Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021 và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối giao thương, phát triển thương mại với các nước châu Phi, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến liên quan đến thị trường này.
Theo đó, Hội thảo “Hướng dẫn tiếp cận thị trường và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sang các thị trường châu Phi nói tiếng Pháp” sẽ tổ chức vào 14h00 ngày 1/9/2021.
Hội thảo có sự tham dự của Thương vụ Việt Nam tại châu Phi phụ trách/kiêm nhiệm các nước nói tiếng Pháp, Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri, Ma rốc, Ni-giê-ri-a, Nam Phi, Ai Cập…
Châu Phi nằm ở phía Tây Nam đại lục Á - Âu, trên trục đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, là cầu nối của 3 lục địa châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nối liền Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Với dân số hơn 1,3 tỷ người (chủ yếu là lực lượng lao động trẻ), châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn gồm 55 quốc gia, trong đó có 26 quốc gia nói tiếng Pháp.
Năm 2020, GDP của toàn Châu Phi ước đạt hơn 2.300 tỷ USD, chiếm khoảng 2,8% GDP thế giới; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.800 USD, trong đó chỉ có hơn một nửa trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/năm. Dự báo trong năm 2021, trong điều kiện ngành du lịch phục hồi, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng và dịch bệnh COVID-19 được khống chế, GDP của châu lục này có khả năng tăng 3,4%.
Theo thống kê, trong năm 2020, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã dần phục hồi, nối lại các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và châu Phi, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,4%.
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia ở châu Phi cơ bản mang tính chất bổ sung cho nhau.
Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này chủ yếu là nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, rau quả…), thủy hải sản, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hàng dệt may và giày dép, tiêu dùng, sắt thép... Hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường các nước, kim ngạch nhiều mặt hàng có chiều hướng ngày càng tăng.
Về nhập khẩu, đây là những thị trường cung ứng đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất trong nước và chế biến xuất khẩu của Việt Nam như nông sản thô (hạt điều, bông), gỗ, cao su, quặng và khoáng sản, linh kiện điện tử…
Đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh đang tiếp diễn phức tạp, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, còn nhiều dư địa để khai thác như châu Phi là một một trong những giải pháp mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến.
Ngoài ra, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Châu Phi cũng là một thị trường ổn định để doanh nghiệp Việt tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.