Cơ hội và thách thức cho du lịch từ SEA Games 31

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thành phố Hà Nội xác định SEA Games 31 là sự kiện có tác động lớn đến ngành du lịch Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt nên các đơn vị, địa phương vẫn đề cao việc đảm bảo an toàn, bên cạnh đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Tận dụng cơ hội “vàng” từ SEA Games để đẩy mạnh phục hồi du lịch.
Tận dụng cơ hội “vàng” từ SEA Games để đẩy mạnh phục hồi du lịch.

Ưu tiên yếu tố an toàn

Ngay từ đầu năm 2022, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phục hồi và phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trong năm 2022, 2023 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Hiện, tình hình dịch bệnh đến nay trên cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine đầy đủ cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 99,9%. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh bình thường mới.

Một trong những sự kiện đang được mong chờ nhất kể từ khi công bố mở cửa du lịch hoàn toàn chính là Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) - sự kiện thể thao quốc tế quan trọng diễn ra tại 12 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Ước tính, số lượng vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ, nhân viên,… sẽ có mặt tại Việt Nam lên tới 10.000 người.

Dù vậy, do dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, các đơn vị, địa phương vẫn phải ưu tiên vấn đề an toàn sức khỏe cộng đồng là trên hết. Trong các hội nghị trưởng đoàn SEA Games được tổ chức thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng 3 kịch bản về phương án khán giả của SEA Games 31 là: không khán giả, có khán giả hạn chế, khán giả đến sân bình thường.

Trả lời báo chí, ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao cũng cho biết, Ban Tổ chức Đại hội sẽ chuyển công tác triển khai phương án đón khán giả về các địa phương. Tùy tình hình dịch bệnh, UBND các tỉnh, thành sẽ tự quyết định phương án đón khán giả vào xem SEA Games 31 sao cho phù hợp, an toàn.

Tuy nhiên, đến nay nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố nơi tổ chức các môn thi của SEA Games 31 vẫn còn “loay hoay” trong việc xác định phương án đón khán giả, đơn cử như: điều kiện nào được mở đón khán giả bình thường, điều kiện nào phải cho thi đấu kín, số lượng khán giả như thế nào, yêu cầu phòng dịch đối với khán giả ra sao,… Địa phương mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn về phương án đón khán giả càng sớm càng tốt bởi chưa đầy một tháng nữa SEA Games sẽ khai mạc.

Tận dụng “cơ hội vàng” để đổi mới

Yếu tố an toàn là chưa đủ, muốn đẩy nhanh quá trình phục hồi, đặc biệt đối với thị trường du khách quốc tế, ngành du lịch các tỉnh, thành phố cần phải có những đổi mới, bứt phá trong xây dựng sản phẩm, tour tuyến, cũng như phương pháp quảng bá.

Với vai trò là “nhạc trưởng”, Thủ đô Hà Nội đã sớm đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới để phục vụ các đoàn vận động viên, phóng viên báo chí và du khách quốc tế. Ví như, đi bộ khám phá không gian Pháp trong lòng Hà Nội, tour đêm linh thiêng Hỏa Lò, giải mã Hoàng Thành Thăng Long, khám phá hình ảnh 3D ban đêm Quốc Tử Giám hay gần đây nhất là trải nghiệm bay kinh khí cầu ngắm Hà Nội trên cao…

Tận dụng cơ hội để quảng bá du lịch ngay tại “sân nhà”, thành phố cũng triển khai tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Thủ đô một cách toàn diện, thông qua các kênh truyền thông, truyền hình trong nước, kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác. Đặc biệt đối với thị trường quốc tế, bên cạnh dòng khách truyền thống như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc thì thị trường Đông Nam Á được coi là thị trường mục tiêu quan trọng trong dịp này.

Việc đổi mới tư duy làm du lịch, tận dụng hiệu quả các cơ hội để “làm nóng lại” ngành du lịch Thủ đô, Hà Nội dự kiến sẽ đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, trong đó đón khoảng 3 triệu lượt khách nội địa và 150-200 nghìn lượt khách quốc tế trong quý II/2022. Đây sẽ là tiền đề để đón nhiều khách quốc tế hơn từ quý III và quý IV/2022.

Mặt khác, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, lại tập trung làm mới các sản phẩm sẵn có, đặc biệt là nỗ lực tạo ra các sản phẩm du lịch biển đẳng cấp 5 sao để hấp dẫn du khách. Một trong số sản phẩm du lịch mới nhất của thành phố Hạ Long là du thuyền nhà hàng Sea Octopus. Sự kiện đang được mong chờ sắp tới đây là “Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh dịp 30/4-1/5, với điểm nhấn là chương trình Carnaval Hạ Long năm 2022 mang chủ đề “Hạ Long - Kỳ quan bừng sáng cùng SEA Games 31”.

Cũng trong dịp này, thành phố Hạ Long sẽ khai trương Phố đêm Du thuyền. Đây là sản phẩm du lịch mới được chính quyền thành phố phê duyệt thực hiện thí điểm trong 1 năm với chuỗi 30 du thuyền sẽ trở thành các "nhà hàng di động," phục vụ ăn uống tại khu vực neo đậu của Cảng tàu du lịch Hòn Gai.

Tỉnh Phú Thọ mong Ban Tổ chức đại hội sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương chủ động triển khai công tác bán vé các trận đấu, nhất là các trận của Đội tuyển U23 Việt Nam. Do gần 100% người dân đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nên tỉnh Phú Thọ muốn đón khán giả vào kín sân Việt Trì để cổ vũ Đội tuyển U23 Việt Nam.

Nhìn chung, trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước, SEA Games 31 được xem là cơ hội “có một không hai” giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Dù vậy, vẫn chưa thể lơ là ảnh hưởng từ dịch bệnh lúc này, khi việc thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc phòng chống dịch không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham dự sự kiện, mà còn ghi điểm cộng cho nước chủ nhà trước bạn bè quốc tế, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách.

Đọc thêm