Ngàn dặm Tổ quốc thân yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có những người trẻ yêu quê hương, đất nước từ câu chuyện kể, các bài học lịch sử. Nhưng lại có người trẻ yêu Tổ quốc bằng những chuyến đi đến mọi miền Nam – Bắc. Đó là một thứ tình cảm nảy nở từ vẻ đẹp rừng núi hùng vĩ, bền bỉ và thủy chung tựa như dòng sông hiền hòa.
Những chuyến đến các vùng miền, khiến người trẻ càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam xinh đẹp. (Nguồn: Thúy Hiền Nguyễn)
Những chuyến đến các vùng miền, khiến người trẻ càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam xinh đẹp. (Nguồn: Thúy Hiền Nguyễn)

Đi xa để thấy quê hương sao mà thân thương đến vậy...

Những ngày cuối tháng 4, Phạm Thùy Trang (25 tuổi, Hà Nội) đang bận rộn chuẩn bị hành lý cho chuyến đi du lịch đến Huế, Đà Nẵng trong những dịp lễ sắp tới. Trang chia sẻ, cô đã có thói quen đi du lịch trong và ngoài nước từ khi học đại học. Mặc dù đã đến rất nhiều nơi, đối với Trang, được đi du lịch ở quê nhà, đặt chân trên chính Tổ quốc thân yêu của mình vẫn là điều tuyệt vời nhất: “Tôi đã từng đi đến một số nước Đông Nam Á và Đông Á. Thú thật, càng đi nhiều, tôi lại càng cảm thấy yêu phong cảnh thiên thiên, con người Việt Nam”.

Trang cho biết, cô đã đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore..., những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á, nhưng khi mở mắt, thức dậy mỗi buổi sáng tại đó, xung quanh chỉ có những tòa nhà cao lớn, đường lát bê tông cứng nhắc: “Trong một chuyến đi đến Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi thức dậy đón bình minh trong một khách sạn ba sao, thay vì có cảnh đẹp nao lòng như trên phim, tôi chỉ thấy những đường cao tốc, tiếng còi xe. Kỳ lạ thay! Khi những ngọn cây xanh, tiếng chim hót thật hiếm gặp. Thời gian lưu trú tại Bắc Kinh, tôi bỗng “thèm” một cơn mưa giông, một cơn mưa bụi lất phất của Việt Nam”. Trang cho biết, ở Hà Nội, cô chỉ cần ra ngoại thành cách vài chục km, cô có thể hòa mình vào thiên nhiên núi đồi, mùi cỏ tươi mát, không khí trong lành: “Tôi thường khoe với bạn bè quốc tế, ở quê hương Việt Nam của tôi, có thể “chữa lành” với thiên nhiên ở bất cứ đâu, chỉ cần mở mắt ra, chúng tôi đã thấy được màu xanh của cây cối, bầu trời đầy nắng”.

Giống với Thùy Trang, Minh Hiền (30 tuổi, Hưng Yên) cũng có sở thích đi “phượt”. Trước đây, Minh Hiền thường chọn địa điểm du lịch nước ngoài, nhưng khi đã có “tuổi” hơn một chút, cô lại thích đi du lịch nội địa hơn. Hiền chia sẻ, đi du lịch ở nước ngoài thật sự rất cô đơn, cô bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh để gặp gỡ, nói chuyện cố gắng hòa đồng với nền văn hóa khác nhau: “Khi mười chín, đôi mươi, tôi cảm thấy đi du lịch nước ngoài rất thú vị. Nhưng những năm gần đây, tôi lại thích lang thang ở Việt Nam nhiều hơn”.

Minh Hiền tâm sự, được nói chuyện với những con người cùng chung một thứ ngôn ngữ, tâm sự, chia sẻ với họ chính là niềm vui của cô: “Tôi được nghe câu chuyện về đời sống du canh, du cư của người dân tộc Chứt ở Quảng Nam, được gặp gỡ người Thái ở Hòa Bình, được nghe câu chuyện về cuốn sách cổ xưa của người Dao,... Càng đi, tôi mới nhận ra, nền văn hóa bản địa của đất nước mình phong phú, đa dạng, hấp dẫn đến thế. Con người Việt Nam thân thiện, hòa đồng đến như vậy”. Đối với Minh Hiền, cảnh đẹp Việt Nam mỗi mùa mỗi khác. Mùa xuân hoa đào bung nở trên vùng cao Tây Bắc, mùa hạ nước biển trong veo như hòn ngọc quý, mùa thu Đà Lạt hiu hiu cơn gió nhẹ, mùa đông ngắm tuyết rơi mơ màng trên đỉnh Mẫu Sơn.

Đi xa để thấy quê hương là nơi chúng ta trở về. (Nguồn: Thùy Trang)

Đi xa để thấy quê hương là nơi chúng ta trở về. (Nguồn: Thùy Trang)

Trong hành trình đi phượt của mình, Hiền nhớ nhất trong một lần leo đỉnh Tà Xùa (tỉnh Yên Bái), đứng trên đỉnh núi cao hàng nghìn mét, nhìn bầu trời mây rộng lớn như một tấm thảm vạn dặm, lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, Hiền cảm thấy vô cùng tự hào: “Lúc đó, tôi nhìn những du khách nước ngoài xung quanh mình, cảm thấy thật hãnh diện khi là người Việt Nam. Được đứng trên mảnh đất anh hùng, tự hào nói ngôn ngữ mẹ đẻ thân yêu”.

