, có công ty ở Ðức sẵn sàng trả giá cao hơn (từ 1-5%) cho những sản phẩm của Vinasamex so với giá ban đầu khi họ hiểu được cách thức mà Vinasamex đã làm ra sản phẩm cùng những giá trị mang lại cho người nông dân. 

Đó là những giá trị không thể đong đếm được mà cô gái nhỏ bé này đã nhận được sau nhiều năm lăn lộn cùng cây quế, cây hồi ở những vùng núi cao, đồng hành cùng với những người nông dân vốn không biết quế, hồi dùng để làm gì, có tác dụng như thế nào. 

Huyền chia sẻ: “Vinasamex không chỉ là thương hiệu mà tôi cố gắng xây dựng cho riêng mình. Tôi muốn khi nhìn vào những sản phẩm của Vinasamex, khách hàng sẽ thấy được thương hiệu của cả đất nước Việt Nam. Và khách hàng quốc tế phải đánh giá cao sản phẩm, đánh giá cao những giá trị mà người Việt đã gửi gắm qua sản phẩm, phải thấy được Việt Nam đã thay đổi nhiều, để bắt kịp với xu hướng kinh doanh toàn cầu” - cô gái trẻ vừa tròn 30 tuổi quả quyết.  

Đọc thêm