"Cơ hội sống tốt" phải dành cho tất cả mọi người

Dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh “lỏng lẻo trong quản lý cư trú đã làm tiến trình tố tụng nhiều vụ án bị tắc”, ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú phải qui định nghĩa vụ của cả công dân  và cơ quan nhà nước trong việc tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý cư trú.

Dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh “lỏng lẻo trong quản lý cư trú đã làm tiến trình tố tụng nhiều vụ án bị tắc”, ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú phải qui định nghĩa vụ của cả công dân  và cơ quan nhà nước trong việc tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý cư trú.

Tràn ngập “rủi ro” cho quá trình tố tụng

“Không quản lý được con người” là một trong những nguyên nhân khiến các giai đoạn của quá trình tố tụng liên tiếp gặp “rủi ro”, nguyên nhân chỉ vì việc đi tìm chủ thể hết sức khó khăn. Dẫu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể đó, nhưng vì không xác định yếu tố “bỏ trốn khỏi địa phương” nên cơ quan chức năng đành… “bỏ đó”, không thể khởi tố được vụ án, khiến người dân rất bức xúc.

Đến khi cần tống đạt các giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc các quyết định tư pháp theo pháp luật tố tụng cũng không “thoát”. Việc không xác định được địa chỉ để hợp pháp việc tống đạt khiến “nhiều bản án, nhiều vụ án bị kéo dài, không thể xử được hoặc nếu xử rồi thì cũng bị cấp giám đốc thẩm hoặc phúc thẩm hủy án vì thiếu người tham gia tố tụng mặc cho giấy tờ tư pháp đã được các cơ quan chức năng tống đạt theo đúng qui trình” – ĐB của TP HCM  phản ánh.

Thậm chí đến khi bản án có hiệu lực pháp luật nhưng cũng không được thi hành án “vì không tìm ra người có nghĩa vụ phải thi hành”.

Vì thế, ĐB Ánh nhấn mạnh đến nghĩa vụ của công dân phải đăng ký việc di chuyển nơi cư trú của mình với cơ quan chức năng để “công tác quản lý dân cư mới chặt chẽ được”. Cùng với đó, cơ quan đăng ký cư trú phải có trách nhiệm liên thông trong quản lý chứ “không cần phải yêu cầu người dân phải đến chỗ này xin tạm vắng, rồi đến chỗ kia xin tạm trú, rồi đổi số này khác”.

“Cơ hội sống tốt” phải dành cho tất cả mọi người

Nhiều ý kiến của ĐBQH tán thành phải “siết” điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành vì trong điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn hiện nay, “đảm bảo quyền của người này cũng, đồng thời là hạn chế quyền của người khác”. Nhưng vẫn có ĐBQH băn khoăn với điều kiện “thời gian tạm trú 2 năm” và lý giải của Chính phủ là “để giảm tốc độ gia tăng dân số cơ học”. Với thực tế, không đăng ký thường trú nhưng người dân vẫn sinh sống trên bàn thì lý giải đó chưa “đủ sức thuyết phục, dễ dẫn đến cảm giác cơ quan Nhà nước đang gây khó dễ cho người dân”.

Cũng liên quan đến điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú, ĐB Huỳnh Văn Tính (tỉnh Tiền Giang) lại nhận thấy sự “chưa ổn” của quy định cho đăng ký thường trú vào chỗ ở, cho thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, dù có sự đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.

ĐB này đặt vấn đề, “nếu thuê nhà, đăng ký thường trú vào địa chỉ đó nhưng sau buộc phải chuyển đi thì việc quản lý cư trú trong trường hợp này có được không?”. Vì thế, ĐB Tính đề nghị, “quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về thời gian cư trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ để được đăng ký hộ khẩu thường trú”.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu tại Hội trường
ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phát biểu tại Hội trường

Nhiều ĐBQH cùng quan tâm đến vai trò của sổ tạm trú trong công tác quản lý dân cư. ĐB Triệu Thị Thu Phương (tỉnh Bắc Kạn) muốn “giữ quy định của luật hiện hành về thời hạn của sổ tạm trú để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú”.

Dự thảo luật chưa quy định thủ tục gia hạn cụ thể đối với trường hợp có nhu cầu tạm trú dưới 24 tháng, chưa dự báo được hiệu quả quản lý nhân khẩu thông qua sổ tạm trú trong trường hợp công dân đăng ký thời hạn tạm trú với thời hạn tối đa là 24 tháng (bằng thời hạn của sổ tạm trú theo dự thảo Luật) để tránh việc phải đi xin gia hạn nhiều lần…

* ĐB Touneh Drong Minh Thắm (tỉnh Lâm Đồng):

“Hiện nay, đang có rất nhiều trường hợp nhập khẩu vào các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước nên cần tổ chức tổng kết đánh giá cụ thể để có thể sửa đổi luật một cách tổng thể hơn, để tránh tốn kém, lãng phí tiền của nhà nước mà hiệu quả không cao”.

* ĐB Ngô Thị Minh (tỉnh Quảng Ninh):

“Thiếu các qui định cụ thể nên công tác quản lý người cư trú, lưu trú đối với đối tượng trẻ em và người chưa thành niên chưa đem lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương, để kẻ xấu đã lợi dụng xâm hại, sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Việt Nam có thể thực hiện được lộ trình xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2016 hay không thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú không thể nằm ngoài, mà cần có nhiều qui định nhằm phát hiện xử lý nghiêm minh tình trạng khai báo tạm trú, lưu trú không trung thực, đặc biệt với đối tượng tạm trú, lưu trú là trẻ em và người chưa thành niên”.

Huy Anh

Đọc thêm