‘Cô lái đò’ Bắc Giang được Bộ GD&ĐT tuyên dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là giáo viên trẻ có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh Bắc Giang, cô Nguyễn Thị Dung là một trong số 58 giáo viên tiêu biểu có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy được Bộ GD&ĐT tuyên dương trong dịp 20/11 năm nay.

Cô Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1994), là giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Sơn Động số 1, huyện Sơn Động.

Vốn không thích sự nhàm chán, cô Dung thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu để thiết kế những nội dung bài giảng đổi mới, sáng tạo, khuyến khích học sinh tham gia tích cực nhất. "Tôi may mắn được tiếp cận nhiều với các phương pháp học tập tích cực từ khi còn là sinh viên. Từ đó tôi thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương phương dạy để học sinh dễ dàng tiếp thu, hứng thú với bài học", cô Dung chia sẻ.

Cô Dung liên tục được tuyên dương, khen thưởng trong quá trình công tác.

Cô Dung liên tục được tuyên dương, khen thưởng trong quá trình công tác.

Trong suốt thời gian 7 năm công tác, cô Dung đã có rất nhiều phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó có các biện pháp, sáng kiến được công nhận ảnh hưởng cấp ngành như: Sử dụng trò chơi vào giảng dạy chương III - Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào – Sinh học 10 cho học sinh trường THPT Sơn Động số 1 – huyện Sơn Động – Tỉnh Bắc Giang; Sử dụng Liveworksheets vào dạy học chương I – Cơ chế di truyền và biến dị - Sinh học 12 nhằm nâng cao sự hứng thú và chủ động của học sinh trong học tập; Sử dụng kĩ thuật Think – Pair – Share và mô hình trực quan vào dạy học chuyên đề “Tế bào nhân thực” - Sinh học 10 nhằm nâng cao sự hứng thú và chủ động của học sinh THPT; Xây dựng video bài giảng và sử dụng ứng dụng Edpuzzle kết hợp mô hình lớp học đảo ngược vào dạy học phần kiến thức cốt lõi trong chủ đề “Cảm ứng ở động vật” – Sinh học 11 nhằm nâng cao sự hứng thú và phát triển năng lực tự học cho học sinh THPT.

Các phương pháp sáng tạo trong giảng dạy rất hay nhưng việc triển khai trong thực tế không mấy dễ dàng. Theo cô Nguyễn Thị Dung, trong quá trình áp dụng bài giảng vào thực tế, cô đã gặp rất nhiều khó khăn như: Học sinh không hợp tác, điều kiện về cơ sở vật chất chưa cho phép...

Dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng nữ giáo viên môn Sinh học vẫn không hề nản lòng, tùy vào tình huống cụ thể, cô luôn có cách để điều chỉnh cho phù hợp nhất.

"Khi ứng dụng ứng dụng phiếu học tập tương tác Liveworksheet tại lớp cần yêu cầu học sinh phải có điện thoại để làm phiếu học tập, không phải lớp nào cũng đảm bảo 100% học sinh có điện thoại. Trong trường hợp này, tôi không cho học sinh làm bài tập cá nhân mà mình chuyển sang làm bài tập theo nhóm cặp hoặc thảo luận theo nhóm, đảm bảo tất cả các học sinh được tham gia.

Với những phương pháp thu hút được nhiều học sinh, tạo sự tích cực cho các em, tôi sẽ áp dụng thường xuyên hơn như: Sử dụng trò chơi khi dạy học, sử dụng thiết kế các mô hình trực quan; sử dụng kĩ thuật Think – Pair – Share. Còn với những phương pháp học sinh cảm thấy khó hoặc không hợp tác, tôi thường áp dụng ở những lớp chọn khá giỏi trước, sau đó có thể áp dụng sang các lớp đại trà; hoặc có thể kết hợp hoặc biến tấu sao cho đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn.

Hiện tại, về cơ bản các sáng kiến của tôi vẫn áp dụng ở các lớp, tùy nội dung bài và tùy vào lớp tôi giảng dạy mà lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp”, cô Dung nói.

Cô giáo Bắc Giang nhận được nhiều tình cảm của học sinh.

Cô giáo Bắc Giang nhận được nhiều tình cảm của học sinh.

Đặt mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch cụ thể, chia nhỏ công việc để có động lực làm việc hơn... nhờ đó mà cô Nguyễn Thị Dung luôn đạt hiệu quả cao trong công tác giảng dạy.

Không dừng lại ở đó, cô Dung còn thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp về các phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt với những sáng kiến có áp dụng CNTT, sử dụng các nền tảng dạy học mới. Khi cô Dung chia sẻ về phiếu học tập tương tác trực tuyến Liveworksheet, có rất nhiều thầy cô đã ứng dụng, áp dụng vào giờ học và cũng đạt hiệu ứng tốt.

Mặc dù là một giáo viên trẻ, nhưng cô Dung đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Cô luôn áp dụng nhiều phương thức khác nhau để học sinh hào hứng tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm, trải nghiệm, thích thú với tiết học, từ đó dễ dàng và tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sau hơn 7 năm giảng dạy tại mái trường vùng cao, cô Dung đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2020-2024, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm liên tục (2020- 2022).

Năm học 2022-2023, cô được Chủ tịch UBND huyện Sơn Động tặng Giấy khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh; được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.

Ba năm học gần đây, cô Dung đều dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh của nhà trường đoạt giải.

Ba năm học gần đây, cô Dung đều dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh của nhà trường đoạt giải.

Công việc của một giáo viên đã bận rộn, với cô Dung lại bận hơn gấp nhiều lần do luôn phải tìm kiếm, đổi mới công tác giảng dạy thế nhưng cô vẫn không quên dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình.

“Tuy công việc có hơi khó khăn, vất vả nhưng tôi luôn được Ban giám hiệu Nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và gia đình động viên, quan tâm, giúp đỡ. Đó chính là động lực để tôi làm việc, cố gắng phấn đấu hơn nữa”, nữ giáo viên trẻ bày tỏ.