- Thưa ông, trong đợt dịch sởi đang xảy ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc, xuất hiện một số trường hợp trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã bị bệnh. Vậy có nên tiêm phòng sớm cho trẻ không, thưa ông?
- Sởi là căn bệnh thường gặp từ trẻ trên 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc sởi. Tuy nhiên, những trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng sởi) vẫn bị sởi là chuyện không có gì là cá biệt. Thậm chí có những đứa trẻ vừa sinh ra đã lây sởi, lây thủy đậu từ mẹ (đến đúng thời điểm sinh con thì ba mẹ mắc các bệnh này). Dù vậy, số này không chiếm nhiều trong tổng số trẻ bị sởi được ghi nhận.
Điều này hoàn toàn bình thường vào có thể lý giải. Về lý thuyết, trẻ dưới 9 tháng tuổi ít bị sởi do ở lứa tuổi này, trẻ vẫn được nhận miễn dịch. Chính vì thế, lịch tiêm chủng sởi cho trẻ em cũng bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi. Trong khi đó, đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Nguyên nhân có thể do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, do đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.
Lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên là hoàn toàn hợp lý và không nên thay đổi, vì chiến lược tiêm phòng là cho số đông. Trên thực tế, số mắc sởi trước 9 tháng tuổi chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Số mắc ít, cơ thể trẻ đang còn có kháng thể từ mẹ, khi tiêm vào phản ứng kích miễn dịch kém. Theo tôi được biết, một số nước châu Phi người ta có thể tiêm vắc xin từ 6 tháng, sau một thời gian dài theo dõi và thấy số lượng trẻ mắc sởi từ 6 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Còn Việt Nam, tỉ lệ trẻ trước 9 tháng bị sởi vẫn thấp và việc tiêm phòng ở lứa tuổi này sẽ giảm hiệu quả của vắc xin, do cơ thể trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên phản ứng kích miễn dịch sẽ bị kém đi.
- Nếu trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi có thể do là con của những bà mẹ có kháng thể miễn dịch sởi thấp (chưa được tiêm chủng, chưa từng mắc sởi) thì phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nên tiêm phòng sởi không, thưa ông?
- Theo tôi, để mở một chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi cho nhóm phụ nữ tuổi sinh sản là không nên, vì như đã nói, chiến dịch tiêm chủng là phải dành cho số đông. Tuy nhiên, với nhu cầu cá nhân, những người phụ nữ tuổi sinh sản chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc xin sởi hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế để tiêm phòng trước khi mang thai, giống mũi tiêm vắc xin cúm, vắc xin ngừa rubella mà hiện nay nhiều chị em luôn có ý thức đi tiêm phòng trước khi có ý định mang thai.
- Dù nguy cơ thấp, nhưng lỗi lo sợ con bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm phòng vẫn là một áp lực tâm lý không nhỏ của các bà mẹ. Ông có lời khuyên gì trong phòng bệnh cho nhóm trẻ này, thưa ông?
- “Sởi là một bệnh rất dễ lây. Một người không được tiêm vắc xin hay chưa từng mắc sởi trước đó nếu có tiếp xúc với bệnh nhân thì khả năng bị bệnh rất cao. Khuyến cáo mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh và nên đi tiêm phòng vắc xin.
Còn với nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi, các bà mẹ không nên quá lo lắng bởi tỉ lệ gặp bệnh thấp. Để phòng bệnh cho trẻ, tích cực cho trẻ bú sữa mẹ, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng…
Khi con có dấu hiệu bệnh cần đưa trẻ đi khám, theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của thầy thuốc, kịp thời đưa trẻ đến viện khi có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng, nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn giữ nguyên lịch tiêm phòng sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tuy nhiên với tình hình dịch như như hiện nay Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thống kê và thực hiện tiêm phòng sởi miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi. Về hiện tượng trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, theo ông Phu, dù Việt Nam có ghi nhận một số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi nhưng lịch tiêm chủng vẫn sẽ được duy trì như hiện nay để đảm bảo miễn dịch tốt nhất vì tiêm trước tuổi này, khả năng miễn dịch với sởi rất lớn, nếu tiêm ngừa thì khả năng tạo miễn dịch với bệnh sởi không cao. Nếu trẻ được tiêm 1 mũi thì khả năng miễn dịch sẽ đạt 80-85%, mũi 2 đạt 90-95%.