“Cò” lộng hành ở Bệnh viện Tâm thần

Phía trước hai cổng luôn có khoảng 6 “cò” gồm cả nam và nữ, hoạt động một cách công khai. “Cò” nam  thường ngụy trang bằng chạy xe ôm, còn  “cò” nữ  thường lấy cớ bán nước bên vỉa hè. Một số người buôn bán ở quanh khu vực BV Tâm thần TW2 cho biết, sở dĩ do “cò” ngày một lộng hành táo tợn bất chấp quy định của pháp luật là do mỗi lần đưa khách đến các phòng khám là được hưởng ngay từ 150 - 200 ngàn đồng.

Bệnh viện Tâm thần Trung Ương II (gọi tắt BV Tâm thần TW2 - ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là trung tâm khám bệnh và điều trị các bệnh về thần kinh ở khu vực phía Nam.

Nhiều năm qua, bệnh viện đã liên tục đổi mới về hình thức và dịch vụ khám chữa bệnh nhằm đem lại điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân tới đây do thiếu thông tin đã bị “cò” xúi giục, lôi kéo tới những phòng khám tư nhân không được đảm bảo về chuyên môn dẫn đến cảnh… tiền mất bệnh vẫn mang

Điểm mặt cò…

Nhiều ngày đầu tháng 6/2013, trong vai người đi khám bệnh chúng tôi tìm tới BV Tâm thần TW2. Đang chạy rà rà xe ở khu vực trước cổng phụ thuộc đường Nguyễn Ái Quốc, lập tức xuất hiện một nhóm khoảng 4 người nháo nhào chạy theo vẫy tay, ra hiệu dừng xe.

 “Cò” đang chèo kéo khách ngay trước cổng BV Tâm thần TW2
“Cò” đang chèo kéo khách ngay trước cổng BV Tâm thần TW2

Một người đàn ông trong nhóm (sau này qua tiếp xúc chúng tôi được biết tên là Bé) cất lời: “Đi thăm hay khám hả anh trai?”. Nghe chúng tôi trả lời là đi khám. Người đàn ông tên Bé nhanh nhẩu:

“Vô bệnh viện làm chi cho mệt, ở trỏng khám lâu lắm, tới chiều cũng không xong đâu… Anh trai qua bên kia đường khám cho nhanh” – vừa nói Bé vừa chỉ tay tới một phòng khám nằm đối diện bệnh viện.

Chưa kịp phản ứng gì thì cò Bé hỏi tới tấp: “Mà anh khám bệnh gì?”. “Đau đầu hay mất ngủ?”. Chúng tôi trả lời đại là bị đau đầu, rất khó ngủ …

Nghe vậy, “cò” này liền nói: “Trời… đau đầu thì có gì đâu, anh qua bác sĩ Tám bên kia đường kia kìa…Qua đó ổng khám cho anh chừng 10 phút lấy thuốc về uống là xong.  Nếu anh mà vô viện mất nhiều tiền lắm, tiền mua sổ, tiền khám, rồi chầu chực tới “số” … “Thế bác sỹ Tám có khám mất ngủ không”- tôi hỏi cắt ngang.

Nghe vậy, “cò” này liền nổ thêm một tràng: “Ổng cũng khám nhưng không hay bằng bác sĩ Hà ở gần đây. Những người đến đây khám mất ngủ chủ yếu tới phòng khám bác sĩ Hà… “Cò” chỉ về phòng khám bác sỹ Hà nằm đối diện với Ngân hàng Tín Nghĩa cách đó chừng hơn 100 m.

Để lọt qua “vòng vây của cò” chúng tôi đành phải lấy cớ tìm quán cà phê uống nước. Thấy chúng tôi đi xe chậm, hướng nhìn vào bệnh viện, lập tức hai người đàn ông tên là Hiếu và Hạnh vẫy tay lại. “Khám bệnh gì anh hai… Bệnh gì nói đi tui chỉ chỗ khám nhanh cho. Nếu khám đau thần kinh thì qua phòng khám của bác sỹ Chiến ở  bên đường kia kìa… Chỗ mấy chiếc xe hơi đang đậu đó. Ổng Chiến là Trưởng khoa thần kinh trong bệnh viện đó. Ổng đoán  bệnh hay lắm…”.

