Theo ông Hưng, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ 3 nội dung chính về việc tổ chức xin lỗi công khai. Thứ nhất là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi.
Thứ hai là trong thời hạn 30 ngày kể từ nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi. Thứ ba là có thể xin lỗi qua 2 hình thức là trực tiếp xin lỗi tại nơi cư trú người bị oan hoặc đăng báo cải chính trên báo chí Trung ương và địa phương.
Nói về vụ việc xảy ra trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, ông Hưng cho rằng, Luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong Luật quy định chưa rõ ràng, do đó xảy ra sự cố đáng tiếc là thành phần tham gia có hành vi gây rối.
Ông Hưng khẳng định, cũng như các buổi xin lỗi người bị oan trước đây, trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng đều tham dự đầy đủ từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, đến cơ quan xét xử, thể hiện sự cầu thị của các cơ quan.
Người nhà nạn nhân gây cảnh tượng hỗn loạn trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long |
"Tuy nhiên, việc tổ chức xin lỗi ông Long có những sự cố khi có hành vi vượt quá của gia đình nạn nhân, tôi không bình luận nhiều. Khi cơ quan Nhà nước đã xác định người bị oan, việc oan đã chứng minh là có căn cứ pháp luật thì đứng ra xin lỗi, còn trách nhiệm xác định, truy tìm thủ phạm do các cơ quan điều tra tiến hành, theo thời gian và quy trình cụ thể. Với hành vi gây rối của người nhà bé Yến, theo quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Hưng nói.
Đối với vấn đề này, Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cũng đã "tính" đến. Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ nghiên cứu quy định một cách cụ thể, thay vì phải có đơn yêu cầu của người bị oan mới tổ chức xin lỗi thì trong quá trình giải quyết bồi thường, cơ quan có trách nhiệm phải tổ chức xin lỗi công khai. Riêng đối với yêu cầu khôi phục danh dự sẽ không có thời hiệu, còn với tài sản thì thời hiệu là 3 năm.
Phó Cục trưởng Trần Việt Hưng: Tới đây sẽ quy định cụ thể về địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan phải xin lỗi |
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan phải xin lỗi trong việc tổ chức xin lỗi công khai, làm sao để có tính khả thi cao nhất. Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho hay, quy định pháp luật là một chuyện, còn việc tổ chức xin lỗi muốn bảo đảm tính nghiêm minh, thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước lại phụ thuộc phương án bảo vệ buổi xin lỗi của cơ quan phải xin lỗi.
Trước đó, vào chiều 25/4, tại trụ sở UBND xã Phúc Sơn, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức buổi lễ xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại thôn Yên Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) – người bị kết án tử hình oan.
Tuy nhiên, buổi xin lỗi đã diễn ra không đúng như dự kiến khi người nhà bị hại đến từ sớm, họ mang theo di ảnh của cháu bé bị sát hại vào năm 2005 vào hội trường. Người nhà nạn nhân cho rằng, việc công khai xin lỗi ông Long là không đúng vì hung thủ chưa bị bắt.
Buổi lễ vẫn diễn ra trong hỗn loạn, ông Hàn Đức Long và vợ phải được bảo vệ để đi vào khán phòng. Nhưng hai vợ chồng ông phải rời hội trường của UBND xã Phúc Sơn ngay sau đó, dù buổi lễ chưa kết thúc, khiến ông Long thêm suy sụp.