Đặc biệt, cô là một trong những người xuất sắc với nhiều sáng kiến tuyên truyền pháp luật và biện pháp giáo dục học sinh “cá biệt”, góp phần rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống, cũng như phát triển hoàn thiện nhân cách cho các em.
|
Cô giáo Bùi Thị Minh Hương. |
“Mềm hóa” các kiến thức pháp luật trong nhà trường
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 2003, cô giáo Bùi Thị Minh Hương (SN 1980) mang trong mình đam mê giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân tại Trường THPT Can Lộc, thấm thoát đến nay gần 20 năm gắn bó.
Suốt thời gian công tác, cô Hương được đánh giá luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin yêu, nể phục của đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Để có được kết quả đó, dù công việc có lúc gặp nhiều khó khăn, cô Hương luôn tìm kiếm cơ hội học tập để hoàn thiện mình về chuyên môn, kỹ năng truyền thụ.
Cô Hương cho biết, việc lồng ghép các buổi học về tuyên truyền pháp luật trong trường phổ thông không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng một số nơi vẫn chưa quan tâm. Với cô, may mắn, cũng là cơ duyên, là một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, vì vậy được tiếp cận với kiến thức pháp luật thường xuyên; sách báo tài liệu liên quan đến pháp luật. Từ ngày về trường đến nay, cô được giao phụ trách tuyên truyền phổ biến pháp luật của trường. Với tư cách Tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa - Giáo dục công dân của Trường, Bí thư Chi bộ 3, đồng thời là thành viên Ban Pháp chế của Trường; hàng tháng, hàng quý cô Hương trực tiếp xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật tại Trường từ các tài liệu mà Sở Tư pháp phối hợp Sở GD&ĐT cập nhật chuyển về.
Nói về bí quyết giúp học sinh hứng khởi mỗi khi tham gia tiết học pháp luật học đường, cô Hương nói: “Mình phải tìm hiểu hoàn cảnh cũng như đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi để có hình thức truyền thụ phù hợp, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đồng thời phải chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Để tạo được hứng thú học tập của các em, trong quá trình giảng dạy cùng với nhóm chuyên môn, cần trực tiếp tổ chức hoạt động trải nghiệm, lồng ghép linh hoạt. Các biện pháp này giúp các em thoát khỏi khô khan từ các điều luật”.
Cô Hương đưa ra ví dụ cụ thể, cũng nhờ đó cô giành được giải Nhất giải pháp tham gia Cuộc thi “An toàn giao thông (ATGT) cho nụ cười ngày mai”. Đó là vào năm học 2021 - 2022, cô nghiên cứu vận dụng giải pháp: “Tổ chức hoạt động trải nghiệm “ATGT cho nụ cười ngày mai” qua nội dung hệ thống biển báo, cách đi xe đạp và xe đạp điện an toàn” tại Trường THPT Can Lộc, xã Kim Song Trường.
|
Trường THPT Can Lộc phối hợp Cảnh sát giao thông tuyên truyền giáo dục luật giao thông cho học sinh. |
Sau khi dạy thử nghiệm bằng hình thức hoạt động trải nghiệm, cô phát phiếu khảo sát cho 450/954 học sinh toàn trường về mức độ hứng thú học tập và hiểu biết pháp luật ATGT. Kết quả thu được 401/450 em thích thú và mong muốn tham gia hoạt động trải nghiệm; 406/450 em hiểu biết về kiến thức pháp luật ATGT, tầm quan trọng của hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, cách đi xe đạp và xe đạp điện an toàn, có ý thức và kỹ năng tốt khi tham gia giao thông; 90% trong số 450 em đã xác định được trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông.
Cô Hương quan niệm, đổi mới sáng tạo trong dạy học, mà đặc biệt là sáng tạo trong truyền thụ phổ biến pháp luật cho học sinh, là “cú hích” giúp chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Vì vậy, phương pháp truyền thụ không thể thiếu là truyền cảm hứng. “Dạy học là công việc không hề dễ dàng. Phương pháp truyền cảm hứng cho học sinh lại càng khó khăn hơn nếu như không tâm huyết và chuyên sâu”, cô nói.
|
Cô Hương hướng dẫn học sinh hoạt động trải nghiệm giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. |
Nhiều sáng kiến dạy học sinh “cá biệt”
Từ khi về trường công tác đến nay, đặc biệt từ khi được giao phụ trách Ban Pháp chế của Trường, cô Hương được Ban Giám hiệu Trường giao trọng trách nặng nề, là làm giáo viên chủ nhiệm các lớp tốp cuối của khối, của trường. Tại các lớp học này, thường tập trung một số học sinh “ngổ ngáo”, mà trong giáo dục hay dùng từ học sinh “cá biệt”.
