Có một “bố Chung” của các cô gái vàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tôi rất tự hào về các cô gái Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều, trải qua từng trận đấu, từng giải đấu như vòng loại World Cup đến SEA Games 31”. HLV Mai Đức Chung khẳng định, ông và các học trò tuyển nữ Việt Nam giành tấm Huy chương Vàng (HCV) cảm xúc nhất trong các kỳ SEA Games…
HLV Mai Đức Chung: “ Cuộc đời này coi như tôi đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mình yêu và nhận lại được quá nhiều yêu quý”...
HLV Mai Đức Chung: “ Cuộc đời này coi như tôi đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mình yêu và nhận lại được quá nhiều yêu quý”...

Ý nghĩa hơn một chiếc HCV!

Chiến thắng 1-0 trước Thái Lan giúp Việt Nam củng cố vị thế số 1 trong bóng đá nữ SEA Games với lần thứ bảy đoạt HCV sau các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017 và 2019 - hơn hai lần so với Thái Lan. Ông Chung là HLV trưởng dẫn dắt đội đến vinh quang này năm lần, vào các năm 2003, 2005, 2017, 2019 và 2022.

Chia sẻ sau khi đội tuyển nữ lần thứ ba vô địch liên tiếp, ông xúc động: “Cảm xúc bây giờ vẫn lâng lâng, sung sướng. Trận đấu này có nhiều ý nghĩa: Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, 19 năm tổ chức SEA Games tại Việt Nam. Đất nước vừa qua dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn đăng cai tổ chức giải đấu. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games. Khoảnh khắc này là sung sướng nhất đời người huấn luyện viên của tôi”…

Theo HLV Mai Đức Chung, chiến thắng của Việt Nam trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 31 với Thái Lan có ý nghĩa lớn hơn một chiếc HCV. “Bởi vì cuộc đời này coi như tôi đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mình yêu và nhận lại được quá nhiều yêu quý”...

Ông Mai Đức Chung sinh ra tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Trên giấy tờ ghi năm sinh 1951 song nhiều bạn bè đồng niên cho biết thực tế ông sinh năm 1949. Ông là một cầu thủ đa năng, có thể thi đấu nhiều vị trí. Vị trí sở trường của ông là tiền vệ hoặc tiền đạo, tuy nhiên khi cần ông cũng có thể chơi ở vị trí hậu vệ. Ông được bầu chọn là huấn luyện viên tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2005.

HLV Mai Đức Chung cho biết ông chưa nghĩ tới chuyện giải nghệ: “Tôi chưa công bố về việc này. Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã luôn quan tâm, sát sao với đội tuyển bóng đá nữ. Cảm ơn người hâm mộ cả nước đã liên tục cổ vũ chúng tôi. Có được sức mạnh này chính là nhờ khán rất nồng nhiệt. Ngoài ra, thay mặt BHL cảm ơn câu lạc bộ góp quân cho đội tuyển có được thành tích này”…

Còn nhớ, ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc) vang lên (6/2/2022), HLV Mai Đức Chung cùng các học trò và ban huấn luyện chạy vào sân ăn mừng trong nước mắt. Lần đầu tiên ông Chung thể hiện cảm xúc vỡ òa như vậy. HLV họ Mai nói rằng, ông và các học trò đã đi tới thắng lợi cuối cùng và giữ đúng lời hứa dự World Cup với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Khi được phóng viên của AFC đặt câu hỏi: “ông muốn nói điều gì thật ngắn gọn lúc này?”, ông Chung đáp lại: “Xin cảm ơn cả tập thể”. Lời nói ấy cùng khuôn mặt khắc khổ nhưng đầy phúc hậu, càng khiến ông Chung trở thành một biểu tượng ở đội tuyển nữ Việt Nam.

Nói về hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung kể lại một kỷ niệm thú vị: “Trong chuyến xe bus chở đội đi tập có 60 chỗ, chúng ta đếm trên đầu có 5-6 người đi tập, bao gồm 3 VĐV, 3 thành viên ban huấn luyện. Dân Ấn Độ và các đội khác người ta cứ đứng nhìn, không hiểu đội Việt Nam này giấu bài hay như thế nào. Tôi làm bóng đá bao nhiêu năm rồi nhưng chưa gặp trường hợp nào cam go như thế. Mỗi buổi sáng tôi gõ cửa từng phòng một hỏi thăm. Các cầu thủ nói: “Bác ơi, con vẫn khỏe, bác ơi cháu rất khỏe”, nhưng sao vẫn 2 vạch COVID-19?”.

