- Thưa cô giáo Hà Ánh Phượng, chị có thể nói về sự thay đổi của bản thân mình nói riêng, và nhận định của chị về sự thay đổi của phụ nữ Việt Nam nói chung nhờ Công ước Bắc Kinh?
- Có thể thấy rằng, Công ước Bắc Kinh đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi vị thế của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ hiện nay không chỉ tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục mà còn tự tin khẳng định bản thân trong các vai trò lãnh đạo. Quan trọng hơn, phụ nữ Việt Nam đã có nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi của mình, từ đó đòi hỏi sự công bằng và bình đẳng trong xã hội. Những giá trị mà Công ước mang lại cũng thúc đẩy các phong trào và chính sách hỗ trợ phụ nữ, tạo nền tảng để họ phát triển toàn diện hơn cả về năng lực lẫn tinh thần.
- Được biết, chị đã có nhiều sáng kiến được triển khai, giúp phần không nhỏ vào sự phát triển của phụ nữ và trẻ em?
- Là một giáo viên Tiếng Anh người dân tộc thiểu số, tôi rất thấu hiểu những khó khăn của học sinh mình khi học Tiếng Anh, và cũng nhận thức được vai trò quan trọng của việc học ngoại ngữ. Học sinh của tôi ở xã Hương Cần thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Các em gặp nhiều thiếu thốn, đặc biệt là công nghệ. Bản thân tôi đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng học ngoại ngữ cho các em học sinh vùng miền núi, đặc biệt là trẻ em gái; Tuyên truyền phòng chống tảo hôn cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các dự án, mô hình “Lớp học xuyên biên giới” để trở thành những công dân toàn cầu… góp phần thực hiện Mục tiêu số 5 về phát triển bền vững về bình đẳng giới (SDG 5), Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đang được các cấp Hội phụ nữ triển khai trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Tháng 5/2024, cô trò chúng tôi đã nhận giải truyền cảm hứng trong cuộc thi “Tuổi trẻ đáng giá”, đây là chương trình tuyên truyền và đẩy lùi nạn tảo hôn đặc biệt ở khu vực miền núi do tổ chức quốc tế Plan International trao giải.
|
Cô giáo Hà Ánh Phượng tham gia diễn đàn tại Thái Lan. |
Các dự án mà tôi đã thực hiện như “Thư viện hạnh phúc”, “Nói không với ống hút nhựa”, “Girls in STEM”, “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng”, “Tớ là dân tộc Mường”… đều là các dự án gắn liền với cộng đồng và phi lợi nhuận do tôi trực tiếp phụ trách và khởi xướng, nhiều dự án có phạm vi ảnh hưởng lớn.
Công tác tại trường THPT Hương Cần thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, tôi trực tiếp giảng dạy các em học sinh nữ người dân tộc thiểu số, tôi luôn gần gũi, định hướng chia sẻ với các em trong công tác định hướng nghề nghiệp, với dự án học tập “Ethnic Girls in STEM” của CLB Tiếng Anh. Tôi đã cùng nhiều học sinh nữ người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động STEM, để giúp các em vượt qua giới hạn và định kiến về sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh nữ người dân tộc.
Trong 4 năm liên tiếp gần đây, các đề tài thi khoa học kĩ thuật của các em nữ đều đạt giải cấp tỉnh, riêng dự án “phòng chống bạo lực trên không gian mạng” đạt giải nhất vòng chung kết quốc gia -cuộc thi do tập đoàn Microsoft phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đây cũng là những cơ hội quý báu để các em được nghiên cứu khoa học, tiếp cận công nghệ và cọ xát...
|
Cô giáo Hà Ánh Phượng và học trò trong với các dự án |
- Theo chị giới trẻ và các phong trào từ cơ sở đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, cô nhìn thấy tương lai của các phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam ra sao?
- Giới trẻ và các phong trào từ cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Với nhiệt huyết và tư duy đổi mới, giới trẻ không chỉ mang lại những ý tưởng sáng tạo mà còn đóng góp vào việc thay đổi nhận thức và lan tỏa giá trị bình đẳng trong cộng đồng. Các phong trào từ cơ sở, xuất phát từ những vấn đề gần gũi và thiết thực trong cuộc sống, tạo ra sự gắn kết và sức mạnh cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự thay đổi về chính sách và quan điểm xã hội.
Tôi tin rằng các phong trào bình đẳng giới tại Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ, nhờ vào sự tham gia ngày càng đông đảo của thế hệ trẻ - những người ngày càng có nhận thức sâu sắc về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một xã hội công bằng. Công nghệ và mạng xã hội cũng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực, giúp lan tỏa thông điệp bình đẳng giới rộng rãi hơn và nhanh chóng đến mọi tầng lớp, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ bền vững và sự phát triển toàn diện về quyền bình đẳng giới tại Việt Nam.
- Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị tham gia hoạt động về giáo dục và điều gì giữ cho chị luôn nhiệt huyết trong lĩnh vực đầy thách thức này?
- Động lực của tôi chính là những thành tựu và kết quả mà các em học sinh đã đạt được. Từ những em học sinh còn rụt rè, nhút nhát không dám nói Tiếng Anh cho đến khi nhìn thấy các em tự tin thuyết trình, trả lời các bạn học sinh nước ngoài ở các Châu lục và quảng bá nét đẹp về văn hoá Việt Nam, văn hóa dân tộc mình với bạn bè quốc tế, hay cùng nhau học tập qua dự án và đem tới những giá trị cho cộng đồng. Cũng như từng lứa học sinh vào đại học rồi trở thành những công dân có ích cho xã hội, tôi cảm thấy công sức mình bỏ ra là vô cùng có ý nghĩa và đó là động lực của tôi!.
|
Đại biểu - cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ phá biểu tại kỳ họp Quốc hội khóa XV. |
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Những thành tích tiêu biểu:
- Cô giáo Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991, dân tộc Mường) là giáo viên Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.
- Là đại biểu Quốc hội khóa XV.
- Giải thưởng Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu.
- Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành cho 11 giáo viên xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á.
- Giải thưởng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
- Được ghi nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft.
- Học bổng toàn phần Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chương trình SEAYLP.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
- Bằng khen của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ.
- Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
- Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam.
- Giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng của báo Vietnamnet 2020
- Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.