Nếu ai đã xem bộ phim Thái Lan gây sốt cộng đồng mạng một thời gian mang tên Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo) sẽ biết đến những thủ đoạn tinh vi của một học sinh tài năng tên Lynn (nhân vật chính) và các bạn. Thậm chí, họ còn lên kế hoạch bay sang Australia để hoàn thành kỳ thi quốc tế STIC. Sau đó bằng mọi giá gửi đáp án về cho các bạn mình trước khi giờ thi bắt đầu tại Thái Lan.
Một điều ít có thể ngờ rằng, những thứ tưởng chỉ có trên phim lại diễn ra ở đời thật. Thủ đoạn tương tự được nhóm thầy cô ở Singapore sử dụng để giúp các thí sinh Trung Quốc vượt qua kỳ thi O-Level.
Điều tối kỵ
Singapore, một nước châu Á nhỏ bé về diện tích nhưng đã không ngừng tập trung vào giáo dục như một cách phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống. Từ một trong những nước nghèo nhất, với nhiều chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, Singapore đã vượt qua nhiều nước giàu hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á để trở thành quốc gia hàng đầu về giáo dục.
Gian lận là một vấn đề nhạy cảm với Singapore và nhiều quốc gia trên thế giới. Ở quốc đảo này, tính tự giác và trung thực trong thi cử luôn được đặt lên hàng đầu trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên không phải ai cũng rèn được đức tính này và một số vấn đề đáng tiếc đã xảy ra.
Vụ việc đã gây phẫn nộ đất nước Singapore. Bởi từ xưa đến nay, nền giáo dục ở quốc gia này vốn được coi là chuẩn mực và quan tâm đặc biệt đến chất lượng. Những hành vi như quay cóp bài, sử dụng tài liệu hay dùng các thiết bị công nghệ hỗ trợ để khai thác thông tin sử dụng trong các bài kiểm tra, bài luận, kỳ thi bị cấm tuyệt đối và sẽ không khoan nhượng nào cho bất kỳ hành động nào như vậy.
Những hình thức kỷ luật phổ biến là: hủy kết quả thi, hủy toàn bộ kết quả học tập, ghi sai phạm vào hồ sơ học tập và nặng nhất là đuổi học. Thậm chí, gian lận một lần có thể bị đuổi học hoặc trả về nước đối với du học sinh.
Tóm gọn đường dây gian lận
Trong nhiều tháng liền, cậu học sinh người Trung Quốc Chen Xiang (19 tuổi) bay đến Singapore để học thêm Tiếng Anh và Toán tại một trung tâm ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi O-Level.
Được biết, kỳ thi O level (tên tiếng Anh đầy đủ là Singapore-Cambridge GCE O level Examination) là kỳ thi được đồng tổ chức bởi Bộ giáo dục và đào tạo Singapore và Cục khảo thí quốc tế của trường Đại học Cambridge. Các môn thi O-Level bắt buộc bao gồm: tiếng Anh, toán, vật lý, toán nâng cao, nguyên lý kế toán. Các môn thi tự chọn gồm: tiếng Hoa và địa lý. Với bằng O Level, sinh viên có thể chuyển tiếp sang các nước Anh, Australia, Mỹ để học tiếp chương trình phổ thông hoặc dự bị.
Tuy nhiên, sau một thời gian học tập tại trung tâm, Hiệu trưởng Poh Yuan Nie nói rằng ông ta có cách giúp đỡ Chen vượt qua kỳ thi dễ dàng hơn và yêu cầu gặp riêng để trao đổi cụ thể. Lúc này Chen Xiang biết được rằng, cách giúp đỡ của hiệu trưởng thực chất là thực hiện hành vi gian lận thi cử được tính toán một cách tinh vi, kỹ lưỡng. Chen Xiang đã đồng ý tham gia và gia đình cậu cũng sẵn sàng chi một số tiền lớn giúp con trai mình vượt qua kỳ thi.
Đây là tất cả thông tin được Chen Xiang khai trong phiên tòa đầu tiên xét xử những kẻ tham gia đường dây gian lận kỳ thi O-level diễn ra vào năm 2016.
Cụ thể, bà Tan Jia Yan, 32 tuổi, đến từ Singapore, trước tòa đã thừa nhận hành vi của mình cùng 3 người khác trong một âm mưu giúp cho 6 học sinh mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có Chen Xiang gian lận tại kỳ thi O-Level diễn ra từ năm 2016. Bà Tan cũng thừa nhận đã thực hiện chót lọt 27 vụ gian lận trước đó.
Tan Jia Yan từng là giáo viên dạy thêm tại Trung tâm Giáo dục Zeus ở Tampines Street 34. Những đồng phạm còn lại lần lượt là Hiệu trưởng trung tâm Poh Yuan Nie (thường được gọi là Pony Poh) 52 tuổi; cháu gái của Poh là Fiona Poh Min, 30 tuổi, cũng đang dạy tại trung tâm này. Cả 2 đều là người Singapore. Người thứ 3 tên là Feng Riwen, 25 tuổi đến từ Trung Quốc.
