Duyên đến với nghề của bà Hành bắt đầu từ năm 1953, lúc đất nước đang oằn mình trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, 17 tuổi, bà Lành xách gạo ra huyện học nghề y. Sau thời gian theo học, bà được nhận chứng chỉ của trung tâm rồi về thực tập tại Trạm xá thị trấn Hương Canh. Dù chưa đầy 20 tuổi, làm bà đỡ, từ đó bà nhận được bao lời ra, tiếng vào. Mặc dù vậy, bà vẫn để ngoài tai những lời đó, bà vẫn hăng say với công việc hộ lý, khám thai, đỡ đẻ cho sản phụ. Sau dần, các bà, các chị và dân làng hiểu ra và bảo rằng bà mát tay, từ đó, tự dưng đỡ đẻ trở thành “nghề” của bà.
Hỏi về số ca từng đỡ đẻ, bà Hành không nhớ hết được. Bà chỉ biết, khu nào trong vùng này cũng đều có bước chân của bà đặt lên. Trời mưa gió, bão rét, bà vẫn đi vì bà nghĩ đến an nguy của sản phụ. “Họ đau đẻ làm sao mà đi được. Thời đấy cũng chẳng có xe cộ gì nên tôi phải đến tận nhà để đỡ đẻ thôi! Có những lần, mấy chú bộ đội đến đón tôi đi, khi đó đèn điện còn khó khăn, lúc có, lúc mất, có khi tôi phải đỡ đẻ trong đêm, dưới ánh sáng của đuốc rơm”, bà Hành nhớ lại.
Bà được người dân trong làng gọi là cô hộ lý “có bàn tay vàng”. Đôi bàn tay khám thai và đỡ đẻ biết bao nhiêu ca ấy đáng lý phải... “hái ra vàng” theo đúng nghĩa đen. Thế nhưng, bà đều làm mọi việc không công. Bà làm nghề hơn 60 năm nhưng chẳng hề tính toán tiền nong với bất kỳ sản phụ nào. Bà chỉ lấy tiền thuốc vì “đấy là thứ mà bà không làm ra được”
Bà Dương Thị Hành (hay còn gọi là bà Liên), cô hộ sinh vàng của vùng |
Ngồi nói chuyện với bà, tôi thường bị gián đoạn vì đôi lúc lại có một vài chị đến tâm sự, nhờ bà tư vấn, để rồi bà lại trở thành người nâng đỡ tư tưởng cho các cô gái trẻ. Bà bảo, thai nhi vô tội, bà làm nghề này mới thấy được sự sống con trẻ nó quý giá như thế nào. Ở đây gần khu công nghiệp mới, nhiều sản phụ đến bà cắt thuốc phá thai. Bà nghe mà đau lòng quá! Bà muốn đỡ lấy sự sống chứ không phải là cái chết. Nói đến đây, đôi mắt của bà như nhòa đi đôi chút vì câu chuyện…
Hiện nay, kinh tế trong vùng đã khá lên nhiều, điều kiện về y tế cũng được cải thiện nên cô hộ lý 82 tuổi không còn vất vả đi lại trong đêm nữa. Thế nhưng, nhiều người vẫn đến với bà vì tin vào đôi bàn tay và trái tim vàng ấy của người lương y. Tuổi cao nhưng bất chấp trời nắng hay mưa bà vẫn đến từng nhà những hộ dân nghèo để vận động, tuyên truyền những chính sách kế hoạch hóa gia đình, vận động người dân đi khám, chữa bệnh kịp thời. Hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí người dân vùng Bảo Sơn.