Giỏi chuyên môn, dìu dắt đồng nghiệp
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Nguyễn Thị Hoàn vào Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ra trường, cô tình nguyện lên Tây Nguyên giảng dạy. Với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề nghiệp, suốt những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn không ngừng trui rèn, tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những tiết đứng trên bục giảng, cô không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích, mà còn mang lại tiếng cười, niềm tin vào cuộc sống cho bao thế hệ học sinh.
Thầy giáo Lê Đình Hùng Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô Hoàn là người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với nghề; được cha mẹ học sinh, học sinh và đồng nghiệp kính trọng; là người có năng lực sư phạm, có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả, thực chất trong công tác giảng dạy, có công lớn đóng góp trong suốt 25 năm từ khi tốt nghiệp đại học về giảng dạy tại mái trường THCS Chu Văn An, nay là Trường TH-THCS Trần Hưng Đạo.
Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” do ngành Giáo dục - Đào tạo phát động, hằng năm, cô Hoàn đều có đề tài sáng tạo gửi dự thi và được cấp trên đánh giá cao. Bằng những hành động gương mẫu, đi đầu trong các công việc, cộng với tác phong sinh hoạt và lối sống giản dị, khiêm nhường, cô đã tạo được tình cảm yêu thương, gắn bó của đồng chí, đồng nghiệp, các em học sinh, sự tin tưởng của chi bộ và là chỗ dựa tinh thần của cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng, phát triển của nhà trường.
|
Với sự cống hiến của mình cho giáo dục, cô Nguyễn Thị Hoàn đã được nhiều cấp khen thưởng |
Trong công tác giảng dạy, cô là người có kiến thức chuyên môn vững vàng, phương pháp dạy học lôi cuốn, sáng tạo nên học sinh rất đam mê học trong mỗi giờ Địa lý của cô. Nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, nhưng cô không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng và chất lượng dạy học, giáo dục học sinh có kỹ năng sống, hình thành nhân cách tốt. Sau nhiều năm công tác, cống hiến, năm 2020, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn được đề bạt giữ chức Phó hiệu trưởng và đến năm 2023, cô trở thành Hiệu trưởng Trường TH-THCS Trần Hưng Đạo.
Thầy giáo Mai Thoại Vít, người được cô Hoàn hướng dẫn trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhận xét về người chị, người đồng nghiệp của mình như sau: “Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hoàn luôn tươi cười, tâm huyết với công việc, hết lòng vì đàn em thân yêu luôn ở trong trái tim chúng tôi và các thế hệ học trò trường Trần Hưng Đạo. Cô là bông hoa đời thường toả ngát hương dưới mái trường giàu truyền thống, là tấm gương sáng để mỗi giáo viên trong nhà trường học tập và noi theo”. Thời gian qua, cô Hoàn còn hướng dẫn 3 giáo viên dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt giải cao, đó là các cô giáo: Mai Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Liễu; hướng dẫn, giúp đỡ 4 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp thành phố là các cô giáo: Lương Thị Tâm, Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên, Phạm Thị Phượng.
Có thể khẳng định, thành tích mà cô giáo Hoàn đạt được hôm nay đã góp phần tích cực vào các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum.
Dành trọn tình thương cho học trò
Cô Nguyễn Thị Hoàn chia sẻ: “Trong suốt hơn 25 năm đứng trên bục giảng, tôi đã cùng học trò trải qua biết bao chuyện vui buồn. Các em trên vùng quê này tuy khó khăn nhưng đều rất chăm ngoan và ham học. Nhiều gia đình dân tộc thiểu số người Ba Na, Gia Rai khó khăn, nhiều em học sinh đến lớp với cái bụng rỗng, tái tím, co ro vì lạnh, vì đói… Tôi thương học trò nên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp thêm động lực để các em đến lớp. Tôi chỉ ước mong các em sẽ được đi học đến nơi đến chốn”.
Cô Hoàn nhớ lại, năm 2020, cô phải chia tay cậu học trò Đào Vỹ Long, 14 tuổi, khi em phải theo mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh học nghề vì hoàn cảnh quá khó khăn. Bố mẹ Long trước đây đều là học trò của cô nên cô đặc biệt quan tâm đến cậu học trò này. Long thường xuyên nghỉ học để đi chơi điện tử. Cô quyết tâm tìm hiểu hoàn cảnh và biết được chuyện bố Long bị tai nạn nên bị tật, mẹ phải đi làm xa để lo cho 3 anh em. Vì thế, Long không được ai quan tâm, chỉ bảo nên mới không chú tâm vào việc học. Thương học trò, cô Hoàn thường xuyên động viên, hỏi thăm Long. Vào mỗi buổi sáng, cô chạy xe máy gần 10 cây số từ nhà mình xuống nhà đón Long đến lớp để em khỏi bỏ học đứt bữa. Sau một thời gian, cậu học trò cá biệt đã bỏ chơi điện tử, chăm chỉ theo cô đến trường. Để khích lệ học trò, cô thường mua đồ ăn sáng, cho Long thêm áo ấm để em cố gắng hơn. Tuy nhiên, do cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ ly hôn nên Long phải đi xa để học nghề. Mặc dù cô đã nhiều lần xuống nhà vận động, thuyết phục gia đình sẽ giúp em tiếp tục đi học nhưng bố mẹ Long không đồng ý. Ngày Long về thành phố Hồ Chí Minh, cậu học trò gửi cho cô bức thư cảm ơn vì đã yêu thương, giúp đỡ em, trong đó có đoạn: “Hình ảnh, tình thương của cô sẽ còn mãi trong em…”. Nguyễn Thị Hoàn cầm bức thư trên tay mà ứa nước mắt, thương cho cậu học trò nghèo bất hạnh.
Trong suốt 25 năm gắn bó với Trường TH-THCS Trần Hưng Đạo, cô Hoàn đã bồi dưỡng, đào tạo được 49 học sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố, 24 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô còn là giáo viên giỏi của tỉnh năm học 2008-2009, 2012-2013. Cô cũng là giáo viên đạt 11 giải cấp tỉnh về giáo viên giỏi các chuyên đề. Đặc biệt, cô Hoàn xuất sắc đạt 4 giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhất về dạy học theo chủ đề tích hợp. Trong cuộc thi sân khấu hóa về tuyên truyền chủ quyền Biển đảo Việt Nam năm 2020 tại tỉnh Kon Tum, cô đã đạt giải xuất sắc phần thi sân khấu hóa.
|
Với cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi con người biết chia sẻ nhiều hơn |
Một niềm vui lớn là năm 2022, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô đã dành toàn bộ số tiền gần 13,5 triệu đồng là phần thưởng của danh hiệu cao quý và 10 phần quà nhận được từ nhà trường, bạn bè tặng cô trong dịp này để tặng cho học sinh nghèo của Trường THCS vùng sâu xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Trần Hưng Đạo nhận xét: “Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn luôn gương mẫu, dám nghĩ, dám đổi mới, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, là một nhà giáo tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn truyền cảm hứng, đánh thức ước mơ, khát vọng vươn tới của các em học sinh, để các em vượt qua được những rào cản, tự tin vững bước vào đời. Cô là nhân tố đóng góp tích cực, hiệu quả trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nhà trường”.
Hình ảnh cô giáo Hoàn đầy nhiệt huyết, luôn truyền lửa cho các thế hệ học sinh đã để lại cho đồng nghiệp, phụ huynh những tình cảm tốt đẹp, dẫn dắt phong trào thi đua học tập, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng và phát triển nhà trường.