Người cầm đầu đường dây gian lận Hiệu trưởng Poh Yuan Nie (ở giữa) và 2 đồng phạm Fiona Poh Min (trái), Feng Riwen (phải). |
Sau khi tiến hành điều tra, tòa án Singapore cũng cho biết, một người đàn ông tên Dong Xin 30 tuổi, thường trú tại Singapore và là giám đốc của một công ty có tên là Nou Cheng, Trung Quốc cũng là đồng phạm. Người này đã dẫn 6 học sinh này đến Zeus để chuẩn bị cho kỳ thi O-Level năm 2016.
Theo đó, ông Dong và Zeuz đã ký hợp đồng ăn chia hoa hồng cho mỗi học viên được giới thiệu đến trung tâm. Ông Poh Yuan Nie nhận tổng cộng của học viên 9 ngàn USD (tương đương hơn 156 triệu đồng) trong đó tiền cọc là 8 ngàn USD và 1 ngàn USD tiền phí nhập học cho mỗi học viên mà Dong giới thiệu đến trung tâm.
Các học sinh được cam kết sẽ được tra lại đầy đủ tiền nếu không vượt qua được kỳ thi. Riêng Tan Jia Yan cũng được trả lương 3 ngàn USD/ tháng và thêm 1 ngàn USD/học sinh cho việc cung cấp đáp án cho mỗi học sinh.
Lên kế hoạch kỹ lưỡng
Sau khi kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, Hiệu trưởng trung tâm gia sư Poh Yuan Nie sẽ để cháu gái của mình là Fiona Poh Min cùng Tan và Feng trợ giúp những học sinh gian lận thông qua thiết bị bluetooth có kết nối với điện thoại di động trong kỳ thi vào tháng 10/2016.
Fiona Poh sẽ dùng băng dính để cố định camera trong ngực của Tan để nữ giáo viên giấu bên dưới quần áo của mình. Sau đó, bà Tan Jia Yan - dù đã là giáo viên - nhưng vẫn tự đăng ký tham gia thi với vai trò một thí sinh tự do để biết được đề thi.
Trong giờ thi, người này bí mật mở ứng dụng FaceTime trên iPhone để vừa làm bài, vừa chụp lại đề thi và gửi cho đồng phạm ngồi bên ngoài. Những người này có nhiệm vụ giải đề và cung cấp đáp án cho 6 học sinh nói trên thông qua tai nghe Bluetooth màu da trong suốt được khéo léo đeo trên tai mỗi học sinh.
“Những điện thoại di động được luồn dưới quần áo các học sinh. Sau đó, mỗi học sinh sẽ được cho đeo một chiếc tai nghe bluetooth mini có màu trùng với màu da của từng người do trung tâm Zeus thiết kế”, phó công tố viên Vadivalagan Shanmuga tiết lộ.
Fiona Poh và Feng sẽ bắt đầu giải đề và đọc đáp án cho các học sinh qua tai nghe. Việc còn lại của các thí sinh là chép đáp án nghe được vào bài thi của mình. Những học sinh tham gia vào vụ gian lận được xác định lần lượt là Zhou Zice, Cheng Xiang, Xiao Junze, Wang Fangfei, Chen Yi và Zhang Jinlu.
Hoạt động gian lận tinh vi này đã được diễn ra chót lọt liên tục từ ngày 19/10/2016. Vào ngày 21/10, Tan và Fiona Poh đã gian lận thành công 2 bài thi Toán. Tuy nhiên, sự việc vỡ lở và bị phanh phui vào ngày 24/10/2016 khi một giám thị nhận thấy có âm thanh bất thường phát ra từ thí sinh Chen Yi.
Chen Yi được phép hoàn thành bài thi nhưng ngay sau đó đã được hộ tống vào phòng giám hộ để kiểm tra. Họ tiến hành lục soát áo khoác và phát hiện một điện thoại di động và tai nghe Bluetooth màu sắc y như da người, kết nối FaceTime với iPhone giấu trong áo khoác. Toàn bộ tang vật bị tịch thu sau đó.
Sau đó, Chen Yi đã khai nhận rằng, mình đã cùng bà Tan và 3 người khác hực hiện hành vi gian lận này. Tại tòa, Chen Yi còn cho biết, họ có những báo hiệu nhỏ như không nghe được rõ sẽ ho một tiếng để bên kia nhắc lại, nếu không giỏi tiếng Anh, “hội đồng thi hộ” bên ngoài sẽ đánh vần từng từ một để thí sinh chép đầy đủ…
Tất cả những người liên quan đến đường dây gian lận thi cử đều bị bắt và tiến hành điều tra. 5 thí sinh thi khác cũng bị lộ và hủy kết quả thi, trục xuất về nước.