Nhiều ngày tại đây quan sát chúng tôi nhận thấy ở phía trước hai cổng luôn có khoảng 6 “cò” gồm cả nam và nữ, hoạt động một cách công khai. “Cò” nam  thường ngụy trang bằng chạy xe ôm, còn  “cò” nữ  thường lấy cớ bán nước bên vỉa hè .

Một số người buôn bán ở quanh khu vực BV Tâm thần TW2 cho biết, sở dĩ do “cò” ngày một lộng hành táo tợn bất chấp quy định của pháp luật là do mỗi lần đưa khách đến các phòng khám là được hưởng ngay từ 150 - 200 ngàn đồng.

Thông thường, việc đưa tiền cho “cò” được thực hiện sau khi bác sỹ đã khám cho bệnh nhân và sau đó gặp “cò” tại các quán cà phê (chủ yếu là cà phê Góc Phố - nằm trong một con hẻm kín, đối diện BV Tâm thần TW2 hoặc diễn ra ngay trên đường …

Kể với chúng tôi, một bảo vệ bệnh viện cho biết: “Chúng tôi làm việc ở đây chủ yếu là giữ gìn an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện. Tình trạng “cò” hoạt động bên ngoài chúng tôi cũng biết và báo cáo cho bệnh viện, tuy nhiên họ hoạt động ở ngoài nên chúng tôi không có cơ sở gì để mà ngăn chặn vì họ không chèo kéo trong bệnh viện”.

Nói về tình trạng “cò bệnh viện tâm thần lộng hành”,  Công an phường Tân Phong, TP. Biên Hòa cho biết: “Tình trạng cò tại BV Tâm thần TW2 đã có từ lâu; thời gian gần đây, nhiều phòng khám còn cho “cò” tới tận các điểm chờ xe buýt như Ngã tư Vũng Tàu, ngã tư AMATA, Công viên 30/4 (TP. Biên Hòa)… móc nối với xe ôm để kiếm khách. Các xe ôm ở các điểm trên kiếm được khách muốn về BV Tâm thần TW2 khám bệnh thì giá nào cũng chở.

Trên đường đi, xe ôm sẽ dụ bệnh nhân vào phòng khám tư cho nhanh lẹ.  Công an phường đã lập hồ sơ từng “cò” một để theo dõi, đồng thời báo cáo tình hình hoạt động của các phòng khám cấu kết với “cò” lên công an thành phố Biên Hòa… Công an cũng cho biết, phòng khám của các bác sĩ Hà, “Hòa nhỏ” và bác sĩ Liêm (phường Tân Tiến) có dấu hiệu cấu kết với “cò” nhiều nhất.

Không bệnh cũng thành…có bệnh

Đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn đi qua BV Tâm thần TW2 dài chưa đầy một cây số, thế nhưng có khoảng hơn 20 phòng khám chuyên khoa tâm thần kinh. Ở gần bệnh viện nhiều phòng khám nằm sát nhau như thể tranh giành khách.

Trước mỗi phòng khám đều có treo bảng hiệu to chình ình giới thiệu: đo điện não, tên bác sĩ, số điện thoại liên hệ…. Có nơi liệt kê ra hàng loạt các triệu chứng của bệnh tâm thần kinh như: đau đầu, mệt mỏi, thiếu sức, suy nhược, kiệt quệ, giảm trí nhớ, kém tập trung…

Điểm mặt các
Điểm mặt các "Cò"

Từ lời chỉ dẫn quá nhiệt tình của “cò” Hiếu, chúng tôi vào phòng khám của bác sĩ C. khi vị bác sĩ này đang nằm trên chiếc ghế bố…đọc báo. Không như quảng cáo về sự hiện đại cũng như quy mô, phòng khám của bác sỹ C. chỉ rộng chừng 6m2, gồm một máy vi tính, một chiếc bàn vuông đặt sổ khám bệnh và dụng cụ đo huyết áp…

