“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”
Có lẽ không nơi nào như dải đất hình chữ S, những nghĩa trang liệt sỹ trải dài suốt dọc dài đất nước. Máu và hoa thấm đẫm trên lá cờ Tổ quốc, anh linh các anh hùng liệt sỹ hòa vào núi sông, cây cỏ. Năm nay, vẫn hành trình đó, dưới nắng lửa Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu Đoàn, cùng Tiến sĩ Vũ Hồng Thúy - Phó Tổng Biên tập và những người làm Báo Pháp luật Việt Nam đã dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.
TS Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập thắp hương tại mộ phần các anh hùng liệt sỹ an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: K.P) |
Chúng tôi đến Can Lộc - Hà Tĩnh nơi “túi bom” trên con đường huyết mạch “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ năm xưa vào giữa trưa một ngày tháng bảy, trời xanh ngằn ngặt. Bởi nơi ấy trong chiến tranh - mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, phía sau có mười ngôi mộ trắng nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát. Ngày 24 tháng 7 năm 1968 (dương lịch) là ngày hy sinh của tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Biết bao nhiêu máu và nước mắt của hàng ngàn người con yêu nước đã anh dũng ngã xuống nơi đây để những đoàn xe nối tiếp nhau ra tiền tuyến. Nơi đây cũng ghi dấu ấn hào hùng và bi tráng về sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong vào ngày 24/7/1968. Mười cô gái mỏng manh, mười bông hoa trinh trắng, mười bức tượng đài bất tử còn mãi với thời gian.
Nắng cháy da đổ lửa ở miền Trung, nóng hầm hập oi bức của những cơn gió Lào không ngăn nổi bước chân của dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây vào dịp tháng bảy hàng năm. Chúng tôi cũng vậy. Và như một mối duyên kỳ lạ, năm nào người đón chúng tôi tại đây cũng là anh Đào Anh Tuân, Phó Trưởng Ban Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Anh là một trong số những thuyết minh đầu tiên của khu di tích hơn 20 năm qua. Với chất giọng Can Lộc đặc trưng nhưng vô cùng trầm ấm, anh Tuấn luôn khiến chúng tôi nghẹn ngào khi nói về khoảng lặng của ngày 24/7/1968, nơi 10 cô gái tuổi 20 đã mãi mãi nằm lại nơi này sau một trận bom ác liệt…
Ngày nay, nhà Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc vẫn lưu giữ những kỷ vật khoác lên màu thời gian, những bằng chứng của tội ác chiến tranh thể hiện tinh thần bất khuất quật cường của những cô gái thanh niên xung phong quả cảm. Trong đó có bức thư của Đội trưởng Võ Thị Tần - Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP55 Hà Tĩnh viết gửi cho mẹ trước lúc hy sinh 5 ngày. “...Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cánh rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi, thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay dạo nọ mẹ gửi ra đã gần hết rồi...”. Những nét chữ thân thương trong bức thư gửi mẹ, cùng lọn tóc thề và chiếc lược hẹn ước của chị Võ Thị Tần với chàng trai cùng làng năm xưa đã làm lay động trái tim biết bao thế hệ.
Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam thắp hương tại mộ 10 cô gái Đồng Lộc. (Ảnh: K.P) |
Buổi chiều hôm ấy, khi đang kho cá thì đơn vị nhận được lệnh ra lấp hố bom cho xe thông qua. 10 cô gái như mọi lần hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống, sau tiếng gầm rít của tiếng bom dội xé trời là bầu không khí tĩnh lặng và mùi khói thuốc xông lên mịt mù, tất cả 10 cô gái trẻ tuổi của Tiểu đội 4, Đại đội 552 ở tuổi 18, đôi mươi đã hy sinh. Đồng đội đã tìm thấy nồi cá kho, kỉ vật còn lại cùng với mấy tấm áo của mấy cô gái còn lấm lem bùn đất, chỗ lành, chỗ rách để sau này trở thành kỷ vật vô giá được trưng bày ở bảo tàng.
Hơn 20 năm làm việc, dù đang giữ cương vị Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích, nhưng anh Tuân chưa ngày nào nghỉ ngơi công việc của một thuyết minh viên đã gắn bó với mình suốt bao nhiêu năm qua. Anh Đào Ngọc Tuân chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở đây nhiều năm. Mỗi năm, nhất là độ tháng bảy, bà con đến viếng các chị rất đông. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều đơn vị, địa phương trở đi trở lại khu di tích này, nhưng đều đặn mỗi năm một lần, liên tục trong nhiều năm như Báo Pháp luật Việt Nam thì rất hiếm. Tôi trân trọng nghĩa cử của các anh chị. Mỗi khi nhìn cây bồ đề do Báo Pháp luật Việt Nam trồng tặng Khu di tích đang phát triển rất mạnh mẽ, chúng tôi rất xúc động. Nó chính là sự hiện hữu nghĩa cử của các anh chị với nơi đặc biệt này”.
