Trong Dự thảo Luật khiếu nại đang được lấy ý kiến nhân dân không có quy định về vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại đông người. Có ý kiến cho rằng, nếu luật quy định về việc giải quyết khiếu nại đông người là mặc nhiên thừa nhận việc khiếu nại đông người. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các phần tử cơ hội lôi kéo, xúi giục, kích động việc khiếu kiện đông người, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, để pháp luật phát huy được vai trò điều chỉnh hành vi của các chủ thể, đưa các quan hệ xã hội vào nền nếp thì các quy định của pháp luật phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tế và phù hợp với thực tế cuộc sống.
Để đạt được điều đó, các nhà làm luật cần biết tôn trọng, ghi nhận thực tế khách quan của xã hội. Người ta ví von rằng, để nhốt con chim thì phải làm cái chuồng chim chứ không thể làm chuồng trâu. Ngược lại, để nhốt con trâu thì phải làm chuồng trâu chứ không thể cố tìm cách biến con trâu thành con chim để làm chuồng chim cho đỡ tốn kém.
Mặc dù Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành không quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đông người (tức là không thừa nhận, không cho phép việc khiếu nại đông người) nhưng trên thực tế trong những năm qua tình trạng khiếu nại đông người xẩy ra khá phổ biến.
Do luật không quy định thủ tục giải quyết khiếu nại đông người nên đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải mất nhiều thời gian hướng dẫn những người khiếu nại tập thể tách đơn để giải quyết bằng những vụ riêng lẻ.
Thực tế cho thấy, có trường hợp nhiều người làm đơn khiếu nại tập thể nhưng quyền và lợi ích của họ bị tác động bởi những quyết định hành chính, hành vi hành chính độc lập ở những thời điểm khác nhau, không có liên quan với nhau; mục đích viết chung đơn khiếu nại là để “hợp lực” tạo ra áp lực đối với cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp việc khiếu nại đông người là do cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành một quyết định hành chính hoặc thực hiện một hành vi hành chính tác động một lúc đến quyền, lợi ích của nhiều người. Chẳng hạn như để giảm bớt thủ tục, giấy tờ khi thực hiện việc thu hồi đất để xây dựng các công trình, các cơ quan có thẩm quyền thường ban hành chung một quyết định kèm theo danh sách họ tên, diện tích đất thu hồi, số tiền bồi thường, hỗ trợ cho tất cả những chủ thể sử dụng đất tại khu vực đó.
Như vậy, ở trường hợp này quyền và lợi ích của những người này phát sinh trong cùng một quan hệ pháp luật (cùng một chủ thể thực hiện một hành vi pháp lý - thu hồi đất). Trong các trường hợp này, nếu giải quyết khiếu nại chung trong cùng một vụ việc sẽ vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cho cơ quan giải quyết vừa bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người cùng khiếu nại.
Mặt khác, trong pháp luật tố tụng cũng cho phép đồng nguyên đơn cùng khởi kiện và việc nhập vụ án với mục đích hướng đến là sự thuận lợi và bảo đảm khách quan, đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án. Do đó, không nên lo ngại các phần tử cơ hội kích động, xúi giục người dân mà né tránh không quy định thủ tục giải quyết khiếu nại đông người. Điều quan trọng là cần có quy định cụ thể các căn cứ để áp dụng thủ tục giải quyết khiếu nại đông người.
Phạm Thái Quý