“Cũng có người cho rằng tài trí của cá nhân mới làm nên thành công cho cả tập thể. Các bạn trẻ thường nhắc đến cụm từ “gánh team” đấy. Nhưng với tôi, phải có tập thể đoàn kết mới tạo điều kiện để cá nhân trở nên xuất chúng, để cá nhân tạo lập được thành công đặc biệt. Mà đúng thật, nhờ có bóng đá nữ Việt Nam mới có ông Chung “gái” thành công và danh tiếng ngày hôm nay. Nhận được bao nhiêu thành quả ngọt ngào như vậy, tôi vui và hạnh phúc lắm”.

Năm 1997, VFF chọn HLV Mai Đức Chung dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam vì tính cách hiền lành và có chuyên môn. Nhưng một đức tính khác rất đáng quý của ông Chung là sự cần mẫn, xốc vác và không ngại khó khăn.

Bởi những giấc mơ quá đẹp!

Đỗ Thị Ngọc Châm, cựu tiền đạo đội tuyển nữ Việt Nam, từng là học trò của HLV Mai Đức Chung chia sẻ: “Tôi là học trò của bác Chung khá lâu, cảm nhận rõ con người bác. Mọi người hay trêu là bác Chung nhìn khắc khổ, nhưng bác hiền lành, điềm đạm và yêu thương các cầu thủ. Bác lo cho bọn tôi từng tí một, hỏi ăn uống được không, trời lạnh cũng hỏi. Bác rất quan tâm và tâm lý với các cầu thủ nữ. Tôi có thời điểm còn giận bác vì không cho tôi cơ hội ra sân ngay sau chấn thương. Đó là khi tôi còn trẻ. Còn giờ, khi lớn rồi, tôi hiểu là bác vì muốn mình hồi phục hẳn chấn thương rồi mới quay lại đá, tránh bị chấn thương lại.

Người chiến binh thầm lặng ở tuổi 73, đã đưa bóng đá nữ ra thế giới

Người chiến binh thầm lặng ở tuổi 73, đã đưa bóng đá nữ ra thế giới

Tôi nghĩ bác thành công với bóng đá nữ vì hiểu và thương các học trò của mình. Và ngược lại, các cầu thủ cũng hiểu đá vì màu cờ sắc áo, đá vì đồng đội và đôi khi đá vì người thầy của mình nữa”...

HLV Mai Đức Chung tiết lộ điều mong đợi nhất chính là tấm... thiệp cưới từ các nữ học trò. “Chúng ta giờ có 6 CLB trong nước thi đấu thôi, giờ chỉ ra ai ở các đội thì tôi đều nắm vững. Tôi mong rằng sẽ có nhiều em, nhiều cháu tham dự thi đấu bóng đá nhiều hơn. Tôi cũng trăn trở cho cuộc sống của các cháu. Không phải chỉ bóng đá nam, giờ bóng đá nữ của tôi cũng có thành tích rồi, cớ sao không được quan tâm. Tôi mong sau khi giải nghệ, các cầu thủ nữ có cuộc sống ổn định và mong muốn hơn nữa của tôi là các cháu có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm”.

Bởi thực tế, các cầu thủ nữ đã cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp quần đùi áo số. Hầu hết các cô gái sau khi giải nghệ đều đã quá tuổi, da đen sạm vì nắng. Có những cầu thủ từ thế hệ vàng cách đây gần 20 năm đến giờ vẫn... “chưa có gì”.

Khi được hỏi, tại sao ông có nhiều lựa chọn mà vẫn nhận đội tuyển nữ, vốn vừa vất vả, vừa không được quan tâm nhiều như bóng đá nam? Ông chia sẻ chân thành: “Bản thân tôi đã từng huấn luyện cả nam và nữ, phải nói rất thật, dạy nữ đá bóng kỳ công và vất vả cực kỳ luôn. Nữ vốn đã chân yếu tay mềm, tiếp thu chiến thuật chậm hơn và không tinh quái bằng nam. Thiệt thòi đủ đường nhưng bù lại, con gái ấy mà, các cháu có nhiều giấc mơ và khao khát bứt phá đến nỗi mình bị thuyết phục. Có những đứa, cả làng phản đối nhưng nó vẫn quyết tâm. Nó hỏi, “Bác ơi, cháu chỉ muốn đá bóng thôi thì có gì sai?”. Chính vì mơ ước đó của chúng nó không có gì sai cả nên tôi mới muốn biến mọi giấc mơ của những cô bé đó thành hiện thực.

