Có nên 'kích cầu' ô tô?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo một vài con số thống kê đầu năm, cũng như một số dự báo, năm 2023, dự báo thị trường ôtô nguy cơ ảm đạm như thời COVID-19. Vì vậy, một số hiệp hội, địa phương vừa có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Businesstech
Ảnh minh họa. Nguồn: Businesstech

Hai giải pháp được đưa ra để kích cầu thị trường, là gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ. Các chính sách này được đề nghị ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay.

Chính sách giảm tương tự cho xe lắp ráp trong nước từng được Chính phủ áp dụng hồi năm 2021 - 2022, như một cách giúp DN ngành sản xuất ôtô phục hồi trước tác động của dịch COVID-19.

Giải thích việc lần này lại đưa ra đề nghị trên, một hiệp hội cho rằng siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các DN ôtô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh. Một báo cáo cho thấy vào tháng 1/2023, thời điểm trước Tết Nguyên đán, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 17.852 xe, giảm 60% so với tháng 12/2022 và 54% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, doanh số bán xe trong nước giảm gần một nửa. Có hãng xe lượng bán chỉ bằng 30% của một tháng trước đó. Báo cáo này đánh giá đây là tín hiệu bất thường, đáng ngại vì tháng có Tết thường là thời điểm lượng bán tăng cao.

Một hiệp hội khác cho rằng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công, tác động trực tiếp tới lao động.

Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, có ý kiến nhận định áp lực lên dòng tiền, tồn kho của DN sản xuất xe trong nước đang rất căng thẳng, các hãng đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi với người mua để tái cân bằng cung - cầu. Nhưng chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng DN, sẽ không đủ để tạo sức bật giúp thị trường xe trong nước tăng trưởng trở lại bền vững. Vì vậy, một số hiệp hội, địa phương mới đề xuất có biện pháp hỗ trợ đủ lớn, tạo động lực cho người tiêu dùng, vực dậy thị trường; giảm 50% lệ phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng người mua giảm được chi phí để lăn bánh một chiếc ôtô mới; kích thích nhu cầu tiêu dùng mua sắm. Về phía DN, hai chính sách kích cầu này sẽ giúp giảm bớt áp lực dòng tiền, có thêm thời gian và nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.

Những đề xuất trên là rất có lý, nhưng phản biện lại, cũng có ý kiến cho rằng nếu áp dụng thì thu ngân sách bị ảnh hưởng. Chưa kể vấn đề quan trọng khác, là nhiều đô thị lớn hiện đã quá căng thẳng với vấn nạn kẹt xe, đường mới mở không kịp đáp ứng thực tế số ô tô ngày càng nhiều. Nhiều người có xe nhưng cũng hạn chế ô tô mà chuyển sang đi xe máy cho nhanh gọn; vừa tiết kiệm, vừa đỡ ô nhiễm môi trường.

Bản thân ô tô cũng là loại hàng hiện được coi là xa xỉ nên mới chịu các loại thuế phí như thuế tiêu thụ đặc biệt. Về phía khách hàng, nếu đã chấp nhận bỏ ra số tiền lớn mua ô tô thì khoản 50% phí trước bạ có được giảm hay không, cũng không phải là yếu tố quyết định.

Vì vậy, cân nhắc các yếu tố được – mất là điều cần tính toán kỹ trước khi quyết định có nên “kích cầu” ô tô hay không?

Đọc thêm