Đối với nhiều người du lịch chỉ là thăm thú cảnh đẹp nhưng với một số người trẻ hiện nay, du lịch đã giúp mở rộng cánh cửa trái tim, để họ nuôi dưỡng ngọn lửa yêu quê hương, đất nước, con người Tổ quốc của mình. Như Chế Lan Viên đã từng có câu “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng có cơ hội đi xa, thăm thú nhiều nơi, ngắm nhìn phong cảnh của thế giới. Nhưng để rồi, không ít người chợt nhận ra, “đi xa để thấy quê hương là nơi chúng ta trở về”. Trở về với mái nhà xưa bình dị, trở về với món ăn dân dã dưa cà, trở về trong thanh âm của nguồn cội. Trở về sau khi đã phát hiện nơi đâu bầu trời cũng xanh màu mây trắng, nơi đâu bản làng cũng lấp ló, dập dìu sau những dãy núi dài. Nhưng chỉ có quê hương sẽ luôn giang rộng vòng tay đón ta trở về, bao bọc chở che, trao cho ta tình yêu thương của mọi người xung quanh ta và là nơi mà chúng ta có thể tự hào.

Yêu những chặng đường lịch sử từ mỗi chuyến đi

Thiên nhiên Việt Nam không chỉ tươi đẹp, mà mỗi tấc đất, mỗi nhành hoa, cây cỏ đều được xây dựng từ xương máu của tổ tiên, ông cha ta để lại. Có những người trẻ dành niềm đam mê khám phá di tích lịch sử, điểm đến văn hóa, tâm linh.

Bùi Phương Trí (26 tuổi, Hải Phòng) cho biết, anh thường tìm đến các địa điểm văn hóa, di tích lịch sử khi đặt chân đến các tỉnh, địa phương: “Các điểm đến văn hóa, lịch sử ẩn chứa bên trong câu chuyện của cả trăm, ngàn năm lịch sử. Đó là cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy các giá trị đó cho hiện tại và tương lai”.

Những chuyến đi để lại ấn tượng sâu đậm cho anh như đến thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội),... Một trong những chuyến đi mà anh nhớ nhất đó là lần về quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trí đã đến ngôi nhà bác từng sống, nghe người thuyết minh kể về câu chuyện cuộc đời Bác, từ thuở bé mồ côi mẹ, cho đến chuyến hành trình tìm đường cứu nước khiến Trí rất xúc động: “Quả thật, tôi đã khóc khi nghe câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cảm thấy khâm phục Bác, một người tài năng và đức độ”.

Một địa danh nữa ghi dấu trong lòng của Trí đó là Địa đạo Củ Chi. Anh bày tỏ lòng ngưỡng mộ với di tích lịch sử này. Đối với anh địa đạo giống một thành phố thu nhỏ dưới lòng đất, với những “trận đồ” biến hóa khôn lường của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Địa đạo Củ Chi có hệ thống phòng thủ kiên cố, tinh vi trong lòng đất. Hệ thống địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn, mà đã trở thành nơi sinh hoạt, hội họp quân sự, cứu thương, chế tạo và tàng trữ vũ khí. Trí nói: “Trước đây, tôi thường cảm thấy những bài học lịch sử trong sách giáo khoa thật khô khan, nhưng khi đến các địa điểm đã từng là căn cứ, địa đạo mới cảm thấy kính nể những người lính, người cách mạng thông minh, tài trí”.

Các địa danh lịch sử đã giúp người trẻ hâm nóng mạch nguồn lịch sử của ông cha xưa kia. (Nguồn: Dế Mèn Du ký)

Các địa danh lịch sử đã giúp người trẻ hâm nóng mạch nguồn lịch sử của ông cha xưa kia. (Nguồn: Dế Mèn Du ký)

Đối với Trần Tiến Đạt (28 tuổi, Hà Nội), anh rất yêu thích lịch sử thế kỷ XX của Việt Nam. Đạt kể lần đầu tiên tự đi “phượt” một mình, anh đã không ngần ngại chọn vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ: “Ngoài phong cảnh hữu tình, tỉnh Điện Biên còn ghi dấu hàng loạt các mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam”. Đạt đã đặt chân đến phần lớn các địa danh lịch sử như Đồi A1, hầm Tướng De Castries, Bảo tàng Điện Biên, Nghĩa trang liệt sĩ, đồi F (Đền liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ) đều nằm ở khu vực trung tâm của lòng chảo Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh (nay là trung tâm thành phố Điện Biên Phủ).

Tiến Đạt chia sẻ: “Tôi ấn tượng nhất với Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở đồi D1, cách các di tích kể trên hơn gần 2km. Đây hiện là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Chỉ cần ngắm nhìn tượng đài, lòng tôi dâng lên cảm xúc hào hùng, tự hào về Tổ quốc, những chiến sĩ đã dành hết tuổi xuân để xây dựng nên cuộc sống ấm no, hòa bình cho thế hệ trẻ hiện tại”.

Thực tế, đối nhiều người trẻ hiện nay, đi du lịch, đi phượt không phải chỉ là những chuyến đi chơi để thỏa mãn trí tò mò. Mà lớn hơn, họ đi khám phá, thăm thú các địa danh văn hóa, di tích nổi tiếng. Để từ đó, giúp họ “hâm nóng” mạch nguồn lịch sử của cha ông, giữ gìn âm vang khúc tráng ca bất hủ về tinh thần yêu nước, ý chí tiến công, tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do của dân tộc. Sau những chuyến đi, có không ít người trẻ như Tiến Đạt, Phương Trí ngày càng thấu hiểu, trân trọng sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông - những người đã góp công xây dựng một đất nước Việt Nam bình yên, hạnh phúc cho thế hệ trẻ ngày nay.