Nhưng mà ôi giời ơi, sau tất cả công việc chuyên môn ra thì HLV đội nữ còn phải thường xuyên làm một loại công việc. Tôi vẫn đùa với học trò của mình, một cơ quan có 5 bà đã đau đầu rồi, ở đây bác lại quản lý đến ba mươi mấy “con hổ cái”. Chúng nó cứ cười...

Mọi việc tôi làm luôn tuân theo một mục đích - giúp VĐV tiến bộ. Và đúng là sống ở đời thì nên yêu thương nhau. Yêu thương có nhiều cách. Trong sinh hoạt hay tranh luận, nhường một chút chính là thương. Còn trên sân tập đối xử với nhau công bằng, cương quyết, dứt khoát mới chính là yêu. Thầy ra thầy, trò ra trò mới là yêu thương.

Giữa năm 2021, khi còn tập huấn trong nước, chiều hôm ấy tôi thấy một cháu trong đội tập không tốt. Hết buổi tập, bác cháu nói chuyện thì con bé vừa cầm quả bóng vừa thổ lộ: “Mai là ngày giỗ đầu của mẹ, không được về thắp hương cho mẹ lần này nên cháu... Thế là ngay lập tức tôi quyết định: “Cháu chọn phương án đi. Ăn xong cơm chiều mới về hoặc cần thiết thì ra xe về quê luôn với mẹ. Bác cho cháu về ngay. Buổi tập chiều mai cháu có mặt ở đội”.

Rồi mình gửi cháu ít tiền về thắp nén hương cho mẹ. Lúc đầu bạn ấy không dám nhận nhưng sau thấy tấm lòng của bác thì cháu nó cầm. Thế mà giờ tập buổi sáng hôm sau đã thấy có mặt rồi. Hóa ra nó đi cả mấy trăm cây số về thắp hương cho mẹ xong lại bắt xe quay lên tuyển ngay trong đêm.

Có bạn lương mỗi tháng được 2,1 triệu bạc, họ được lo ăn uống và sinh hoạt phí theo chế độ, nên rất tiết kiệm mọi khoản phát sinh. Các cháu chia sẻ, nếu không có thưởng đột xuất thì mỗi tháng cũng cố gắng gửi về nhà 1,5 triệu, chỉ giữ lại tầm 400.000 đồng cho mọi khoản như xà phòng, kem chống nắng, kem dưỡng da, băng vệ sinh... các thứ. Còn thêm cả son nữa. Phụ nữ mà, ai cũng muốn mình xinh đẹp.

Bởi vì thế nên không mấy HLV mặn mà với đội nữ đâu. Các cháu khó khăn như thế, mình đã nhận trách nhiệm làm thầy, làm bố rồi thì chỉ có mỗi một cách, động viên các cháu, các con, lo lắng cho chúng nó từng li từng tí một. Nhiều khi các cháu nỗ lực không phải vì chính chúng nó nữa đâu. Có những lúc nó làm là còn vì nể bố Chung đấy”...

Và sau những thành công, người đầu tiên ông muốn nói lời cảm ơn đặc biệt luôn là vợ mình. Ông chia sẻ: “Phải có người thân làm thể thao chuyên nghiệp hoặc tham gia huấn luyện các đội tuyển quốc gia, bạn mới hiểu gia đình họ đã hy sinh khủng khiếp như thế nào cho giấc mơ huy chương của đất nước. Suốt hơn 45 năm kết hôn cũng là hơn 45 năm bà ấy hy sinh và nuôi dưỡng đam mê bóng đá của chồng. Chắc tôi đã bị bà ấy đã đuổi ra khỏi nhà lâu rồi nếu mình không nghĩ đến cảm xúc của vợ. Bà ấy sẽ cấm và không cho đi huấn luyện hay công tác biền biệt, chưa kể những ngày lễ, Tết cũng xách ba lô lên đường. Các con lớn lên bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm bố không ở nhà. Cho nên lúc đi xa tôi rất thương vợ ở nhà vất vả. Thương rồi lại càng nể vợ”...

Cảm ơn ông, người chiến binh thầm lặng ở tuổi 73, đã đưa bóng đá nữ ra thế giới! Chiến thuật của ông ngoài tài năng, là những yêu thương, sự chân thành. là những kỷ niệm chan chứa tình người. Tất cả đã làm nên những vinh quang mà ông cùng các bông hồng trên sân cỏ đã và đang viết tiếp…

Đọc thêm