Cơ hội và thách thức từ EVFTA?

(PLVN) - Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. 
Vận tải biển và hàng không là những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh sau khi thực thi EVFTA
Vận tải biển và hàng không là những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh sau khi thực thi EVFTA

Những tác động tích cực về hoạt động xuất nhập khẩu

Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cho thấy EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). 

Cụ thể hơn, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có Hiệp định. Trong đó cao nhất là vận tải hàng không tăng tới 141%; vận tải thủy tăng 100%; da giày tăng 99%, may mặc tăng thêm 81% và mặt hàng gạo tăng thêm 65% vào năm 2025. 

Trong các tác động tích cực về mặt XK, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về ngành hàng thủy sản. Theo đánh giá, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho XK thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn như chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn. Dự kiến, XK mặt hàng này vào EU sẽ tăng rất chậm, với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030, trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8%-5%).

Ở chiều thương mại ngược lại, nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Nhóm hàng được dự báo tăng NK nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị NK tăng thêm. 

Hiện Việt Nam là nước NK lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường NK lớn thứ tư của Việt Nam với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế NK đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng NK và có thể giảm ở các thị trường khác. Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, kể cả XK và NK, từ đó giúp giảm dần các cuộc “giải cứu” và nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), bao gồm sẽ giảm thu NSNN do giảm thuế NK và thuế XK. Đồng thời tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế XK, thuế NK theo lộ trình của Hiệp định EVFTA là 2.537,3 tỷ đồng. Nhưng thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Mức tăng sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng. 

Đối mặt thách thức

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, EVFTA cũng mang lại những thách thức nhất định với Việt Nam như các cam kết về lao động - công đoàn và môi trường có thể làm gia tăng sức ép trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng như các tổ chức quốc tế khác. 

Do vẫn là nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao, lại đang chuyển đổi nên Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số khó khăn. Ví dụ như sức ép tuân thủ các quy định quốc tế về lao động có thể làm gia tăng chi phí lao động, giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí là gây căng thẳng một số mối quan hệ xã hội nếu ta không có các biện pháp chuẩn bị và xử lý khéo léo.

Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế - pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới…

Ngoài ra, những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các DN tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam.

Vẫn theo đại diện Bộ Công Thương, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững… nên để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

“Nguy cơ gian lận xuất xứ hàng Việt sẽ tăng cao”

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương):

“Khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai bên sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế NK sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán 

rằng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) giữa hai bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa NK.

 

Việc thực thi EVFTA đòi hỏi các DN cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.

Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.

Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung. Điều này tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà NK, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các DN hạ nguồn”.

“Nên đầu tư để có cách tiếp cận thị trường bài bản”

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): 

“Một DN đưa hàng vào thị trường EU nên chấp nhận đầu tư vài chục nghìn USD thuê một công ty nghiên cứu, đánh giá, xem hàng vào EU cần đáp ứng quy định gì. Bởi nếu DN xác định EU là thị trường mục tiêu thì phải có cách tiếp cận bài bản. 

 

Ví dụ như trong thị trường thực phẩm, khi thực thi EVFTA, điều thuận lợi lớn nhất là thị trường EU cùng một khối, nên các quy định về hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu tối thiểu bắt buộc phía EU đặt ra. Chính vì thế, các DN cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để ngoài việc vượt qua hàng rào bắt buộc từ phía Việt Nam mới có thể chinh phục khách hàng EU.

Các DN sẽ phải chú ý các quy tắc để đáp ứng được những điều kiện của phía EU, có như vậy mới tận dụng tất cả những cơ hội từ EVFTA. Nhưng DN cũng không nên quá bi quan, bởi Hiệp định cùng các quy tắc không đặt thêm rào cản mới, thậm chí còn giúp cho DN tháo gỡ những rào cản này một cách minh bạch hơn. Đã có những DN Việt Nam rất quen thuộc với thị trường EU. Những kinh nghiệm này cần được lan tỏa ra cho nhiều DN khác để có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía EU”.

Đọc thêm