Tham gia cùng Đoàn đến viếng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với chúng tôi trong chuyến đi, có ông Lê Viết Hồng - Giám đốc, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh. Ông Tuấn bày tỏ, là người con ở nơi có những di tích như thế này, chúng tôi cảm thấy thật may mắn. Sự hy sinh của các liệt sỹ là bài học cho sự cống hiến với đất nước của chúng ta hôm nay. “Những chuyến đi tri ân miền Trung như Báo Pháp luật Việt Nam đang thực hiện gần 20 năm nay cũng giúp chúng tôi những bài học về lòng biết ơn, trách nhiệm với cuộc sống”.
Và năm nay, lần đầu tiên chị Hà Phương Thảo, Trưởng Văn phòng đại diện Báo pháp luật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, một người con đất phương Nam tham gia. Chị bắt đầu hành trình cùng Đoàn khi đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bần thần hồi lâu trước mộ Đại tướng, hoàng hôn buông vội vã giục bước, nhưng chị vẫn còn muốn nán lại thêm chút nữa. “Khi đứng trước mộ Đại tướng, nhìn những bông hoa tươi thắm và nén nhang nghi ngút khói, tôi không khỏi nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc, về sự đóng góp to lớn của Đại tướng để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong không gian tĩnh lặng, tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp như Đại tướng dường như vẫn còn hiện diện”…
Thế rồi chị Thảo rưng rưng trước bạt ngàn những ngôi mộ liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ trên đất Quảng Trị, chị nghẹn ngào: “Có tận mắt chứng kiến, có được đứng trong không gian này, mới thấy chiến tranh khốc liệt hơn ngàn vạn lần mình từng nghĩ”…
“Mỗi tấc đất, một cuộc đời có thật”
“Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ/Cỏ non thành cổ, người mẹ nào, người vợ nào nghẹn ngào nuốt lệ/Khi chồng con không trở về”… Mỗi lần bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đều rưng rưng bước đi thật nhẹ trong lời ca khúc này…
Các thành viên Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam tại cây bồ đề lưu niệm của Báo PLVN tại Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: K.P) |
Không nơi nào có nhiều nghĩa trang liệt sỹ hơn Quảng Trị, trong số 72 nghĩa trang với 60 ngàn liệt sỹ, có hai nghĩa trang Quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Nơi ấy, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc 20 năm đằng đẵng. Nơi những người vợ, người chồng, người con chiều chiều chạy dọc sông gọi mẹ đang giặt bên kia bờ… Nơi mỗi tên làng, tên xóm là những trận đánh lịch sử… Nơi hàng ngàn liệt sỹ tuổi 20 đã mãi mãi ở lại, hoà vào núi sông, cây cỏ mùa hè “đỏ lửa” năm 1972…
Theo nguồn cứ liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong cuộc đối đầu lịch sử 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, các lực lượng tham gia của ta thời điểm cao nhất đến 80.100 người. Chiến trường Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9/8/1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”…
Cũng trên dòng Thạch Hãn mùa hè năm 1972 ác liệt ấy, có cô du kích 81 ngày đêm cùng cha chồng tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, đưa thương binh về hậu tuyến. Hình ảnh ấy được nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính ghi lại cho mai sau, hiện trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ. Đó là bà Nguyễn Thị Thu (SN 1954) ở Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.