Trò chuyện với chúng tôi, bác sỹ C. cho biết làm ở BV Tâm thần TW2 hơn 17 năm… Sau một hồi hỏi han về triệu chứng, bác sĩ C.  chỉ định tôi đi đo điện não. Phòng Điện não đồ cũng chẳng khá hơn, bên trong chật chội để một máy vi tính và một máy đo điện não cũ kỹ hằn lên những vết rỉ sét. Bảo chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế, cô nhân viên trùm lên đầu một tấm khăn và thoa lên đầu một dung dịch lỏng nhầy nhầy. Nhân viên này cho biết vào đây làm riết thành quen chứ không phải là y tá hay điều dưỡng gì…

Sau khi có kết quả, bác sĩ C. cho biết điện não đồ bình thường, nhưng khuyên rằng: “Dây thần kinh hơi yếu, sức chịu đựng kém trước những sự cố tâm lý. Kèm theo lời phán là đơn thuốc để uống tới 14 ngày.

Trước khi rời phòng khám, bác sĩ C. còn dặn thêm: “Uống thuốc hai tuần chỉ chữa hết đau đầu nhất thời, còn muốn hết hẳn bệnh suy nhược thần kinh thì cần phải chữa trị lâu dài và tái khám nhiều lần”.

Rời phòng khám của bác sĩ C. chúng tôi còn đến phòng mạch của bác sĩ H. Khi chúng tôi mới tới đây và bảo là do “cò” Hạnh giới thiệu, một nữ nhân viên liền bốc máy gọi điện thông báo có khách cho bác sĩ H. Ngay sau đó chừng 10 phút, dù đang trong giờ làm nhưng bác sỹ H. vẫn bỏ công việc về phòng để … điều trị cho khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cầu– Phó Giám đốc BV Tâm thần TW2 cho biết, nhiều năm gần đây bệnh viện đã liên tục cải tổ trong việc thăm khám qua việc mở thêm các hình thức khám dịch vụ và khám bảo hiểm…

 “Cò” chỡ bệnh nhân từ cổng bệnh viện đi ngược chiều đường vào phòng khám bác sỹ H.
“Cò” chỡ bệnh nhân từ cổng bệnh viện đi ngược chiều đường vào phòng khám bác sỹ H.

Hiện tại lượng bệnh nhân đến khám không nhiều nên không phải chờ lâu và giá cả cũng được niêm yết công khai. Ngoài ra, bệnh viện còn có nhiều phòng khám chức năng hiện đại khác mà các phòng khám bên ngoài không thể có. Đầu tuần bệnh viện phát loa và đề bảng cảnh giác với “cò” ngay cổng ra vào để ngăn ngừa, nhưng không hiểu sao người bệnh vẫn nghe theo lời “cò” dụ.

Lý giải về các phòng mạch trước cổng bệnh viện, ông Khanh cho biết: Các bác sỹ mở phòng mạch riêng đều có đăng ký với bệnh viện và chỉ thăm khám bệnh nhân ngoài giờ hành chính. Nếu chúng tôi phát hiện bác sỹ nào trốn giờ về khám cho khách sẽ bị kỷ luật ngay.

Công an phường Tân Phong đã điểm mặt các đối trượng làm “cò” tại bệnh viện như: cò Hạnh (khoảng 42 tuổi) ngụy trang bằng cách lấn chiếm vỉa hè bán quán nước trước cổng bệnh viện.  “Cò” Quý (tên thường gọi là Bé) là người cầm đầu chi phối đám “cò” tại hai cổng của bệnh viện. Bé ngụy trang bằng nghề chạy xe ôm, nhưng sinh sống bằng nghiệp “cò” đã nhiều năm nay. Nhưng nguy hiểm nhất là “cò” Phong thường xuyên mặc quân phục bộ đội để tạo thiện cảm, tin tưởng với người bệnh.. Bên cạnh đó còn có các “cò” như: Hiếu; Nhật; Hùng (còn gọi là Chuột)… chạy xe ôm trước cổng bệnh viện

Nguyễn Lộc

Đọc thêm