Cô Hương kể, khi chưa áp dụng những biện pháp sáng kiến, bản thân cô cũng như một số giáo viên khác trong trường nhận thấy lúng túng, thụ động và khó khăn để giảng dạy, giáo dục những học sinh này. Trong hai năm học liên tiếp 2017 - 2018 và 2018 - 2019, cô làm chủ nhiệm lớp có điểm đầu vào thấp nhất khối, ý thức học tập một số em khá kém, hầu như không có động cơ phấn đấu vươn lên trong học tập; hiện tượng học sinh vi phạm nội quy của lớp như bỏ giờ, nói chuyện riêng, hút thuốc lá, vô lễ với giáo viên… tăng lên; các phong trào của lớp không được hưởng ứng. Trong bảng xếp loại thi đua của Đoàn trường mỗi tuần học, lớp này hầu hết nằm ở vị trí cuối, cuối năm tỷ lệ học sinh xếp học lực và hạnh kiểm trung bình, yếu chiếm đa phần.
Từ thực tiễn đó, năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, cô Hương áp dụng một số biện pháp, sáng kiến của mình vào thực tiễn giáo dục học sinh “cá biệt” tại lớp; cho thấy hiệu quả rõ ràng từ việc giáo viên chủ động và dễ dàng hơn khi giảng dạy các học sinh “cá biệt”. Hai năm học vừa qua số học sinh “cá biệt” trong lớp tỷ lệ đạt hạnh kiểm loại tốt, khá… cao hơn nhiều. Điều quan trọng hơn là các em đã nhận thức rõ vai trò, vị trí bản thân trong tập thể lớp; các em được thể hiện và khẳng định mình khi tham gia vào các hoạt động tập thể, ý kiến của các em được các bạn cùng lớp cũng như giáo viên lắng nghe. Đây chính là “chìa khóa” trong việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục cho học sinh “cá biệt” tại trường.
|
Năm học 2020 - 2021, đề tài “Một số biện pháp giáo dục học sinh “cá biệt” tại trường THPT” của cô đạt sáng kiến kinh nghiệm giáo dục cấp tỉnh; năm học 2021 - 2022 được công nhận thành tích thay thế sáng kiến cấp ngành năm học 2021- 2022. Nội dung những sáng kiến kinh nghiệm này có rất nhiều chương mục, nhưng cốt lõi là cho học sinh “cá biệt” tự đặt ra giải pháp cho mình tự khắc phục những khuyết điểm mà các em mắc phải; chính giáo viên phải đóng vai người chị, người bạn của các em để chia sẻ, lắng nghe các ý kiến các em; cho các em tham gia các hoạt động của trường từ học tập đến văn hoá, thể thao…
Hiệu trưởng Trường THPT Can Lộc Phan Đăng Nhân đánh giá: “Cô giáo Bùi Thị Minh Hương là một giáo viên tâm huyết, tích cực đổi mới, sáng tạo trong chuyên môn; tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục phổ biến pháp luật cho học sinh tại trường nhiều năm qua. Năm 2022, cô Hương vinh dự là một trong những giáo viên xuất sắc được Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đề xuất bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật””.
Nhiều năm học gần đây, cô giáo Bùi Thị Minh Hương được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; năm học 2020 - 2021 là Chiến sỹ thi đua tỉnh Hà Tĩnh.
Năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 cô Hương được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm học 2019 - 2020, cô Hương đã hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải Tư với sản phẩm “Giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái lứa tuổi học sinh THPT”. Trong các năm 2020 - 2021 và 2021 - 2022, đạt giải Khuyến khích và Nhất cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” do Bộ GD&ĐT phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia, Cty Honda Việt Nam tổ chức.