Cơ hội kinh doanh: “Mơ về nơi xa lắm…”

(PLO) - Một trong những điểm mới của việc sửa Luật DN lần này là DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đây là một bước tiến so với quy định hiện hành DN được tự do kinh doanh những gì ghi trong Giấy đăng ký. Tuy nhiên vấn đề đang làm đau đầu các nhà soạn thảo là cấm cái gì, vì sao cấm… 
Ai cũng có quyền thành lập doanh nghiệp 
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM), đơn vị chắp bút sửa luật, mục tiêu tổng quát của Luật DN (sửa đổi) lần này là đưa DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn vào sản xuất, kinh doanh…
Chính vì vậy, các quy định về gia nhập thị trường rất đơn giản. Giấy Chứng nhận Đăng ký DN không ghi ngành nghề mà DN đã đăng ký, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong hồ sơ đăng ký thành lập DN, người thành lập DN tự chủ kê khai ngành nghề kinh doanh, việc mã hóa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nếu cần. 
Ngoài ra, Luật DN (sửa đổi) cũng áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật DN về thành lập DN, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; Tách Giấy chứng nhận đăng ký DN và Giấy chứng nhận đầu tư (nếu có); Bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định...; Hài hòa thủ tục đăng ký DN với thuế, lao động, BHXH... 
“Về bản chất là chuyển từ tự do kinh doanh những ngành nghề ghi trong Đăng ký sang tự do kinh doanh tất cả những ngành nghề pháp luật không cấm..”- Ông Cung lưu ý.
Với sự thông thoáng này, cũng đã có ý kiến tỏ ra e ngại khi đặt vấn đê: “Hóa ra DN muốn làm gì cũng được?” hay “Như thế thì người đạp xích lô hay ông nông dân đang đi cày cũng có thể đứng ra để thành lập DN”?... 
Trước những băn khoăn trên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM có ngay câu trả lời, dù mang tính ước lệ, mang ý nghĩa tinh thần của Luật: “Người đạp xích lô, người nông dân mà thành lập được DN thì cũng tốt chứ sao!”
Cơ quan soạn thảo lúng túng
Tại một Hội thảo mới đây nhất về Luật DN (sửa đổi) do CIEM tổ chức, ông Vũ Văn Ngọc - Đại học Kinh tế quốc dân  nhắc lại thời kỳ trước khi mới có Luật DN với những đột phá cởi trói đã khiến cả công chức, viên chức cũng tìm cách thành lập DN riêng. Và ông ủng hộ Luật DN sửa đổi phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để tạo niềm tin cho người dân, thay vì mang tiền đi gửi tiết kiệm hay đầu tư theo “phong trào” mà bỏ tiền góp vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu khác, ông Ngọc tỏ ra băng khoăn: “Nếu không quy định cụ thể, rõ ràng những ngành nghề nào, lĩnh vực nào thuộc đối tượng kinh doanh có điều kiện hoặc bị cấm kinh doanh sẽ có nhiều DN vô tình vi phạm pháp luật và sẽ bị thiệt hại về tài chính, thời gian, thậm chí nảy sinh kiện tụng giữa DN với cơ quan quản lý Nhà nước”. 
Ông Ngọc có ý kiến và nêu điển hình mới đây là trường hợp DN xin phép cơ quan quản lý Nhà nước nuôi gián đất. Lúc đầu được phép, sau lại bảo sai, khiến DN thiệt hại nặng nề, cơ quan Nhà nước cũng gặp rắc rối.
Ông Nguyễn Đình Nguyên – Giám đốc Cty Cơ khí thương mại Hoàng Hiệp, nạn nhân trong vụ “nuôi gián đất” với những hóa đơn, chứng từ mua hàng để phục vụ việc nuôi gián đất trị giá 2,6 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đình Nguyên – Giám đốc Cty Cơ khí thương mại Hoàng Hiệp, nạn nhân trong vụ “nuôi gián đất” với những hóa đơn, chứng từ
mua hàng để phục vụ việc nuôi gián đất trị giá 2,6 tỷ đồng
Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ý băn khoăn khi cho rằng quy định về những ngành; nghề kinh doanh cần phải có điều kiện còn lằng nhằng, rắc rối, quá phức tạp, khiến ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước còn hiểu không rõ. Cần phải cải cách từ chính khâu này. Luôn là người mạnh mẽ với cải cách, nhưng dường như lần này ông Cung cũng lúng túng.   
Ông thừa nhận những quy định cấm hiện nay không có phương pháp luận rõ ràng để trả lời câu hỏi: Tại sao lại cấm? Cấm nhằm mục đích gì? Cấm trong phạm vi và không gian nào? Ông đã phải viện đến hình ảnh một cột điện nhằng nhịt, lùng bùng các thứ dây để minh họa cho những quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.    
Ông Cung cũng đưa ra một tập tài liệu liệt kê và bình luận: “Chưa hết đâu và không biết đâu là hết” về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nặng gần 2 kg. Theo ông, đã 10 năm nay những quy định kiểu này chỉ có tăng lên về số lượng mà còn tăng lên cả về mức độ. Ông đã đưa ra một loạt từ “không” nếu xét trên tính định lượng của chính sách: không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và… không hiệu lực.
“Mục tiêu cuối cùng của Luật DN sửa đổi là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với DN, nhưng những người làm chính sách có vẻ chưa tin dân, sợ dân gian nên đã đưa ra một loạt các quy định để kiểm soát ngay từ đầu. Song, với cung cách, tư duy đa phần như vậy của các bộ hiện nay thì xem ra, “cơ hội kinh doanh vẫn còn xa lắm”, ông Cung nói.
Viện trưởng CIEM khẳng định, trong lần trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Ban soạn thảo sẽ trình danh mục cấm kinh doanh, đưa ra nguyên tắc, chuẩn mực phải tuân thủ khi ban hành danh mục cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải có cơ chế kiểm soát việc ban hành và thực thi ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế, nhằm gỡ khó cho DN.

Đọc thêm