Bà Thu không còn nhớ là đã bao nhiêu lần chở bộ đội sang sông trong 81 ngày đêm ấy. Trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 - 40 lần vượt sông đưa bộ đội vào trận tuyến chiến đấu. Rồi cũng trên chiếc đò ấy không biết bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực được tiếp tế cho Thành cổ. “Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ vừa mười tám, đôi mươi. Có một lần chở thương, bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên một tiếng “mẹ ơi đau quá…” rồi trút hơi thở cuối cùng”, bà Thu nhớ lại trong nước mắt…
Đặc biệt, tại Thành cổ còn có một Khu tượng đài sinh viên Hà Nội. Nơi hàng ngàn sinh viên ưu tú đã lên đường và nằm lại tại Thành cổ, mãi mãi tuổi 20 và những giấc mơ còn dang dở… Còn nhớ, “Trong chiến hào Thành cổ” với những câu chuyện xúc động được ghi lại: “Có cậu là thanh niên, sinh viên đi huấn luyện ở trên Thái Nguyên, được mẹ thêu tên vào trên áo và balo, cậu giữ hai thứ đó như là giữ vàng. Trước hôm được lệnh vào Quảng Trị, mẹ cậu lên thăm và nhờ thủ trưởng trông coi giùm, gần 20 tuổi đầu, chưa đi đâu quá Hà Nội. Hôm ở Thành cổ, cậu bị đạn tổ ong văng trúng, ngàn mũi đạn đâm vào thân và da thịt. Máu cứ chảy rỉ ra không cầm được, chỉ kịp nói hai chữ “Mẹ ơi!” rồi hy sinh…
Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam tại nghĩa trang Quốc gia Đường 9. (Ảnh: K.P) |
Lính hồi đó chỉ có những điều ao ước rất đơn giản, là hết chiến tranh được trở về với mẹ. Nhưng cái mong muốn đó không phải ai cũng có được. Nhiều anh em ở vào cái khoảnh khắc tạm biệt mẹ lên đường chiến đấu, đó cũng chính giây phút cuối cùng được thấy mẹ và quê hương”…
Về sau này, những đồng đội may mắn còn được trở lại trường ĐH đã nhiều lần trở đi trở lại Thành cổ, với những nỗi niềm khắc khoải chỉ là để thắp một nén hương nơi đầu gió cho những người lính bất tử…
“Hành trình trên đất miền Trung, cảm nhận từng làn gió thổi qua những nghĩa trang liệt sỹ, từng bước chân trên mảnh đất đã thấm đẫm máu và nước mắt, chúng ta cần trăn trở về trách nhiệm của mình. Làm thế nào để kể lại những câu chuyện chưa được kể, làm thế nào để ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt trong tâm trí người dân, làm thế nào để thế hệ trẻ hiểu được giá trị của sự hy sinh và tinh thần quật cường của cha ông? Làm thế nào để có những bài viết có sức mạnh “đánh thức” lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sự trân trọng đối với quá khứ là điều chúng ta hướng tới…” - Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập của Báo Pháp luật Việt Nam trăn trở.
Có một “thương hiệu” nối dài hành trình tri ân
Cùng với hành trình tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ, trong mỗi chuyến đi của những người làm báo Pháp luật Việt Nam là chương trình thiện nguyện hướng về những vùng xa xôi, hẻo lánh của miền Trung, với mong muốn sẻ chia những khốn khó, chung tay giúp những mảnh đời vơi bớt khó khăn.
Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị một bộ âm thanh hỗ trợ thuyết minh. (Ảnh: K.P) |
Tại đây, trong nhiều năm qua, đã có hàng chục căn nhà tình nghĩa, nhiều sổ tiết kiệm, hàng nghìn suất học bổng, sách vở, quần áo, quà, nhu yếu phẩm, tiền mặt… đã được trao đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn. Báo đã góp một phần sức mình trong việc nhân rộng tinh thần nhân ái, thắp lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng.
Trong chuyến đi năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục trao tặng những món quà ý nghĩa, thiết thực. Tại điểm cuối của hành trình tri ân năm nay, chúng tôi đã trao tặng Ban Quản lý Thành cổ Quảng Trị một bộ hướng dẫn thuyết minh. Đây là bộ thiết bị gồm một máy thu và 20 máy phát. Bộ thiết bị áp dụng kỹ thuật không dây công nghệ mới, giúp cho khách tham quan chủ động trong việc tìm hiểu thông tin hiện vật của bảo tàng, khu tham quan. Với tính năng đa ngôn ngữ mạnh mẽ (tích hợp 32 ngôn ngữ) sẽ giúp cho bảo tàng phục vụ nhiều đối tượng khách tham quan với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khách tham quan chỉ cần ấn các mã số tương ứng với hiện vật để nghe các bài thuyết minh về hiện vật ấy.
Bà Cáp Thị Thiên Trang - Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị xúc động chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn nghĩa cử của Báo Pháp luật Việt Nam. Mỗi năm, các anh chị luôn dành thời gian vào với đất lửa miền Trung, viếng thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị và trao tặng những món quà ý nghĩa. Đôi cây mẫu đơn trước đài tưởng niệm, dàn âm thanh và món quà hỗ trợ thuyết minh hôm nay Báo trao tặng thực sự rất có ý nghĩa. Những món quà đó không chỉ thể hiện sự biết ơn, trân trọng của các nhà báo, mà còn hỗ trợ chúng tôi lan tỏa giá trị lịch sử trân quý của dân tộc. Đặc biệt, chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi, số hóa di tích nên món quà càng có ý nghĩa thiết thực và ấm áp”…
Năm 2023, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, khó khăn tại địa bàn Quảng Trị.
Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đi (thôn Cu Dong, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), có chồng và con là liệt sỹ, hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Vui (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), có chồng và con trai là liệt sỹ. Mẹ Vui đã 101 tuổi, hiện nằm liệt giường, được con gái và con rể chăm sóc…
Báo cũng tặng sổ tiết kiệm cho bà Nguyễn Thị Thu (trú thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), là nữ du kích cùng bố chồng hàng ngày chèo đò vận chuyển người, lương thực qua sông Thạch Hãn phục vụ chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Với lãnh đạo, người dân miền Trung, Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ là một tờ báo, mà còn là một người bạn thân thương. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang, chương trình “Tri ân miền Trung” của Báo Pháp luật Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với Quảng Trị, để lại nhiều tình cảm sâu nặng với bà con tỉnh nhà. “Đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Qua những chuyến đi này, tôi tin tưởng các bạn trẻ, những người làm báo Pháp luật Việt Nam càng hiểu hơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha anh đi trước”, ông Nguyễn Đăng Quang bày tỏ.
Đồng thời, là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp, cũng năm 2023, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng Mái ấm Tư pháp trị giá 100 triệu đồng cho anh Đinh Thanh Sơn (công chức tư pháp - hộ tịch xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Là một cán bộ tư pháp được đánh giá năng nổ, tích cực trong công việc. Tuy nhiên, gia đình anh Sơn có hoàn cảnh còn rất khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã. Trong căn nhà mới khang trang, anh Sơn xúc động: “Một năm rồi tôi vẫn không quên được ngày Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng món quà ý nghĩa. Hiện nay gia đình tôi đã dần ổn định cuộc sống, có ngôi nhà khang trang, nhờ đó mà tôi có thêm động lực để yên tâm công tác, phấn đấu hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Đó còn là trường hợp của ông Hồ Văn Tưng (cán bộ tư pháp xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được nhiều người nhớ đến vì ông đã cống hiến cho ngành Tư pháp hơn 30 năm, gia đình thuộc diện rất khó khăn, vợ chồng ông không có con cái, không những thế vợ ông còn bị mù cả hai mắt. Năm 2015, ông xây được căn nhà 70 triệu đồng, trong đó Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng 50 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình và các cấp chính quyền ở địa phương quyên góp thêm.
Đó là trường hợp của anh Hồ Tơ Hưm (dân tộc Vân Kiều, SN 1986, cán bộ tư pháp xã Thanh, huyện Hướng Hóa) mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau khi lập gia đình, anh sống trong căn nhà dột nát của bà ngoại với 11 thành viên. Năm 2017, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng anh Hồ Tơ Hưm Mái ấm Tư pháp.
Ấn tượng và cảm kích với tấm lòng của những người làm báo Pháp luật Việt Nam, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn” của Báo Pháp luật Việt Nam đã góp phần động viên, đóng góp cho sự phát triển của địa phương nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Quảng Trị nói riêng. “Nhiều địa phương, nhiều đoàn khắp cả nước về Quảng Trị dâng hương nhưng cá nhân tôi rất xúc động nhận thấy từ 17 năm nay Báo Pháp luật Việt Nam luôn duy trì chuyến đi Tri ân miền Trung hàng năm. Trong sự thành công của tỉnh Quảng Trị, có sự đóng góp của Báo Pháp luật Việt Nam đã giúp lan tỏa hình ảnh địa phương, lan tỏa tinh thần sẻ chia”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ…
Trở lại với tháng bảy miền Trung, dải đất khốc liệt, kiên trung, mỗi chúng tôi trên hành trình của mình đều thấm thía hơn bao giờ những khúc ca bi tráng, máu xương của cha anh mình đã ngã xuống, cho màu xanh bình yên, cho những xóm làng, phố thị đã đổi thay từng ngày. Dấu tích chiến tranh chỉ còn lặng im nơi bạt ngàn các nghĩa trang yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ khi họ còn quá trẻ.
Nơi ấy, nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn, về lịch sử hào hùng của cha anh. Nơi mỗi người dân Việt từ những người bình thường, nhỏ bé nhưng khi có giặc đều “đứng dậy chói lòa” - bởi đất nước của những người “không bao giờ khuất”… Và họ đã trở thành bất tử như thế, để mỗi độ tháng bảy về, chúng ta đều nghẹn ngào “thắp một nén hương cho người nằm dưới mộ. Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ, xin chớ vô tình”…